(HBĐT) - Trận dông lốc kèm theo mưa lớn diễn ra ngày 8/5/2020 tại xã Tú Lý (Đà Bắc) đã làm 229 ngôi nhà bị tốc mái, 10 ha lúa, 139 ha ngô, 10 ha cây ăn quả bị đổ gẫy, dập nát, không có khả năng thu hoạch, 4 cột điện cao thế và hạ thế bị đổ gãy, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu khác bị hư hỏng. Mùa mưa bão năm nay, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã đã đề cao cảnh giác, thực hiện nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó, phòng ngừa thiên tai.
Khảo sát thực tế tại xóm Riêng, nơi có trên 30 hộ sinh sống ở khu vực chân đồi thường xuyên sống trong thấp thỏm, lo âu vì nguy cơ sạt lở đất. Theo quan sát, trên đồi đã xuất hiện những vết nứt, sụt lún tiềm ẩn nguy cơ đổ ập xuống bất cứ lúc nào, nhất là khi có mưa lớn kéo dài. Chị Xa Thị Lương, xóm Riêng cho biết: "Cứ mưa to là nước từ trên đồi cao chảy xối xả cuốn theo đất, đá xuống các tuyến đường giao thông và khu vực dân cư sinh sống. Chính vì vậy, mong muốn chính quyền các cấp kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu, có giải pháp đảm bảo an toàn cho các hộ dân yên tâm sinh sống”.
Từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều trận mưa lớn khiến đất, đá từ trên đồi cao đùn xuống khu dân cư, bồi lấp cống thoát nước và các tuyến đường giao thông. Rất may chưa xảy ra thiệt hại lớn về các công trình hạ tầng thiết yếu và tài sản, hoa màu của Nhân dân. Theo rà soát, toàn xã hiện có trên 100 hộ sinh sống ở các khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở tại các xóm Riêng, Mạ, Tình... Nguyên nhân chính do diện tích đất ở hạn hẹp, các hộ dân làm nhà ở tại khu vực chân đồi, núi. Bên cạnh đó, địa bàn xã bị chia cắt bởi suối Cái và suối Thương. Đặc biệt vào thời điểm mưa lũ kéo dài, toàn bộ 6 chiếc cầu, ngầm trên địa bàn đều không hoạt động hiệu quả do nước lũ chảy xiết, dâng cao qua mặt ngầm, không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
Trước đó, mưa lũ lịch sử năm 2017 đã làm sạt lở hàng nghìn m3 đất, đá xuống tuyến đường giao thông đi xóm Mạ gây ách tắc. Do kinh phí hạn hẹp, xã đã huy động sức dân khắc phục tạm thời để thuận lợi đi lại. Ông Dương Kim Tuất, Trưởng xóm Mạ cho biết: "Đây là tuyến đường huyết mạch của gần 100 hộ gia đình. Thực tế hiện nay, đất từ đồi cao đổ xuống đã bồi lấp mặt đường với độ dày từ 20 - 30 cm, các phương tiện vận tải hàng hóa không thể di chuyển. Nguy cơ tiếp tục sạt trượt đất, đá do địa hình đồi cao, dốc thẳng đứng nếu mưa lớn kéo dài”.
Để chủ động phòng ngừa thiên tai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã đã chỉ huy các lực lượng tổ chức kiểm tra, rà soát khu vực xung yếu để kịp thời xử lý, nhanh chóng khắc phục. Phân công cán bộ bám nắm cơ sở, thường xuyên trao đổi thông tin với ban quản lý xóm để tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức, cảnh giác, phòng ngừa nguy cơ xảy ra thiên tai. Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã đã bố trí lắp đặt hệ thống biển cảnh báo tại các điểm xung yếu. Tổ chức trực, chốt chặn tại các điểm cầu, ngầm trong thời điểm mưa to, nước lũ dâng cao, tuyệt đối không cho người và phương tiện lưu thông. Duy trì chế độ trực 24/24h để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra thiên tai.
Đồng chí Đinh Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 8 - 10 có nhiều trận mưa lớn kéo dài. Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã tiếp tục chủ động, theo dõi diễn biến thời tiết để triển khai các phương án theo kế hoạch đề ra. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân gia cố nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi. Xã mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ kinh phí để xử lý, khắc phục các điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao; khảo sát địa bàn để có phương án xây dựng khu tái định cư di dời các hộ dân đến nơi an toàn nhằm đảm bảo tính mạng và giảm thiểu thiệt hại về tài sản, hoa màu cho người dân”.
Đức Anh