(HBĐT) - Hiện đã bước vào mùa mưa bão. Thực tế từ đầu năm đến nay, ở một số địa phương trong tỉnh đã có thiệt hại do mưa lớn, giông, lốc gây ra. Mưa lũ cũng kéo theo nguy cơ thường trực của lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, đá. Ý thức được việc có khả năng xảy ra sạt lở cao nên ngay từ đầu năm, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2018, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Trong đó, việc phòng, chống sạt lở đất do ảnh hưởng của mưa bão đã được quan tâm.


Với đặc thù của tỉnh miền núi, không ít gia đình làm nhà ở tại sườn hoặc chân đồi hay gần các con sông, suối. Điều này cũng có nghĩa luôn tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân mỗi khi có mưa lớn.

Qua rà soát, tổng hợp, hiện nay, trên toàn tỉnh có 141 điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao với 2.424 hộ nằm trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai cần phải có phương án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn có 97 điểm với 1.607 hộ bị ảnh hưởng; khu vực thường xuyên bị lũ ống, lũ quét có 31 điểm, 225 hộ bị ảnh hưởng; khu vực thường xuyên bị ngập úng có 13 điểm, 592 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư.

Hiện tại, đối với các khu vực sạt lở trọng điểm, tỉnh đã xây dựng khu tái định cư (TĐC). Theo đó, 13 khu TĐC di dân khẩn cấp đã xây dựng cơ bản hoàn thành san tạo mặt bằng, đường giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt và các công trình phúc lợi công cộng. Tổng mức đầu tư của các khu TĐC là 243,9 tỷ đồng. Tổng số hộ di chuyển của 13 khu TĐC khẩn cấp được phê duyệt có 481 hộ. Đến nay, các huyện, thành phố đã tổ chức di chuyển 100% hộ đến và ổn định cuộc sống lâu dài tại nơi ở mới.

Ngoài ra, một số công trình trọng điểm như tại khu vực đồi Ông Tượng bên công trình thủy điện Hòa Bình đang nhanh chóng xây dựng để khắc phục sạt lở trong mùa mưa bão năm nay.


Khu tái định cư phường Thái Bình (TP Hòa Bình) cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng, hiện đã đón nhiều hộ dân về ở, ổn định cuộc sống.

Để chủ động ứng phó với lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, đá, đặc biệt là từng bước xóa bỏ thói quen chủ quan trước thiên tai của một bộ phận người dân, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị và nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. UBND tỉnh đã yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đặc biệt coi trọng việc rà soát, thống kê cụ thể vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn để chủ động phương án ứng phó và có kế hoạch thiết lập hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm cho nhân dân được biết để phòng tránh. Đồng thời, kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên địa bàn mình quản lý; các điểm dân cư sinh sống làm co hẹp lòng sông, suối; đào bạt mái không đảm bảo độ dốc an toàn; lập phương án cụ thể di dời nhân dân đến nơi an toàn. Đối với các khu vực đã xảy ra hiện tượng sạt lở hoặc vùng mới di dân TĐC, thường xuyên kiểm tra, theo dõi các hiện tượng bất thường để chủ động phòng tránh, sẵn sàng phương án di dời người dân để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Đặc biệt, nhằm đảm bảo an toàn dân cư khu vực khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện và TP Hòa Bình chỉ đạo các đơn vị thi công xây dựng hạ tầng thiết yếu như: điện, đường, nước sạch và sinh kế phù hợp để đảm bảo cuộc sống cho người dân tại nơi ở mới ổn định lâu dài. Chỉ đạo các đơn vị thi công lập phương án và triển khai phương án khắc phục các công trình hạ tầng cơ sở đảm bảo an toàn, không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai. Rà soát diện tích sản xuất phù hợp với thực tế và đẩy mạnh lồng ghép PCTT vào phát triển KT-XH của địa phương. Chủ trì phối hợp với các bên có liên quan rà soát quỹ đất tại các khu vực di dân vùng thiên tai để bố trí mặt bằng đảm bảo an toàn cho người dân.

Chia sẻ về những việc cần phải thực hiện để phòng, chống sạt lở đất, đá có hiệu quả, đồng chí Trần Quốc Toản, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh cho rằng, trước hết, chính quyền các địa phương chú trọng rà soát, đánh giá, kể cả tại các khu vực TĐC mới được nhân dân chuyển đến cần được kiểm tra, xem xét; đồng thời phải có tổ xung kích thường xuyên quan trắc, kịp thời phát hiện dấu hiệu của nguy cơ sạt lở đất, xác định rõ khu vực trọng điểm và những điểm có thể bố trí được cho người dân khi sạt lở có thể xảy ra. Bản thân người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức tự giác đối với việc phòng, chống sạt lở đất, chuẩn bị sẵn sàng và tuyệt đối tuân thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.

 

Bình Giang


Các tin khác


Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh uỷ kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại huyện Lạc Thuỷ

(HBĐT) - Chiều 19/6, đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã kiểm tra, nắm bắt tình hình triển khai phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại huyện Lạc Thuỷ.

Thực hiện phương châm: cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo sâu sát, người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

(HBĐT) - Ngày 19/6, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dũng chủ trì hội nghị.

Đảm bảo an toàn cháy nổ trong kinh doanh xăng dầu mùa nắng nóng

(HBĐT) - Theo báo cáo của lực lượng chức năng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 140 cây xăng và hơn 400 cơ sở kinh doanh gas. Thời tiết nắng nóng, các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng là địa điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Không dừng lại ở đó, các vụ cháy, nổ tại cửa hàng xăng dầu thường để lại thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Chính vì vậy, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng và một yêu cầu cấp thiết trong thời điểm hiện nay. 

Sen bị chết hàng loạt ở Thừa Thiên-Huế, thiệt hại hàng tỷ đồng

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế xuất hiện tình trạng cây sen chết hàng loạt; trong đó, tập trung nhiều nhất tại huyện Phong Điền.

Người dân các khu tái định cư cơ bản ổn định cuộc sống

(HBĐT) - Đầu tháng 6, chúng tôi đến khảo sát khu tái định cư (TĐC) Mớ Khoắc, xã Hạ Bì (Kim Bôi). Khu TĐC nằm gần đường 12 B, được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, điện, nước, được quy hoạch ở khu vực ruộng cấy, cách xa núi, đồi sạt lở, giao thông đến tận cuối xóm đã đón 29 hộ dân (trong đó có 24 hộ xóm Mớ Khoắc, 5 hộ xóm Mớ Đồi) về ở. Bà con phấn khởi được Nhà nước hỗ trợ đầu tư mặt bằng, cấp điện, nước. Về cơ bản, các hộ dân đã xây nhà, một số hộ đang hoàn thiện, tất cả đã dọn đến ở, khắc phục nỗi lo đất, đá trượt sạt, vùi lấp.

Bài 2 - Khó thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

(HBĐT) - Có những lợi thế quan trọng về vị trí địa lý, con người, bước phát triển về nền kinh tế, trong đó bao gồm kinh tế nông nghiệp nhưng thực trạng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa được nhiều. Vấn đề cốt lõi ở chỗ khó thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Doanh nghiệp không mặn mà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục