Tỉnh có tổng diện tích đất tự nhiên 459.062 ha, trong đó, 34.138,26 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp; tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,54%. Căn cứ vào diện tích các loại rừng, đất lâm nghiệp có khả năng và dễ cháy cao, cùng với các yếu tố lượng mưa, thời gian khô hạn, tần xuất xảy ra cháy rừng có thể phân thành 3 nhóm có nguy cơ xảy ra cháy rừng theo thứ tự: Rất dễ cháy rừng gồm các huyện: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc; dễ cháy rừng: Lương Sơn, Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Sơn và TP Hòa Bình. Để làm tốt công tác PCCCR đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, lực lượng kiểm lâm bám rừng và ý thức, trách nhiệm của người dân.
Anh Nguyễn Thanh Bình, kiểm lâm địa bàn xã Tú Lý (Đà Bắc) chia sẻ: Nghề giữ rừng nhiều truân chuyên, nhọc nhằn. Canh rừng, thức cùng những cánh rừng trong mùa nắng nóng để phòng "giặc lửa" là động lực thôi thúc mỗi cán bộ kiểm lâm hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, những cánh rừng do chúng tôi quản lý không xảy ra hỏa hoạn, công đầu tiên là của người dân. Nếu không có sự chung sức, đồng lòng của người dân và chính quyền địa phương trong bảo vệ rừng thì lực lượng kiểm lâm không thể làm tốt công việc. Cuối tháng 5 vừa qua, thời tiết nắng nóng gay gắt, lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp lực lượng Quân sự, Công an và thành viên tổ đội quần chúng bảo vệ rừng tuyên truyền, hướng dẫn từng hộ dân không thực hiện dọn thực bì, bố trí lực lượng trực tại các lối vào rừng, khu vực sâu trong rừng để PCCCR.
Xác định tuyên truyền là khâu quan trọng trong công tác PCCCR. Thông qua tuyên truyền để phổ biến kiến thức tới người dân hiểu, nắm được quy định của pháp luật về bảo vệ rừng. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở phân công kiểm lâm bám sát địa bàn, tham mưu chính quyền các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp và các văn bản liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR đến 124.679 lượt người. Toàn tỉnh gắn được 514 bảng, biển tuyên truyền về cảnh báo, biển cấm, bảng nội quy, bảng báo hiệu cấp dự báo.
Song song với tuyên truyền, công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng bảo vệ rừng được quan tâm thực hiện. Kiện toàn Ban chỉ đạo về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung 150 phương án PCCCR cấp xã; 22 phương án PCCCR của chủ rừng là tổ chức, 10 phương án PCCCR cấp huyện, thành phố, 5 phương án của Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và 11.681 phương án PCCCR của chủ rừng là các hộ trên địa bàn toàn tỉnh.
Lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách PCCCR gồm: 1 đội kiểm lâm cơ động và PCCCR thuộc Chi cục Kiểm lâm, 10 đội quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR thuộc các Hạt kiểm lâm cấp huyện, các Ban quản lý rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên; duy trì, củng cố 1.827 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng với 11.200 người tham gia. Đặc biệt, 3 lực lượng: Kiểm lâm, Công an, Quân đội phối hợp chặt chẽ trong công tác PCCCR.
Từ đầu mùa nắng nóng, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh tổ chức cập nhật, phân tích thông tin khí tượng, xây dựng bản tin dự báo cháy rừng (5 ngày 1 bản tin) phát trên đài truyền hình tỉnh và các huyện, thành phố. Tổ chức trực theo dõi, phát hiện cháy rừng trên phần mềm phát hiện cháy rừng, hệ thống chòi canh, các điểm quan sát để thông tin, báo động về Ban chỉ đạo và Nhân dân ở các xóm, bản biết khi phát hiện cháy rừng. Tổ chức trực PCCCR 24/24h vào mùa nắng nóng.
Với việc tích cực triển khai các biện pháp PCCCR trong mùa nắng nóng nên từ tháng 3 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào. Song, Chi cục Kiểm lâm khuyến cáo, theo dự báo, thời tiết tiếp tục nắng nóng, vì vậy để bảo vệ rừng, các cấp, ngành cùng người dân tiếp tục nêu cao cảnh giác, nghiêm túc thực hiện các biện pháp PCCCR. Tuyệt đối không được sử dụng lửa trong rừng.