Ngày 24-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ khai trương Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet).
Cùng dự có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; các Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ và Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư, địa phương; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại Lễ khai trương hệ thống e-Cabinet, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mục tiêu của hệ thống giúp chuyển phương thức làm việc từ văn bản giấy sang môi trường điện tử, sử dụng văn bản điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, giảm thời gian, tăng tính kịp thời trong việc xử lý công việc của mình.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử, bao gồm học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm thành công và không thành công của các nước, vận động hệ thống các công ty công nghệ, các cơ quan có liên quan vào việc giúp cho Chính phủ xây dựng Chính phủ điện tử.
Ghi nhận nỗ lực của Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan, Thủ tướng cho rằng "không phải chúng ta đã hoàn thiện mà đây chỉ là bước thí điểm ban đầu quan trọng”. E-Cabinet là một phương thức làm việc mới của chúng ta, nhưng trên thế giới ở rất nhiều quốc gia đã phát triển hệ thống này từ lâu và rất thành công trong xây dựng Chính phủ điện tử. Chúng ta phải rút ra kinh nghiệm thành công và không thành công từ các chính phủ để làm tốt hơn việc sử dụng hệ thống e-Cabinet tại Việt Nam.
"Chuyển sang một phương thức làm việc mới bao giờ cũng có nhiều điểm bỡ ngỡ, có khi còn e ngại và thấy khó khăn, những gì chúng ta đã làm quen bấy lâu rồi giờ thay đổi sẽ mất thời gian để làm quen và cần phải cập nhật, đào tạo lại”, Thủ tướng nói. Tuy nhiên, chúng ta phải quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử bởi đó là xu thế tất yếu, không ngoại trừ quốc gia nào. Chúng ta muốn xây dựng thành công nền kinh tế số và xã hội số thì trước tiên chúng ta phải có Chính phủ số mà khởi đầu là e-Cabinet ngày hôm nay khai trương. Lợi ích của e-Cabinet không chỉ dừng lại ở tiết kiệm thời gian họp hành mà là yêu cầu nội dung công việc phải được chuẩn bị tốt hơn cả về chất lượng và thời hạn để các thành viên tham dự có thể nghiên cứu trước và cho ý kiến. "Tôi muốn nói tới công tác chuẩn bị trước đó để sử dụng e-Cabinet phải chặt chẽ hơn, tốt hơn. Vì thường chúng ta đều biết Chính phủ quyết định những vấn đề quan trọng đặc biệt là việc xây dựng thể chế pháp luật phục vụ cho phát triển”.
Dịp này, Thủ tướng đề nghị cần có khung cơ sở pháp lý để e-Cabinet hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Vấn đề chính ở đây là quy định về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, xác thực điện tử, chế độ báo cáo giữa các cơ quan hành chính của Chính phủ, của Nhà nước. Củng cố hạ tầng thông tin, bảo đảm sự thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, chống tin tặc, an ninh mạng và các hình thức phá hoại về thông tin. Phát triển hệ thống phần mềm phù hợp với nội dung hoạt động, điều kiện, đặc điểm của Chính phủ Việt Nam, cần có e-Cabinet mang bản sắc Việt Nam. Không áp dụng máy móc mô hình của nước ngoài. Thí dụ, biểu quyết qua e-Cabinet có thể vắng mặt nhưng "chúng ta không khuyến khích sự vắng mặt”.
Thủ tướng nêu rõ, các thành viên Chính phủ cần quán triệt tinh thần tiên phong, quyết liệt nhập cuộc, đổi mới mạnh mẽ, nắm vững các thao tác để sử dụng thành thạo hệ thống này. Việc vận hành tích cực, có hiệu quả hệ thống này sẽ giúp cho Chính phủ sớm đạt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian các phiên họp Chính phủ, đồng thời giảm tối đa sử dụng văn bản giấy trong các phiên họp Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh hệ thống trong thời gian tới, đặc biệt lưu ý phối hợp Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh mạng, an ninh hệ thống, không để xảy ra sự cố lộ lọt thông tin, dữ liệu. Văn phòng Chính phủ phối hợp các bộ, ngành rà soát, kiến nghị sửa đổi quy chế làm việc của Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan phù hợp với phương thức làm việc trên môi trường điện tử, trên không gian mạng.
Đồng thời với hệ thống e-Cabinet, cần ưu tiên tập trung rà soát, nâng cấp, hoàn chỉnh phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc trong nội bộ hiện nay. Thủ tướng cho biết, có ý kiến phản ánh phần mềm hiện nay còn bất cập. Sau thời gian sử dụng thử nghiệm hệ thống e-Cabinet, Thủ tướng yêu cầu tiến hành đánh giá toàn diện hệ thống, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Các bộ, các tỉnh, thành phố phải nghiên cứu áp dụng mạnh mẽ hơn hệ thống công nghệ thông tin phổ cập hiện nay để hạn chế tối đa sự chậm trễ, hạn chế sự tiếp xúc giữa các cá nhân, cơ quan đơn vị với người, đơn vị giải quyết công việc, đẩy mạnh thanh toán điện tử, xây dựng ngay cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, là những việc tiếp tục triển khai trong việc xây dựng Chính phủ điện tử.
Hệ thống e-Cabinet khi đưa vào hoạt động sẽ hỗ trợ đắc lực cho các phiên họp Chính phủ với đầy đủ các chức năng như: cập nhật, quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu phiên họp; quản lý phiên họp (từ thành phần, nội dung chương trình; phát biểu, thảo luận, tham gia ý kiến, chỉnh sửa dự thảo văn bản, biểu quyết điện tử (có xác thực chữ ký số) của các thành viên Chính phủ. Thành viên Chính phủ vắng mặt tại phiên họp có thể tham gia ý kiến và biểu quyết điện tử thông qua thiết bị di động.
E-Cabinet cũng bao gồm chức năng hỗ trợ xử lý công việc của Chính phủ; quản lý việc gửi Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, nhắn tin điện thoại SMS, gửi email thông báo đến các thành viên Chính phủ, các thành phần dự họp Chính phủ, tự động cảnh báo, nhắc quá hạn cho thành viên Chính phủ và bộ phận tham mưu, giúp việc khi có nội dung quá hạn cho ý kiến... Hệ thống e-Cabinet chính thức đi vào hoạt động sẽ là công cụ quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mục tiêu cụ thể của hệ thống e-Cabinet đã được xác định giảm thời gian các phiên họp Chính phủ, phấn đấu đến hết năm 2019 giảm 30% thời gian họp so với trung bình các năm trước. E-cabinet cũng giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong các phiên họp Chính phủ. Phấn đấu đến hết năm 2019 đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản mật).
* Ngay sau khi hệ thống e-Cabinet chính thức khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống này nhằm cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định quy định định danh và xác thực điện tử (XTĐT). Các thành viên Chính phủ vắng mặt có thể theo dõi phiên họp và thực hiện biểu quyết qua thiết bị di động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ thông qua hệ thống e-Cabinet.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nội dung dự thảo đã qua quá trình chuẩn bị, Bộ chủ trì đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan, có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, đủ điều kiện lấy ý kiến thành viên Chính phủ. "Bộ chủ trì không phải trình bày lại. Đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo tóm tắt nội dung cần lấy ý kiến trước khi các thành viên Chính phủ biểu quyết”, Thủ tướng nói.
Báo cáo Chính phủ tại buổi lễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hồ sơ Dự thảo Nghị quyết do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì trình Chính phủ. Với mục tiêu xây dựng chính sách là tạo cơ sở pháp lý cho quản lý, cung cấp và sử dụng định danh điện tử (ĐDĐT) và dịch vụ XTĐT, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho giao dịch điện tử, nâng cao hiệu quả sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia và các cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử. Có hai nhóm chính sách chính: quy định hình thức ĐDĐT và XTĐT, để tạo hành lang pháp lý cho các hình thức ĐDĐT và XTĐT; quy định việc cung cấp, sử dụng dịch vụ ĐDĐT và xác thực điện tử để đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, sử dụng các công nghệ phù hợp, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, đồng thời, quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm khi sử dụng ĐDĐT, dịch vụ XTĐT.
Các thành viên Chính phủ đã biểu quyết thông qua hệ thống e-Cabinet với kết quả 25 thành viên tán thành (trong đó 21 thành viên dự biểu quyết tại chỗ, bốn thành viên biểu quyết qua mạng). Sau đó, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết này và đã sử dụng thiết bị di động nhấn nút ký để ban hành Nghị quyết.