Vườn ươm của gia đình anh Bùi Văn Thạch, thôn Sỏi, xã Phú Thành (Lạc Thủy) đáp ứng nhu cầu cây giống phục vụ trồng rừng năm 2020.
Đất trống, đồi trọc tại Lạc Thủy giờ được phủ xanh bằng những cánh rừng bạt ngàn. Việc khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng (BVR) giao tới từng thôn, xóm, hộ gia đình. Từ năm 2019 đến nay, huyện không xảy ra cháy rừng, không có tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Công tác trồng rừng vượt kế hoạch đề ra.
Lạc Thủy là huyện có tiềm năng, lợi thế về phát triển lâm nghiệp, với tổng diện tích đất lâm nghiệp là 17.305,78 ha. Trong đó, đất có rừng 14.340,55 ha, đất chưa có rừng 2.965,23 ha; rừng sản xuất 10.015,79 ha, rừng phòng hộ 7.289,99 ha. Để làm tốt công tác quản lý, BVR, huyện xác định phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Ngay từ đầu năm, huyện tổ chức phổ biến nội dung Luật Lâm nghiệp, văn bản hướng dẫn thi hành luật, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, PCCCR… Hình thức tuyên truyền đa dạng như lịch tuyên truyền, tờ rơi, lồng ghép trong các hội nghị thôn, xóm. Hạt Kiểm lâm huyện cử kiểm lâm địa bàn trực tiếp hướng dẫn, vận động từng hộ gia đình, cá nhân nâng cao ý thức BVR; phối hợp Trung tâm VH-TT&TT huyện thâu băng để mở tại các xã vào nhiều khung giờ trong một ngày. Với cách làm như vậy, bất cứ lúc nào, tại bất cứ mọi nơi, người dân đều cập nhật được thông tin về cấp dự báo nguy cơ cháy rừng, biện pháp cần thực hiện để BVR.
Đồng chí Nguyễn Sông Hồng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Vài năm gần đây, thời tiết nắng nóng diễn biến thất thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng cao. Để PCCCR, ngay từ đầu năm, Hạt đã tham mưu UBND huyện, Ban chỉ đạo mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững xây dựng phương án PCCCR. Công tác phối hợp giữa 3 lực lượng Công an, Kiểm lâm, Quân sự chặt chẽ. Lực lượng, phương tiện chữa cháy luôn sẵn sàng, khi có tình huống cháy rừng kịp thời ứng phó. Huyện thường xuyên kiện toàn các tổ đội quần chúng BVR, toàn huyện hiện có 114 tổ đội, với 824 người. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm địa bàn bám sát cơ sở, trực tiếp hướng dẫn người dân dọn thực bì. 10/10 xã, thị trấn có hợp đồng BVR.
Song song với quản lý, BVR, huyện thực hiện tốt công tác phát triển rừng. Hiện, cây keo tai tượng Úc phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao, được người dân lựa chọn là cây lâm nghiệp số 1, ưu tiên phát triển. Một số xã có kinh tế rừng phát triển như: An Bình, Thống Nhất, Hưng Thi… Chuẩn bị điều kiện tốt cho mùa trồng rừng năm nay, Hạt Kiểm lâm huyện chỉ đạo cán bộ chuyên môn, kiểm lâm địa bàn tăng cường tuyên truyền, kiểm tra cơ sở, hộ gieo ươm cây giống lâm nghiệp. Toàn huyện có 15 cơ sở, trong đó có 2 cơ sở đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận lô cây giống, 13 cơ sở là hộ gia đình. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện chuẩn bị được khoảng 492.000 cây keo các loại, trồng hơn 400 ha rừng, hơn 30.000 cây phân tán.
Đồng chí Bùi Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Hưng Thi phấn khởi chia sẻ: Hưng Thi là xã đặc biệt khó khăn của huyện, có thời gian đất đồi nơi đây bỏ không, trơ trụi sỏi, đá. Giờ đây, Hưng Thi bạt ngàn màu xanh của rừng. Toàn xã có 1.500 ha rừng sản xuất. Năm 2019, xã khai thác được 168 ha rừng sản xuất. Sản lượng gỗ đạt 80 tấn/ha; giá bán keo ổn định khoảng 1,1 triệu đồng/tấn. Trồng rừng không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí thấp đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân trong xã. Từ trồng rừng, nhiều hộ dân trong xã đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong quản lý, BVR; chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm soát rừng; phối hợp với kiểm lâm địa bàn hướng dẫn người dân dọn thực bì, trồng rừng đúng kỹ thuật...
Thu Thủy