Sáng 6-10, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với vùng áp thấp trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ tại khu vực miền Trung.
Ông Trần Quang Hoài phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp.
Tham dự có đại diện của các cơ quan: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Thủy sản, Cục trồng trọt, Cục chăn nuôi); Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia; Tập đoàn điện lực Việt Nam.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 6 đến 11-10, ở các tỉnh Trung Bộ có khả năng mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt; các tỉnh Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm/đợt; các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt.
Sau ngày 11-10, mưa lớn ở các tỉnh Trung Bộ có diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.
Hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các nơi ở phía Đông Bắc Bộ. Dự báo ngày 6-10, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh ngày 6-10, khu vực vùng núi Bắc Bộ còn có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc cấp 6, giật cấp 8, biển động; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau có tổng số 61.898 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m, trong đó 1.006 tàu cá trong khu vực dự kiến ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Trong đó, Thanh Hóa có hai tàu, Nghệ An, Quảng Trị có một tàu, Đà Nẵng 13, Quảng Nam 95, Quảng Ngãi 345, Bình Định 374, Khánh Hòa 60, Phú Yên 112, Bình Thuận một tàu, Bà Rịa- Vũng Tàu hai tàu. Có 886.307 ha diện tích nuôi trồng trên biển, ven bờ; 80.954 ha diện tích nuôi trong sông hồ và 221.600 lồng bè.
Tổ chức hai đoàn công tác kiểm tra ứng phó áp thấp nhiệt đới
Trước diễn biến hình thái thiên tai nguy hiểm và phức tạp trên phạm vi rộng, tình hình lũ ở khu vực miền núi phía Bắc; vùng áp thấp có khả năng mạnh lên gây mưa lớn, lũ, ngập lụt ở khu vực miền Trung, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi, để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ, ông Trần Quang Hoài chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tăng cường công tác dự báo, cảnh báo tình hình thiên tai, có các nhận định dài hạn để phục vụ công tác điều hành các hồ chứa, công trình thủy lợi, thủy điện; các thông tin dự báo ngắn hạn, trên phạm vi hẹp đặc biệt là các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng mưa lũ lớn. Đồng thời có cảnh báo cụ thể về báo động lũ trên các sông và cấp độ rủi ro thiên tai.
Đối với tuyến biển và ven bờ, các địa phương tiếp tục thông tin cho các tàu thuyền trên biển về diễn biến áp thấp nhiệt đới để bảo đảm an toàn. Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo có văn bản hướng dẫn chỉ đạo địa phương có giải pháp bảo đảm an toàn cho các khu vực nuôi trồng thủy sản; bảo đảm an toàn cho khách du lịch.
Đối với các vùng thấp trũng, vùng cửa sông, ven biển: không chủ quan, cần quan tâm giám sát hoạt động của các tàu vận tải nhỏ ven bờ.
Đối với khu vực đất liền, cần rà soát, kiểm tra hệ thống đê biển, đê cửa sông có biện pháp bảo đảm an toàn đặc biệt tại các vị trí xung yếu, các công trình đang thi công.
Đối với khu vực thấp trũng, rà soát kịch bản ứng phó của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chuẩn bị phương án sơ tán để bảo đảm an toàn cho người dân trong nhiều ngày; chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, bảo đảm an toàn cho sản xuất nông nghiệp; sẵn sàng vận hành hệ thống công trình thủy lợi để tiêu thoát úng. Bảo đảm an toàn cho các cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, trạm xá, khu vực tránh trú cộng đồng,…
Đối với giao thông, bảo đảm an toàn giao thông kể cả các tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ, liên huyện, xã đặc biệt bảo đảm an toàn cho các cháu học sinh đi học trong mùa mưa lũ.
Đối với các công trình hồ đập, rà soát bảo đảm an toàn cho các công trình hồ chứa đặc biệt các hồ thủy lợi, thủy điện nhỏ, các vị trí xung yếu, đang thi công; chuẩn bị sẵn sàng cho vận hành 10 liên hồ chứa khu vực miền Trung.
Đối với khu vực miền núi, bảo đảm an toàn cho người dân khu vực miền núi đặc biệt nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ từ khu vực thượng Lào. Rà soát từng hộ dân để bảo đảm an toàn, chuẩn bị nhu yếu phẩm, trang thiết bị cần thiết đề phòng trường hợp bị chia cắt kéo dài.
Trong ngày mai, 7-10, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sẽ tổ chức hai đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.
Theo Nhandan.com.vn
Dự báo thời tiết 5/10, nhiệt độ cao nhất tại miền Bắc chỉ còn 29 độ; nhiều nơi có mưa to và giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
(HBĐT) - Từ ngày 26/11/2019, Cổng Dịch vụ công (DVC) của tỉnh đã kết nối chính thức với Cổng DVC quốc gia qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu tỉnh và Trục liên thông văn bản quốc gia. Đây là sự kiện có ý nghĩa bước ngoặt, thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử của tỉnh.
(HBĐT) - Nhằm đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH theo tinh thần Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa IX, những năm qua, tỉnh đã quan tâm hoàn thiện cơ chế, chính sách, dành sự ưu tiên cho công tác nghiên cứu, ứng dụng, xây dựng tiềm lực cho KH&CN...
(HBĐT) - Ngày 2/10, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh có công văn về việc đảm bảo an toàn vùng hạ du khi đập thủy điện Hòa Bình mở thêm 1 cửa xả lũ.
(HBĐT) - Trong những năm qua, ngành Y tế luôn coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, khám chữa bệnh (KCB), giám định BHYT... Ngành xác định đây là tiền đề thúc đẩy công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn.
(HBĐT) - Ngày 29/9, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1654 /UBND-NNTN thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai.