Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận và khu vực các tỉnh Tây nguyên sẽ còn có mưa lớn kéo dài đến hết ngày 12.11. Nhiều nơi lượng mưa trên 300 mm.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT) cho biết, từ chiều 10.11, bão số 6 (tên quốc tế là bão Nakri) bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp gây mưa lớn, gió mạnh cho vùng biển và đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8, tương đương sức gió từ 60 - 75 km/giờ, giật cấp 10.
Khi càng đi vào gần bờ, bão số 6 tiếp tục suy yếu và đến 23 giờ cùng ngày bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Lúc 23 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 12,8 độ vĩ bắc và 109,4 độ kinh đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới, sức gió mạnh nhất đạt cấp 7, tức là từ 50 - 60 km/giờ, giật cấp 9. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10 - 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực biên giới VN - Campuchia.
Nguy cơ ngập lụt diện rộng
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đặc biệt cảnh báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, các tỉnh từ Thừa Thiên -Huế đến Ninh Thuận và khu vực các tỉnh Tây nguyên sẽ còn có mưa lớn kéo dài đến hết ngày 12.11. Dự báo tổng lượng mưa cả đợt của các tỉnh Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi, Đắk Nông, Lâm Đồng trong khoảng 100 - 150 mm. Mưa lớn nhất tập trung ở các tỉnh Bình Định đến Khánh Hòa phổ biến từ 200 - 300 mm, có nơi mưa trên 300 mm. Còn tại các tỉnh vùng Tây nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk dự báo có mưa 100 - 200 mm.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết do ảnh hưởng của mưa lớn, các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây nguyên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập lụt ở vùng trũng thấp và ven sông. Trong đó đặc biệt lưu ý, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra ngập lụt diện rộng và ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của các hồ chứa thủy điện xung yếu.
Khánh Hòa mưa gió lớn gây mất điện
Đến 22 giờ tối qua, mưa gió với cường độ ngày càng mạnh tại các địa phương phía bắc tỉnh Khánh Hòa như H.Vạn Ninh, TX.Ninh Hòa.
Ông Võ Lục Phẩm, Phó chủ tịch UBND H.Vạn Ninh, cho biết tối cùng ngày 2 ngư dân bị mắc kẹt trên lồng bè nuôi trồng thủy sản là ông Bùi Văn Hết và ông Trần Hữu Sơn (cùng trú xã Vạn Thắng, H.Vạn Ninh) đã được đưa vào bờ an toàn.
Ông Phẩm cho biết từ sáng 10.11, toàn bộ hộ nuôi trồng thủy sản tại địa phương đã được vận động di chuyển lên bờ tránh trú bão; khoảng 40.000 ô lồng nuôi trồng thủy sản được đưa đến nơi an toàn.
Tuy nhiên, trưa cùng ngày, 2 ngư dân nói trên đã tự ý ra lại lồng bè, đến chiều khi bão tiếp cận gần bờ, sóng to gió lớn nên không thể quay trở vào bờ, bị mắc kẹt tại khu vực Bãi Tranh, gần lạch Cổ Cò, thuộc thôn Ninh Tân (xã Vạn Thạnh, H.Vạn Ninh). Sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã liên lạc với 2 ngư dân, yêu cầu mặc áo phao, chờ được ứng cứu.
Trong khi đó, bà Trà Thị Bông Sen, Chủ tịch UBND xã Ninh Vân (TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa), cho biết toàn bộ xã Ninh Vân bị mất điện từ chiều cùng ngày. Nguyên nhân là lưới điện gặp sự cố do mưa to gió lớn, khiến cho dây điện bị bật ra khỏi sứ, rơi xuống. Toàn bộ 536 hộ dân với hơn 1.990 nhân khẩu tại địa phương đang trong cảnh mất điện. Do thời tiết xấu nên trong đêm 10.11 chưa khôi phục được.
Quảng Ngãi lập Sở chỉ huy tiền phương
Sáng 10.11, Sở chỉ huy tiền phương thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi phối hợp các cấp chính quyền H.Đức Phổ tổ chức di dời hàng ngàn người dân trước khi bão đổ bộ vào đất liền. H.Đức Phổ được cho là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, nên tỉnh đã lập Sở chỉ huy tiền phương tại huyện này.
Ưu tiên di dời trẻ em, phụ nữ và người già đến nơi an toàn ẢNH: PHẠM ANH
Tại đây, luôn có 150 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh sẵn sàng tác chiến. Trong ngày 10.11, quân đội và chính quyền tổ chức di dời hơn 2.000 dân, ưu tiên di dời trước trẻ em, người già, phụ nữ đến trú tại các trường học, UBND xã, trụ sở thôn…, nơi có nhà cửa kiên cố. 1.722 tàu cá của H.Đức Phổ cũng tìm được nơi tránh trú an toàn.
Ngư dân Quảng Ngãi từ các tàu cá, lồng bè nuôi thủy sản đang trên đường vào bờ tránh bão Ảnh: Phạm Anh
Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết dù tâm bão không vào nhưng do mưa lớn nên phải ứng phó với lũ sau bão. Vì vậy, Quảng Ngãi đã sẵn sàng phương án di dời hơn 8.100 hộ với 28.600 nhân khẩu nằm trong các khu vực có nguy cơ bị ngập, sạt lở. "Bão số 6 không đổ bộ vào Quảng Ngãi, nhưng diễn biến phức tạp, nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất là rất cao. Các địa phương, đơn vị và người dân tuyệt đối không chủ quan, mà tập trung ứng phó với nguy cơ lũ sau bão”, ông Bính yêu cầu.
Bình Định sơ tán dân khỏi các vùng nguy cơ sạt lở
Ngày 10.11, chính quyền tỉnh Bình Định tập trung các lực lượng để triển khai quyết liệt công tác sơ tán dân khỏi các vùng có nguy cơ bị triều cường, sạt lở đất, vùng trũng thấp theo kế hoạch đề ra và kêu gọi những người còn trên các tàu thuyền khẩn trương vào bờ. Đặc biệt, tại các huyện nằm ven biển như Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn, Tuy Phước và TP.Quy Nhơn…, công tác sơ tán dân được thực hiện rất khẩn trương. UBND tỉnh cũng thành lập các đoàn công tác đến các địa phương trong tỉnh và một số vùng xung yếu để kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó bão.
Đến 19 giờ ngày 10.11, UBND tỉnh Bình Định cho biết công tác ứng phó trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đúng như kế hoạch đề ra. Tỉnh đã sơ tán được 2.855 hộ với 10.596 nhân khẩu đến nơi an toàn. Ngoài ra, trong ngày 10.11 có 400 khách du lịch đã rời khỏi Bình Định, còn lại 1.200 khách du lịch sẽ ở lại tỉnh trong thời gian có bão. Hầu hết các tàu thuyền đã vào nơi neo đậu an toàn.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, hiện đã có 147 hồ chứa trên địa bàn đã xả nước qua tràn. Trong đó, hồ chứa lớn nhất tỉnh là hồ Định Bình điều tiết về hạ lưu từ 38,5 - 48,5 m3/giây bắt đầu từ 12 giờ ngày 10.11.
Phú Yên có một người chết
Những căn nhà người dân nằm dọc theo kè biển đang thi công ở xã An Chấn, H.Tuy An (Phú Yên) cách sóng biển chừng 20 m. Mặt tiền nhà hướng vào ngay "đầu sóng ngọn gió” nên người dân rất lo lắng mỗi khi có triều cường, bão. Theo ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND H.Tuy An, khu vực triều cường xã An Chấn nằm trong vùng cực kỳ nguy hiểm nên có khoảng 100 hộ phải di dời đến nơi an toàn. "Những hộ dân sống ven biển cũng đã di dời đến những nơi như trường học, nhà cao hơn ở phía sau. Hiện cơ bản người dân đã hoàn thành di dời tránh bão”, ông Thành nói và cho biết riêng H.Tuy An đến 13 giờ ngày 10.11 đã hoàn tất việc di dời khoảng 912 hộ với 2.476 nhân khẩu.
Gió mạnh quật ngã cây ở H.Đông Hòa, Phú Yên tối 10.11 ẢNH: ĐỨC HUY
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tiến, Chủ tịch UBND H.Đông Hòa, cho biết đến 13 giờ ngày 10.11, các hộ nuôi trồng thủy sản ở vịnh Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam đã vào bờ. "Người dân đã vào bờ nên tổ cưỡng chế cũng đã vào bờ rồi. Hiện công tác di dời dân trên lồng bè đã hoàn tất”, ông Tiến nói.
Ông Đào Mỹ, Chủ tịch UBND TX.Sông Cầu, cho biết đã chỉ đạo lực lượng xuống kiểm tra tất cả các địa phương, các lồng bè nuôi trồng thủy sản ở các đầm, vịnh của TX.Sông Cầu. Ngoài ra, chính quyền xã Xuân Hòa đã di dời 400 người dân đến Đồn biên phòng Xuân Hòa, trường học và nhà người dân kiên cố an toàn.
Chiều 10.11, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đến Phú Yên kiểm tra tình hình phòng chống bão. Hiện toàn tỉnh đã di dời gần 10.000 người dân đến nơi an toàn. Toàn bộ ngư dân trên các lồng bè đã vào đất liền. Tuy nhiên, ông Hiệp cũng cảnh báo trường hợp người dân thấy bão nhỏ sẽ quay trở lại lồng bè. "Đã vào rồi thì phải nhất thiết làm theo lệnh, khi bão tan thì mới trở lại các phương tiện tàu thuyền, lòng bè”, ông Hiệp nói và khuyến cáo chính quyền không được lơ là trong những lúc như vậy.
Đáng chú ý, tại Phú Yên đã có người chết do bão là anh Nguyễn Minh Hưởng (36 tuổi, ngụ xã Sơn Thành Đông, H.Tây Hòa). Sáng 10.11, trong lúc leo lên mái nhà dùng dây thép chằng chống nhà cửa để ứng phó bão thì không may anh Hưởng bị điện giật tử vong.
Theo Báo Thanh Niên