(HBĐT) - Đối với công tác quản Theo đánh giá của Sở TT&TT, từ đầu năm đến nay, nhìn chung, hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo an toàn, chưa có sự cố nào xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng, chưa xảy ra sự cố về mất mát dữ liệu, lộ, lọt thông tin ra bên ngoài.
Công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Yên Trị (Yên Thuỷ) tiếp nhận, xử lý các văn bản thủ tục hành chính trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản đạt hiệu quả cao.
Những năm qua, lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) đã có sự phát triển nhanh chóng. Do vậy, dù được quan tâm, đầu tư, nhưng nhìn chung, công tác bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, luôn tiềm ẩn rủi ro bị tấn công. Toàn tỉnh hiện mới có 30/80 cơ quan, đơn vị trang bị thiết bị tường lửa, hệ thống sao lưu dữ liệu; tỷ lệ các đơn vị sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền còn thấp, chỉ chiếm khoảng trên 30%. Ngoài ra, việc đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử và thương mại điện tử đặt ra ngày càng nhiều thách thức cho việc đảm bảo ATTT, nhất là khi tỉnh chưa có đội ngũ nhân lực ATTT đủ năng lực; nhận thức, ý thức của người sử dụng thiết bị CNTT chưa đúng, sử dụng tùy tiện các dịch vụ internet.
Mặt khác, đa số cơ quan, đơn vị trang bị các phần mềm diệt virus có bản quyền cho máy tính riêng lẻ, chưa có biện pháp đảm bảo ATTT được cài đặt đồng bộ toàn cơ quan nên khả năng phòng, chống virus, bảo mật không cao... Theo kết quả rà soát, phân loại an toàn hệ thống CNTT do các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh quản lý, sử dụng mới chỉ đạt mức độ 2 và mức độ 3. Hầu như chưa có hệ thống thông tin đáp ứng cấp độ an toàn mức độ 4 và mức độ 5. Trong khi đó, hình thức tấn công lại rất đa dạng như dạng tấn công phishing (lừa đảo), deface (thay đổi giao diện), malware (sử dụng mã độc, phần mềm gián điệp) và một số cách thức tấn công khác thông qua các lỗ hổng trên hệ thống CNTT của các tổ chức, đơn vị, cơ quan Nhà nước...
Qua quá trình giám sát, các cơ quan chức năng cũng đã ghi nhận, phát hiện một số sự cố, đó là mạng nội bộ của một số đơn vị bị tấn công và tin tặc có thể lấy cắp, thay đổi, xóa bỏ dữ liệu của đơn vị, cài mã độc để theo dõi; tài khoản email công vụ của một số cơ quan, cá nhân bị cài mã độc có khả năng tự phát tán email, giả mạo tài khoản email... Phổ biến nhất là hiện tượng các máy trạm của nhiều cơ quan bị nhiễm virus hay worm. Tuy ít nguy hiểm nhưng có ảnh hưởng, làm suy giảm hiệu năng của thiết bị và mạng. Các sự cố này dù đã được ngăn chặn, khắc phục nhưng nó vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng (AT - ANM) có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nhận thức rõ được những nguy cơ tiềm ẩn và vai trò quan trọng của việc đảm bảo AT - ANM, ngày 8/10/2018, UBND tỉnh đã có Quyết định số 35/2018/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý, vận hành, kết nối, sử dụng và bảo đảm ATTT trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Nhà nước tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TT&TT đã ban hành các văn bản cảnh báo, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành và các địa phương triển khai thực hiện công tác đảm bảo AT - ANM như cảnh báo mã độc ghostteam, grandcrab; triển khai các biện pháp phòng, chống mã độc lây lan thông qua facebook messenger tại Việt Nam; cảnh báo mã độc phát tán thông qua các ứng dụng giả mạo trên thiết bị di động thông minh...
Từ thực tế trên, đến nay, 100% sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đều đã ban hành Quy chế đảm bảo AT - ANM trong hoạt động ứng dụng CNTT tại đơn vị, địa phương mình. Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về AT - ANM tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện. Theo đó, trong năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp với Sở TT&TT mở hàng chục lớp tập huấn về sử dụng, ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan hành chính Nhà nước.
Để giảm thiểu các nguy cơ mất ATTT trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, theo đồng chí Nguyễn Minh Thanh, Phó trưởng phòng CNTT (Sở TT&TT), các cơ quan, đơn vị phải nghiêm túc quán triệt, thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo đảm ATTT; xây dựng và ban hành cơ chế tăng cường phối hợp giữa Sở TT&TT và các cơ quan đơn vị, trong việc bảo đảm AT - ANM; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan Nhà nước, trên các hệ thống thông tin của tỉnh nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật trong trao đổi dữ liệu điện tử trên môi trường mạng; chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan Nhà nước về mức độ quan trọng của việc đảm bảo AT - ANM.
Mạnh Hùng