(HBĐT) - UBND tỉnh đánh giá, công tác kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Các "điểm nóng” về ô nhiễm môi trường (ÔNMT), các nguồn thải, cơ sở có nguy cơ gây ÔNMT từng bước được kiểm soát; đã khắc phục, xử lý cơ bản các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng. Môi trường tại các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, khu dân cư được cải thiện. Ý thức giữ gìn, BVMT của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, vấn đề BVMT trên địa bàn tỉnh vẫn đối mặt với thách thức, còn nhiều vấn đề phải bàn thảo tìm hướng giải quyết, khắc phục.


Công nhân Công ty CP môi trường đô thị Hòa Bình tham gia bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

Theo Sở TN&MT, những năm qua, nhìn chung các cơ sở, doanh nghiệp (DN) hoạt động SX-KD đã có ý thức chấp hành quy định pháp luật về BVMT. Song vẫn còn có những cơ sở, DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn, sản xuất giấy, mía đường... vi phạm pháp luật về BVMT. Lĩnh vực xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải rắn, chất thải nguy hại còn nhiều khó khăn do hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của các huyện, thành phố còn bất cập, nhất là công tác quy hoạch một số bãi chôn lấp chưa hợp lý; công nghệ xử lý rác lạc hậu, không xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác; quy mô bãi chôn lấp nhỏ không đáp ứng khối lượng rác phát sinh thực tế. Đặc biệt là tình trạng thu gom, tái chế, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại của một số đơn vị, tổ chức không đúng quy định, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, kinh tế và đời sống của Nhân dân...  

Việc chấp hành các quy định về BVMT trong hoạt động xây dựng cơ bản, phát triển hạ tầng đô thị của các chủ đầu tư và các đơn vị thi công, nhất là hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, đất, đá, chất thải rắn còn có vi phạm, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến trật tự, văn minh đô thị, an toàn giao thông, đời sống xã hội. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, Nhân dân về công tác BVMT và phát triển bền vững còn hạn chế...

Thời gian qua, công tác BVMT, nhất là tình trạng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Hòa Bình còn nhiều bất cập, do vậy, cấp ủy, chính quyền thành phố đã chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý rác thải sinh hoạt tại Nhà máy Công ty CP năng lượng môi trường Bắc Việt. Chỉ đạo Công ty CP môi trường đô thị Hòa Bình, Công ty CP môi trường đô thị Hoàng Long thực hiện các nhiệm vụ về vệ sinh môi trường theo quy định. Song song với đó, các phòng, ban, đoàn thể và các phường, xã tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, BVMT, nỗ lực xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp. Một trong những hoạt động thiết thực được quan tâm thực hiện từ đầu năm đến nay là hưởng ứng phong trào Tết trồng cây và kế hoạch trồng rừng năm 2022. Đồng chí Nguyễn Đức Ngọc, Phó trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: Trồng cây, trồng rừng vừa BVMT sinh thái, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa góp phần phát triển kinh tế. Do vậy, thành phố đã tăng cường tuyên truyền nhân dân tự giác tham gia trồng cây, trồng rừng, nêu cao ý thức bảo vệ cây xanh đô thị và bảo vệ, phát triển rừng, góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan, giữ gìn hệ sinh thái, nâng cao độ che phủ rừng, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người trồng rừng. Tết trồng cây năm nay, toàn thành phố trồng gần 5.000 cây xanh các loại. Hoạt động ý nghĩa này sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân về BVMT nói chung.

Nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác BVMT, phục vụ phát triển bền vững, dần đưa ý thức BVMT trở thành thói quen, nếp sống của cộng đồng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trong đó chú trọng xây dựng phong trào Toàn dân BVMT; xây dựng và thực hiện hương ước, quy định, cam kết BVMT; phát triển các mô hình cộng đồng dân cư tự quản trong hoạt động BVMT.

Đặc biệt, ngày 24/2 vừa qua, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 248-KL/TU sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 30/12/2016 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm và BVMT trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, ngoài công tác tuyên truyền, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BVMT... Phân công, phân cấp, phát huy vai trò của cộng đồng, các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở trong công tác BVMT. Tăng cường nguồn lực tài chính, đẩy nhanh xã hội hoá hoạt động BVMT. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế; khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học về phương pháp xử lý chất thải, biến nguồn chất thải thành nguồn tài nguyên có ích cho phát triển KT-XH. 

Ngoài ra, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, cảnh báo và kiểm soát ô nhiễm... Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động BVMT của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về công tác này. Đồng thời xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT kéo dài. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, nhất là ÔNMT tại các khu, cụm công nghiệp, khu khai thác khoáng sản, làng nghề, lưu vực sông, khu dân cư, đô thị; có phương án di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ÔNMT, không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường trong khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp...

Thu Hiền



Các tin khác


Cục Quản lý thị trường tỉnh ra quân trồng trên 2.200 cây xanh tại xã Quý Hoà và Đông Lai

(HBĐT) - Ngày 16/3, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh phối hợp với UBND xã Quý Hòa (Lạc Sơn) trồng 2.220 cây xanh.

Xã Phú Cường: Làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng

(HBĐT) - Xã Phú Cường (Tân Lạc) có diện tích rừng giáp ranh với nhiều địa phương khác tương đối lớn, đặc biệt xã còn có hơn 300 ha rừng tái sinh với vai trò giữ gìn tài nguyên nước. Tỷ lệ che phủ rừng của xã duy trì trên 51,5%, các chỉ tiêu về trồng rừng luôn vượt kế hoạch đề ra. Nhiều năm liên tiếp trên địa bàn không xảy ra cháy rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. 

Phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

(HBĐT) - Khi thời tiết ấm dần cũng là điều kiện để các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi bùng phát, trong đó có dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp để phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Mùa mưa bão có thể đến muộn, có khoảng 10 - 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa bão năm 2022 có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình hàng năm. Có khoảng 10 - 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và có khoảng từ 4 - 6 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Hội Nông dân tỉnh: Hội thảo tập huấn giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu

T(HBĐT) - rong 2 ngày 15 - 16/3, Hội Nông dân (HND) tỉnh tổ chức hội thảo tập huấn giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) cho 30 đại biểu là thúc đẩy viên, đại diện lãnh đạo UBND, HND, tổ hợp tác, hợp tác xã (THT, HTX) đến từ các xã hưởng lợi Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II của huyện Lạc Thủy, Tân Lạc.

Sẵn sàng phương án chống hạn cho sản xuất vụ xuân

(HBĐT) - Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh tập trung vào trà xuân muộn trong khoảng từ cuối tháng 1 đến hết tháng 2. Ở thời kỳ này, dòng chảy các sông, suối cạn kiệt nên việc cung cấp nước từ hệ thống bai mương sẽ không đảm bảo chủ động. Lượng nước tích tại các hồ chứa bị tổn thất lớn do thấm và bốc hơi... Trước nguy cơ thiếu nước cho sản xuất, ngành NN&PTNT đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm sẵn sàng ứng phó với khô hạn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục