(HBĐT) - Ngày 14/1/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 73/QĐ-UBND quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh cụ thể hóa các nhiệm vụ về lâm nghiệp cho các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng; trách nhiệm của trưởng xóm, bản, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sinh sống, hoạt động trong rừng, ven rừng. Qua đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lâm nghiệp; tạo sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Lực lượng Kiểm lâm huyện Lạc Sơn tuần tra, làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.
UBND tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2016-2020. Phân công một đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách khối làm Trưởng ban, ủy viên là lãnh đạo các sở, ngành liên quan; Ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ đến từng thành viên để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc từng địa phương bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Toàn bộ cấp huyện, xã có rừng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; 151 xã, phường, thị trấn đã xây dựng, củng cố 1.835 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở các thôn, bản, với 11.268 người tham gia. Lực lượng kiểm lâm cùng các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng thường xuyên tổ chức kiểm tra an ninh rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Duy trì, chỉnh sửa, bổ sung và thực hiện 1.887 quy ước bảo vệ rừng tại các thôn, bản. Nhờ việc giám sát, thực hiện tốt quy ước nên tình trạng săn bắn, buôn bán, khai thác trái phép lâm sản, cháy rừng... đã giảm hẳn.
Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Sở NN&PTNT xây dựng quy chế phối hợp trong hoạt động giữ gìn ANCT-TTATXH, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng. Hàng năm, 3 ngành chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp để triển khai thực hiện. Kiểm lâm địa bàn, Công an xã, Ban CHQS xã xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra; duy trì chế độ tuần tra theo kế hoạch, chú trọng các ngày lễ, Tết, dịp diễn ra sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao; tập trung lực lượng trong mùa hanh khô, khi dự báo nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Trong 3 năm qua (2018-2020) đã phối hợp chữa cháy kịp thời 7 vụ cháy rừng; phối hợp tổ chức 20 cuộc diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã, kết hợp phòng, chống thiên tai, lũ lụt; tổ chức thành công các buổi diễn tập PCCCR; thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm, không để xảy ra điểm nóng về khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép.
Lực lượng Công an phối hợp Kiểm lâm và các cơ quan chức năng phát hiện, khởi tố điều tra 5 vụ, 4 bị can vi phạm quy định về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật thuộc danh mục, loài nguy cấp quý hiếm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; phối hợp giải quyết và ngăn chặn tình trạng du canh, du cư; làm tốt công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó vận động Nhân dân giao nộp, thu hồi 484 khẩu súng các loại, 60 viên đạn, 4 lựu đạn, 29 kíp điện, 22 vũ khí thô sơ.
Lực lượng Kiểm lâm chủ động nắm tình hình tại các địa bàn để triển khai thực hiện phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về bảo vệ, phát triển rừng, khai thác lâm sản trái phép; tăng cường phối hợp kiểm tra các cơ sở hoạt động khai thác, sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ; thường xuyên vận động Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ và phòng, chống cháy rừng; tổ chức xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản trong công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng đạt hiệu quả thiết thực. Từ tháng 8/2017 đến nay, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với Công an và các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 187 vụ vi phạm, tịch thu 108 m3 gỗ các loại, xử phạt hành chính 1.568 triệu đồng. Trong đó, phá rừng trái phép 21 vụ; khai thác rừng trái phép 27 vụ; vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng 4 vụ; vận chuyển, tàng trữ, mua bán, chế biến lâm lâm sản trái pháp luật 124 vụ; vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản 13 vụ. Tịch thu gỗ tròn 51 m3, gỗ xẻ 41 m3, lâm sản khác 16.000 kg; động vật rừng 5 cá thể (101 kg). Các vụ vi phạm được xử lý đúng người, đúng hành vi, có tính răn đe cao và không có khiếu nại xảy ra.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết do biến đổi khí hậu, ngành NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và PCCCR; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các phương án PCCCR cấp xã và các chủ rừng lớn. Diện tích rừng có phương án PCCC hiện có: chủ rừng là UBND xã 15.131 ha, chủ rừng là tổ chức 37.794 ha, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân 41.341 ha.
Cùng với đó, thường xuyên xây dựng bản tin dự báo cháy rừng. Từ 8/2017 - nay đã xây dựng 130 bản tin dự báo cháy rừng. Theo dõi cảnh báo sớm cháy rừng bằng ảnh vệ tinh trên website của Cục Kiểm lâm để xác định thông tin, kịp thời chủ động triển khai các phương án chữa cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra. Tổ chức trực PCCCR 24/24h vào mùa cháy. Do làm tốt công tác PCCCR nên trong 3 năm qua, toàn tỉnh chỉ để xảy ra 7 vụ cháy rừng, các vụ cháy được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, nên thiệt hại về rừng không đáng kể.
V.H
(HBĐT) - Ngay sau khi được lực lượng chức năng Công an huyện Đà Bắc tuyên truyền về hiểm họa cháy nổ, không chỉ gia gia đình anh Lường Văn Liêu ở xóm Diều Bồ, mà hầu hết các hộ ở xã Tân Minh đều khẩn trương rà soát lại hệ thống đường dây điện, đường ống dẫn gas và chất đốt. Qua đó, kịp thời phát hiện, khắc phục, xử lý những khiếm khuyết có thể gây mất an toàn về cháy nổ.
(HBĐT) - Sáng 22/10, đoàn công tác của Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy do đồng chí Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc, kiểm tra tổng kết thực hiện Đề án BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, giai đoạn 2008 - 2020. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương liên quan.
(HBĐT) - Những năm qua, các trạm biến áp (TBA) 110 kV đã làm tốt công tác bảo dưỡng, bảo trì, cũng như áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, nên không xảy ra tình trạng cháy, nổ. Nhờ đó đã đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định, an toàn cho khách hàng.
Ngay sau khi phát hiện sự cố sụt lún, sạt lở đê do ảnh hưởng sóng lớn đã phá vỡ một số điểm tại đê biển xã Thịnh Hà (huyện Lộc Hà), khu vực kè Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên)..., tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo lực lượng của huyện, xã huy động vật tư, phương tiện gấp rút ứng cứu, khắc phục sự cố, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sống sát biển, chuẩn bị các phương án đối phó trước ảnh hưởng của thiên tai.
(HBĐT) - Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt là tình hình mưa lũ những ngày vừa qua, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó và sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết. Xã Hòa Bình cũng là địa phương có nhiều điểm nguy cơ sạt lở từng xảy ra nhiều năm nay.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hôm nay, 21-10, khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Nguy cơ rất cao sạt lở đất ở vùng núi Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Từ đêm nay mưa giảm dần.