(HBĐT) - Đặt chân vào rừng nguyên sinh ở xóm Nhuội, xã Đa Phúc (Yên Thủy) mọi cảm giác mệt mỏi dường như tan biến. Dưới tầng tầng, lớp lớp những tán cây cổ thụ, bóng nắng không xuyên qua được rừng già, không khí trong lành, mát mẻ. Mới 14h mà anh Trương Đức Hoàng, cán bộ lâm nghiệp xã Đa Phúc đã nhắc khéo: "Các anh tác nghiệp khẩn trương nhé, trong rừng già trời nhanh tối lắm”.
Lực lượng Kiểm lâm huyện Yên Thủy bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cơ sở làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Vào đến "lõi” rừng, chúng tôi thực sự choáng ngợp khi được ngắm nhìn những cây chò chỉ cao vút hàng trăm năm tuổi, đường kính thân cây gần 2 m, gốc cây đến 7 - 8 người ôm không hết. Quả thực, 13 cây chò chỉ trong rừng đại ngàn ở Đa Phúc thật sự xứng đáng là cây di sản quốc gia.
Thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của rừng nguyên sinh ở Đa Phúc, Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thủy đã giao Phó Hạt trưởng Tạ Quang Dũng trực tiếp phụ trách địa bàn. Anh Dũng cho biết: "Rừng nguyên sinh của Đa Phúc có hệ thực vật phong phú, nhiều loại gỗ hiếm như chò chỉ, nghiến, sấu, cùng các loại muông thú, cây dược liệu quý, đa dạng. Đặc biệt, rừng già ở xóm Nhuội đã được xây dựng là Vườn giống cây bản địa để bảo tồn các nguồn gen quý hiếm và phục vụ nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, Hạt Kiểm lâm và cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xóm, xã xác định quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên quý giá là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư”.
Rừng nguyên sinh ở xóm Nhuội có diện tích trên 30 ha, trong đó, vùng lõi chiếm gần 10 ha. Để làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng ở xóm Nhuội nói riêng và trên địa bàn xã nói chung, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã cùng các ngành, đoàn thể, lực lượng Kiểm lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Xây dựng quy ước, quy chế phối hợp bảo vệ rừng, tổ chức ký cam kết với các hộ dân. Đồng thời, thành lập các tổ bảo vệ rừng, thường xuyên tổ chức tuần tra, nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện hành vi xâm hại tài nguyên rừng trái phép.
Trưởng xóm Nhuội, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng Bùi Văn Nghị chia sẻ: Tổ bảo vệ rừng xóm Nhuội có 10 thành viên, gồm công an viên, trưởng xóm, lực lượng dân quân và các hộ dân trong xóm. Chúng tôi thay nhau tuần tra, canh gác nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Bảo vệ và phát triển rừng được đẩy mạnh nên nhận thức, ý thức của người dân ngày một nâng lên. Không ít lần, khi thấy người lạ ra, vào địa bàn mang theo các vật dụng có thể khai thác gỗ, săn bắt muông thú, người dân đã báo với chính quyền xóm, xã để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Vào thời điểm nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao, các hộ bố trí người tham gia dọn thực bì, phát đường băng cản lửa, nhắc nhở con cháu không mang các chất gây cháy vào rừng. Nhờ đó, nhiều năm qua, diện tích rừng ở Đa Phúc nói chung, các loại lâm sản ở rừng nguyên sinh tại xóm Nhuội luôn được giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt.
Bí thư Đảng ủy xã Đa Phúc Bùi Văn Điển cho biết: Các công trình thủy lợi trên địa bàn xã phát huy hiệu quả nhờ một yếu tố hết sức quan trọng, là rừng đầu nguồn được bảo vệ nghiêm ngặt, diện tích đất trống, đồi trọc từng ngày thu hẹp từ phong trào phát triển kinh tế rừng. Kết quả đó bắt nguồn từ phong trào học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy: "Rừng là vàng, nếu mình biết xây dựng và bảo vệ thì rừng rất quý” đã được cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong xã thấm nhuần và lan tỏa ngày càng sâu rộng. Cùng với việc giao đất, khoán rừng cho các hộ, hàng năm, xã tổ chức cho các hộ ký cam kết về nghĩa vụ, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ, phòng - chống cháy rừng. Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng là một trong những chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng ủy xã về phát triển KT-XH hàng năm. Có được kết quả về quản lý, bảo vệ rừng như hôm nay là nhờ chúng tôi biết dựa vào Nhân dân, nhất là những người có uy tín như già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ. Đồng thời, chú trọng giáo dục thế hệ trẻ thông qua sinh hoạt và hoạt động của Đoàn Thanh niên. Bên cạnh đó, vai trò của các tổ an ninh tự quản luôn được coi trọng, phát huy để kịp thời phát hiện, giải quyết những vụ việc phát sinh tại cơ sở, trong đó có những hành vi vi phạm lâm luật”.
Nguồn sinh thủy dồi dào từ rừng già giúp Đa Phúc sớm hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Hiện, toàn xã có trên 650 ha mía nguyên liệu, gần 200 ha cà gai leo. Đặc biệt, với cảnh quan hoang sơ, kỳ thú, hấp dẫn do thiên nhiên ban tặng và được người dân giữ gìn, rừng nguyên sinh sẽ mở ra triển vọng mới để Đa Phúc hướng tới phát triển du lịch sinh thái nhằm du hút du khách trong và ngoài nước, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Đức Phượng
(HBBĐT) - Thời gian triển khai tiêm phòng cho vật nuôi chậm, với tỷ lệ tiêm đạt thấp, nhiều lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi cho thấy một thực trạng khó khăn của ngành chăn nuôi và thú y (CN&TY) sau khi thực hiện sáp nhập.
(HBĐT) - Hai chiếc cầu tạm tại xóm Be Dưới, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) được người dân lắp ghép, buộc chằng chịt, chắp vá bằng những thanh bương, tre bắc qua con suối nhỏ và sông Bưởi dẫn sang khu vực đất sản xuất, các xóm lân cận. Chiều dài mỗi chiếc khoảng 10 m, 30 m, chiều rộng chưa đầy 1 m. Những chiếc cầu tạm đó đã, đang đe dọa cuộc sống người dân xóm Be Dưới, tiềm ẩn mất an toàn khi lưu thông qua cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế và đời sống dân sinh.
(HBĐT) - Thời gian qua, Hội LHPN TP Hòa Bình đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa” do Hội LHPN tỉnh phát động. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, hướng đến bảo vệ môi trường.
(HBĐT) - Ngay sau khi được lực lượng chức năng Công an huyện Đà Bắc tuyên truyền về hiểm họa cháy nổ, không chỉ gia gia đình anh Lường Văn Liêu ở xóm Diều Bồ, mà hầu hết các hộ ở xã Tân Minh đều khẩn trương rà soát lại hệ thống đường dây điện, đường ống dẫn gas và chất đốt. Qua đó, kịp thời phát hiện, khắc phục, xử lý những khiếm khuyết có thể gây mất an toàn về cháy nổ.
(HBĐT) - Sáng 22/10, đoàn công tác của Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy do đồng chí Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc, kiểm tra tổng kết thực hiện Đề án BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, giai đoạn 2008 - 2020. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương liên quan.
(HBĐT) - Những năm qua, các trạm biến áp (TBA) 110 kV đã làm tốt công tác bảo dưỡng, bảo trì, cũng như áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, nên không xảy ra tình trạng cháy, nổ. Nhờ đó đã đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định, an toàn cho khách hàng.