(HBĐT) - Một năm có đến 5 – 6 tháng người dân các xóm Suối Thượng, Dăm, Nuông, xã Nuông Dăm (Kim Bôi) phải đối mặt với những cung đường giao thông nông thôn lầy lội, ngập úng vào mùa mưa. Thực trạng này ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, gây đảo lộn đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Giao thông nông thôn là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong những năm qua.
Đưa chúng tôi đi khảo sát thực tế tại các trục đường giao thông trên địa bàn, ông Bùi Hồng Tươi, Trưởng xóm Suối Thượng trăn trở: "Toàn xóm hiện có 121 hộ, 560 nhân khẩu. Địa hình tự nhiên phức tạp, dân cư sinh sống rải rác, phân bố tại nhiều khu vực, chòm dân cư nhỏ lẻ. Hiện nay, kinh tế của bà con phụ thuộc vào chăn nuôi và trồng rừng. Tuy nhiên, do các trục đường giao thông chủ yếu là đường đất lầy lội nên ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng. Cụ thể như giá lợn hơi tại khu vực trung tâm 75.000 đồng/kg thì tại đây chỉ bán được 65.000 đồng/kg. Đối với các mặt hàng có trọng tải lớn như cây keo, giá thành thường thấp hơn 200.000 - 250.000 đồng/tấn. Có những thời điểm mưa nhiều, xe hai cầu cũng "chết đứng” là chuyện bình thường”.
Ông Hà Công Thường nhà ở khu vực cuối xóm Suối Thượng cho biết: "Nhà tôi cách trung tâm xã khoảng 5 km, mỗi sáng đưa các con tới trường tôi phải vượt qua gần 10 con suối nhỏ cắt ngang đường. Những hôm lũ về nước chảy siết, mực nước sâu từ 1 - 3 m tùy thuộc vào các đợt mưa khiến gia đình buộc phải cho con nghỉ học. Có những năm nhiều đợt mưa lớn kéo dài, học sinh phải nghỉ ở nhà chờ nước rút. Chính vì đường giao thông hiểm trở nên gia đình không an tâm để các cháu tự đi học, kể cả mùa nắng lẫn mùa mưa, vợ chồng tôi phải phân công công việc để chủ động đưa các con đi học”.
Theo thống kê, toàn xã hiện có 3/5 xóm còn nhiều khó khăn về các tuyến đường giao thông nông thôn. Nguyên nhân chính do địa hình tự nhiên đa phần là đồi núi cao bị chia cắt bởi sông, suối. Địa bàn dân cư trải dài, sinh sống tại nhiều khu vực nhỏ lẻ. Các tuyến đường giao thông chưa được cứng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân địa phương. Đối với phát triển kinh tế, xã xác định phát triển kinh tế đồi rừng là mũi nhọn với diện tích khoảng 1.200 ha. Tuy nhiên, mạng lưới giao thông hiện tại không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, chi phí vận chuyển cao. Vì vậy ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, cản trở phát triển KT-XH địa phương.
Giai đoạn 2010 - 2020, Nhà nước đã hỗ trợ nguồn kinh phí trên 7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và các chương trình, dự án lồng ghép để đầu tư xây dựng các trục đường giao thông. Bên cạnh đó địa phương huy động nhân dân đóng góp 1,7 tỷ đồng, trong đó có 260 triệu đồng tiền mặt, 2.200 ngày công và hiến 18.219 m2 đất. Theo đó, tổng số km trục đường liên xã là 11,8 km đã cứng hóa được 5,7 km, đạt 48,3%; trục đường giao thông liên thôn, xóm cứng hóa 0,4/5 km; trục đường giao thông ngõ, xóm cứng hóa 3,9/23,91 km; 100% đường nội đồng là đường đất.
Đồng chí Quách Công Quy, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Xác định hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng để giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng đến nay tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM vẫn chưa đạt chuẩn. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã mong muốn Nhà nước hỗ trợ nguồn kinh phí để đầu tư, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông. Tích cực huy động nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất làm đường. Qua đó sử dụng hiệu quả nguồn vốn để cứng hóa các tuyến đường huyết mạch, thuận tiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa. Đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Đức Anh