Cá thể gấu đực được Tổ chức Động vật châu Á đặt tên là Uno. Tổ chức đã phối hợp tuyên truyền bảo vệ gấu với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, các cơ quan chức năng, các trường học tại địa bàn trong suốt nhiều năm nay, và đây là một trong những cá thể gấu đầu tiên ở Hà Nội được các hộ tư nhân đồng thuận chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam nuôi cứu hộ vì mục đích nhân đạo.
Các bác sĩ thú y đã gây mê để đưa gấu ra khỏi chuồng nuôi nhốt. Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ thú y Rachel Sanki, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam nhận định, gấu Uno bị cong cột sống có thể do viêm khớp, chính vì thế chú gấu này không thể nằm thẳng. Ngoài ra, cũng giống như phần đa gấu nuôi nhốt lâu năm, răng gấu có nhiều mảng bám, chân sừng nứt và trụi da do thói quen cọ đầu vào các song sắt.
Quá trình cứu hộ diễn ra suôn sẻ, thuận lợi mặc dù thời tiết mưa bão. Vì cá thể gấu khá lớn, gần 200kg, và cửa vào gian bếp nơi đặt chuồng nuôi khá hẹp, nên việc đưa gấu ra ngoài để khám tại chỗ, cũng như đưa gấu lên lồng vận chuyển cần rất nhiều giúp đỡ. Rất may mắn, đoàn cứu hộ nhận được sự đồng hành của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, Hạt Kiểm Lâm tỉnh Đan Phượng, cũng như sự tạo điều kiện của gia đình chủ gấu.
Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng kiểm tra chip đăng ký của gấu và thực hiện đầy đủ, nhanh chóng các quy trình, thủ tục bàn giao. Gấu được đưa về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngay trong ngày.
Theo thống kê, trên toàn huyện Phúc Thọ hiện còn khoảng 140 cá thể gấu bị nuôi nhốt trong gần 20 trang trại, chiếm đến ¼ số lượng gấu bị nuôi nhốt trong các trang trại trên khắp cả nước.
Thêm cá thể gấu này, Tổ chức Động vật châu Á đã cứu hộ thành công 220 cá thể gấu ngựa và gấu chó (cả gấu con và gấu sống lâu năm trong các chuồng cũi) tại nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Hiện có 188 cá thể gấu đang được chăm sóc y tế, dinh dưỡng và sống trong các khu bán tự nhiên của Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam.
TheoNhanDan