(HBĐT) - Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai dự án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh nhằm đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Công chức bộ phận một
cửa xã Tân Vinh (Lương Sơn) ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc chuyên
môn.
Tiếp tục triển khai dự án, Trung tâm tích hợp dữ liệu của
tỉnh được đầu tư mới thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật để sẵn sàng cung
cấp đủ hạ tầng cần thiết cho phát triển các ứng dụng dùng chung, chuyên ngành
và lưu trữ tập trung các hệ thống cơ sở dữ liệu như: trang bị thêm 6 máy chủ, 2
router, 5 switch, 4 firewall, 1 storerate... Mạng diện rộng (WAN) được xây dựng
kết nối giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố vào mạng truyền số
liệu chuyên dùng cấp I nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Trục tích hợp,
chia sẻ dữ liệu dùng chung tỉnh Hòa Bình (LGSP) được triển khai; mở rộng kết
nối giữa các hệ thống phần mềm dùng chung với các phần mềm chuyên ngành như:
phần mềm đăng ký kinh doanh, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, bưu chính công ích...
Đến nay, phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã được nâng cấp để đáp
ứng yêu cầu về nghiệp vụ, gửi, nhận văn bản điện từ giữa các cơ quan Nhà nước
và liên thông 4 cấp từ T.Ư đến cấp xã theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTG của Thủ
tướng Chính phủ. Thực hiện kết nối phần mềm quản lý văn bản giữa các cơ quan
Nhà nước và cơ quan Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, huyện ủy, thành
ủy, đảng ủy trực thuộc và các cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn, từ tháng 4/2019,
phần mềm đã được mở rộng thêm 32 đơn vị, gồm các cơ quan tham mưu giúp việc
Tỉnh ủy, các tổ chức chính trị xã hội,huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực
thuộc và các cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn. Trong năm 2019, toàn hệ thống có
537.240 văn bản đến, có 433.100 văn bản đến được tiếp nhận qua mạng, đạt 80,3%;
153.337 văn bản đi, có 71.264 văn bản đi được trao đổi qua mạng, đạt 46,7%.
Trong đó, cấp tỉnh có 128.162 văn bản đến được tiếp nhận qua mạng (đạt 63,8%),
có 503.356 văn bản đi được chuyển qua mạng, đạt 60,7%; cấp huyện có
144.452văn bản đến được tiếp nhận qua mạng (đạt 83%), 20.486văn bản
đi được chuyển qua mạng (đạt 35%); cấp xã có 162.485 văn bản đến được tiếp nhận
qua mạng, 11.710 văn bản đi được xử lý trên phần mềm, chưa có văn bản đi được
chuyển qua mạng.
Thực hiện ứng dụng chữ ký số chuyên dùng, 100% sở, ban, ngành UBND huyện, thành
phố đã sử dụng chữ ký số chuyên dùng của tổ chức để trao đổi văn bản điện tử
trên môi trường mạng; 17 sở, ban, ngành, 8 huyện, thành phố sử dụng chữ ký số
của cá nhân lãnh đạo để phát hành văn bản đi. Một số đơn vị có tỷ lệ văn bản đi
được ký số cao như: Sở Tài chính đạt 100%, Sở TT-TT 98,4%. Ban Dân tộc 96,9%,
Sở Công Thương 97,7%, Sở NN&PTNT 96,9%, Sở Ngoại vụ 95%, Sở Xây dựng 93,4,
huyện Lạc Sơn 97,5%, huyện Lạc Thủy 82,8%... Ứng dụng chữ ký số đã được tích
hợp vào phần mềm một cửa điện tử cấp xã, cấp huyện để bảo đảm giá trị pháp lý,
an toàn, bảo mật trong giao dịch điện tử khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết
thủ tục hành chính.
Từ ngày 1/7/2019, Cổng dịch vụ công của tỉnh chính thức đi vào vận hành với tên
miền dichvuconghoabinh.gov.vn giải quyết dịch vụ công trực tuyến phục vụ người
dân, tổ chức, tạo thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một
cửa, một cửa liên thông. Hiện, Cổng dịch vụ công cung cấp 368 dịch vụ công trực
tuyến mức độ 3, 108 dịch vụ công trực tuyến mực độ 4. Từ ngày 9/12/2019, Cổng
dịch vụ công của tỉnh được kết nối chính thức với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cùng với đó, phần mềm một cửa điện tử của tỉnh được kết nối phần mềm dịch vụ
bưu chính công ích để tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành
chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Trong năm qua, tổng số hồ sơ tiếp nhận và
trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích là 278.664 hồ sơ, trong đó, tiếp
nhận 5.456 hồ sơ, trả kết quả 273.208 hồ sơ.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động
của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế như: nhiều xã
sử dụng rất ít hoặc không sử dụng quy trình xử lý văn bản đi trên phần mềm quản
lý văn bản và điều hành để phát hành, trao đổi văn bản điện tử trên môi trường
mạng; một số đơn vị tỷ lệ sử dụng chữ ký số thấp; kết quả sử dụng phần mềm một
cửa điện tử để giải quyết thủ tục hành chính tại nhiều xã không cao...
Để tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử hiệu quả, các sở, ban, ngành, UBND các
huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình ứng
dụng các phần mềm dùng chung tại cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến
mức độ 3, 4 thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý; sử dụng chữ ký số của lãnh đạo
trong công tác quản lý, điều hành trên môi trường mạng để đảm bảo giá trị pháp
lý của hồ sơ, văn bản, tài liệu điện tử theo quy định...
V.H