Hộ chăn nuôi xóm Nà Chiếu, xã Cao Sơn (Đà Bắc) che chắn, giữ môi trường chuồng nuôi thoáng sạch để gia súc phát triển khỏe mạnh.
Chúng tôi về xóm Nà Chiếu, xã Cao Sơn đúng đợt không khí lạnh tăng cường. Anh Hà Văn Quyết, cán bộ thú y xã cho biết: Đây là xóm có đàn gia súc lớn nhất, nhì xã. Những năm qua, chăn nuôi đóng góp một phần quan trọng đối với đời sống kinh tế hộ. Vì thế, các hộ rất chú trọng khâu chăm sóc, chống rét cho đàn vật nuôi. Đơn cử như hộ bà Xa Thị Vân chăn nuôi 3 con bò sinh sản. Những ngày mưa rét, bà Vân không phải lo nguồn cỏ, thức ăn cho vật nuôi bởi đã chuẩn bị rơm khô, 5.000 m2 cỏ voi. Bà chỉ việc mang rơm, cỏ, pha nước ấm cho bò ăn mỗi ngày. Bên cạnh khâu chăm sóc, cho gia súc ăn đủ no, hộ chăn nuôi ở Nà Chiếu còn đảm bảo đủ ấm cho đàn gia súc. 100% chuồng nuôi được che chắn kín gió. Hầu hết chuồng trại làm kiên cố, nền chuồng thường xuyên dọn rửa khô thoáng.
Tận dụng lợi thế đất đồi rừng, các xóm Tràng, Cháu, Tày Măng, Riêng của xã Tu Lý phát triển chăn nuôi gia súc khá mạnh. Tổng đàn trâu, bò của xã hiện có 1.443 con, đàn lợn gần 2.800 con. Theo đồng chí Bàn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã, hộ chăn nuôi đã chú trọng hơn đến công tác phòng - chống đói, rét cho trâu, bò. Người dân xóm Tày Măng hiện vẫn còn trường hợp thả gia súc trên rừng. Tuy nhiên, những ngày mưa rét, nhiệt độ xuống thấp, bà con được tuyên truyền, vận động đã đưa trâu về chăm sóc tại chuồng. Đối với các xóm khác, hầu hết hộ chăn nuôi đều dự trữ cây rơm, tận dụng diện tích đất bỏ hoang trồng cỏ voi làm thức ăn cho trâu, bò, chuồng trại được che chắn cẩn thận.
Dự trữ thức ăn vụ đông, che chắn, củng cố chuồng trại là những giải pháp quan trọng được các xã, thị trấn đôn đốc, vận động hộ chăn nuôi tích cực thực hiện. Trước đó, UBND huyện đã có công văn về việc triển khai các biện pháp phòng - chống đói, rét cho đàn vật nuôi vụ đông. Yêu cầu UBND các xã, thị trấn tập trung hướng dẫn nhân dân các biện pháp kỹ thuật. Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Đội ngũ cán bộ, tổ chức liên quan, thú y viên, trưởng các thôn, bản đã được huy động vào cuộc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp cụ thể về phòng - chống đói, rét, dự trữ thức ăn cho trâu, bò. Diễn biến thời tiết được theo dõi sát sao và thông báo, cập nhật đến người chăn nuôi.
Mặt khác, cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tổ chức cho hộ dân ký cam kết với trưởng thôn, trưởng thôn ký cam kết với UBND xã, thị trấn không để hộ chăn nuôi của thôn, bản mình thả rông trâu, bò trong những ngày giá rét. Thường xuyên đôn đốc, tuyên truyền nhân dân chủ động dự trữ nguồn thức ăn, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, vỏ ngô, thân cây ngô, ngọn mía... Che chắn, củng cố chuồng trại chăn nuôi đảm bảo điều kiện vệ sinh và phòng, chống rét được nhân dân các địa phương quan tâm, thực hiện tốt. Nhiều hộ đã làm cây rơm, dự trữ ngọn mía, thân ngô, cỏ làm thức ăn cho trâu, bò. Có kế hoạch nuôi vỗ béo để bán thịt, tăng cường chế độ nuôi dưỡng những con trâu, bò già yếu. Với bê, nghé có chế độ chăm sóc hợp lý để vật nuôi đảm bảo sức đề kháng với dịch bệnh, giá rét vụ đông. Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng, kiểm dịch, phát hiện, xử lý dịch bệnh được tăng cường. Các xã triển khai đợt phun khử trùng tiêu độc vụ đông xuân với tổng diện tích được phun trong kế hoạch gần 1 triệu m2. Vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng trâu, bò đã tiêm 21.500 liều, đạt 150% kế hoạch, kiểm dịch 5.500 con trâu, bò, lợn, dê, đạt 100% kế hoạch. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, đàn gia súc của huyện duy trì ổn định với 9.000 con trâu, 8.588 con bò, chưa để xảy ra hiện tượng trâu, bò chết rét kể từ đầu vụ.
Bùi Minh