(HBĐT) - Công trình cấp nước tập trung hoạt động kém bền vững và không hoạt động chiếm tỷ lệ trên 70%; số hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam mới đạt gần 50%. Những con số thống kê đó đã phản ánh thực trạng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh.


Trẻ em xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) với niềm vui có nước sạch về tận nhà. 

Số lượng công trình lớn, hiệu quả chưa cao

Trên địa bàn tỉnh, những năm qua, việc xây dựng các công trình cấp nước luôn được quan tâm, đầu tư. Tuy nhiên, nhiều công trình không phát huy hiệu quả, hoặc bị hỏng hóc chưa được duy tu, sửa chữa nên thực trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, hoặc sử dụng nguồn nước không đảm bảo vẫn xuất hiện ở môt số địa phương. Đồng chí Bùi Đại Nghĩa, Phó phòng Kỹ thuật - Truyền thông, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS& VSMTNT) tỉnh cho biết: Chương trình NS&VSMTNT được đầu tư từ nhiều nguồn vốn, xây dựng các công trình nước sạch tập trung và bể chứa nước sạch, giếng đào, giếng khoan cho các hộ dân trên toàn tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 303 công trình cấp nước. Trong đó, chỉ có 21 công trình hoạt động bền vững (chiếm 6,9%), 64 công trình hoạt động trung bình (chiếm 21,1%), 90 công trình hoạt động kém hiệu quả (chiếm 29,7%), 128 công trình không hoạt động (chiếm 42,2%).

Với thực trạng trên 70% công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả, hoặc không hoạt động, nước sạch là vấn đề trăn trở của nhiều hộ dân trong tỉnh. Tại các cuộc tiếp xúc với cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu HĐND các cấp, nhiều ý kiến cử tri đã bày tỏ về vấn đề nước sạch. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực trạng thiếu nước sạch vào mùa khô, hay vấn đề công trình nước sạch được đầu tư lớn, nhưng không phát huy hiệu quả cũng đã nhiều lần được phản ánh. Ví như, công trình nước sạch ở xã Gia Mô (Tân Lạc) được đầu tư năm 2009, đưa vào sử dụng năm 2011, tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng, nhưng hiện đã hư hỏng chưa được sửa chữa. Hay công trình nước sạch ở xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) cũng "đắp chiếu", ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của hàng trăm hộ dân. Thực trạng công trình nước sạch chỉ hoạt động một thời gian, rồi rơi vào cảnh "đắp chiếu” cũng xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Tại sao phần lớn công trình cấp nước không hoạt động hay hoạt động không hiệu quả? Đồng chí Bùi Đại Nghĩa lý giải: Mặc dù số lượng công trình nhiều, nhưng đa số là công trình đã xây dựng từ 15 - 20 năm, quy mô nhỏ lẻ, đầu tư không đồng bộ. Các công trình bị hỏng hóc không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, làm cho công trình hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều công trình cấp nước đang hoạt động tốt, nhưng chỉ bị hư hỏng các hạng mục như: công trình đầu mối, khu xử lý, hoặc hệ thống đường ống bị đứt gãy; một số công trình có nguồn nước bền vững, công suất thừa so với thiết kế nhưng không có kinh phí sửa chữa, mở rộng hệ thống đường ống để cung cấp nước sinh hoạt thêm cho các xóm lân cận.

Nỗ lực đầu tư, nâng cao hiệu quả các công trình nước sạch

Trước thực trạng trên, thời gian qua, UBND tỉnh, các ngành chức năng có nhiều nỗ lực để sửa chữa các công trình bị hỏng hóc, cũng như đầu tư xây dựng các công trình cấp nước mới. Hiện, Ban quản lý dự án xây dựng và tu bổ các công trình NN&PTNT đã, đang thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả. Theo đó, chương trình thực hiện từ năm 2016 đến tháng 7/2023, với 10 công trình, gồm: 3 công trình xây mới, 2 công trình mở rộng, 5 công trình cải tạo. Ngày 14/8/2018, tại Quyết định số 1915 của UBND tỉnh giao Trung tâm NS&VSMTNT quản lý, vận hành, khai thác cũng như duy tu, bảo dưỡng thu hút nguồn vốn để nâng cấp, sữa chữa lại các hạng mục của 19 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh.

Theo cơ quan chức năng, hiện nay, Đà Bắc là huyện gặp nhiều khó khăn nhất về vấn đề nước sạch. Với địa hình đồi núi, việc đầu tư các công trình dàn trải, không đồng bộ, lại chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai nên các công trình cấp nước ở huyện bị ảnh hưởng nhiều. Năm 2016, xã Tú Lý (Đà Bắc) được xây dựng công trình nước sạch. Đến năm 2018, công trình đi vào hoạt động, hiện, cả xã có trên 4.000 người dân hưởng lợi từ công trình. Đồng chí Quách Công Khang, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Lý chia sẻ: Trước đây, khi chưa có công trình nước sạch, bà con chủ yếu dùng nước giếng, nước ở các khe suối. Tuy nhiên, nguồn nước này ngày càng không đảm bảo, do người dân phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng ở xung quanh. Thêm nữa, vào mùa khô, nhiều hộ dân thiếu nước để phục vụ sinh hoạt. Do đó, việc xây dựng công trình nước sạch có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân.

"Không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt”, đó là 1 trong 8 thông điệp của Tuần lễ quốc gia NS&VSMT năm 2020, với chủ đề "Nước sạch nông thôn trong điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và dịch bệnh”. Người dân nhiều địa phương trong tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền, sớm có được niềm vui nước sạch về tận ngõ như bà con ở xã Tú Lý.

Viết Đào


Các tin khác


Thời tiết ngày 28/5: Vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi rất to

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 28/5, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp hiện có trục ở khoảng 19-22 độ vĩ Bắc kết hợp với hội tụ gió trên mực 1.500m, nên Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Ban bố tình trạng sạt lở nghiêm trọng Quốc lộ 91

Liên quan vụ sạt lở Quốc lộ 91 trên sông Hậu xảy ra sáng 27-5, UBND tỉnh An Giang cho biết, đã ra quyết định về tình huống khẩn cấp nguy cơ sạt lở nghiêm trọng Quốc lộ 91.

Huyện Lương Sơn: Phòng, chống cháy nổ - bắt đầu từ nâng cao nhận thức

(HBĐT) - Là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, trong những năm qua, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống cháy nổ (PCCN), huyện Lương Sơn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, lực lượng Công an huyện đặc biệt chú trọng hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhằm chữa cháy "tận gốc" tại cơ sở.

Phát triển thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu mới

(HBĐT) - Nhằm nâng cao chất lượng hệ thống thông tin cơ sở (TTCS), đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin để cung cấp, trao đổi theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác, hiệu quả. Ngày 22/11/2019, UBND tỉnh có Quyết định số 2616 ban hành Đề án phát triển TTCS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện, tỉnh đang triển khai thực hiện các nội dung và mục tiêu đề án.

Thời tiết ngày 27/5: Cả nước có mưa dông, vùng núi và trung du Bắc Bộ có nơi mưa rất to

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ sáng 27/5 đến ngày 28/5, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 20-23 độ Vĩ Bắc với hội tụ gió trên mực 1.500m nên Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông diện rộng, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong phát triển sản xuất, gia tăng giá trị rừng và trang trại

(HBĐT) - Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Lạc Thủy tổ chức hội nghị bàn tròn cấp huyện năm 2020, với chủ đề: Tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong phát triển sản xuất, gia tăng giá trị rừng và trang trại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục