(HBĐT) -Trong tỉnh nói chung và TP Hòa Bình nói riêng những ngày này được ví như "chảo lửa”. Nắng nóng và nắng nóng gay gắt đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt, việc làm của người dân. Nhiệt độ vào ban ngày lên đến 38 - 39 độ khiến nhiều người, nhất là đối với những người lao động thường xuyên ở ngoài trời phải chật vật ứng phó.


Nắng nóng gay gắt khiến đường phố vắng vẻ, người phải ra đường thì trang bị đồ bảo hộ. Ảnh chụp tại đường Trần Hưng Đạo (TP Hòa Bình).

Theo tin của Đài khí tượng thủy văn Hòa Bình, từ ngày 17 - 22/6, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 35-39 độ C; trong đó, ngày 19-22/6 có nắng nóng gay gắt diện rộng. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 45 - 60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ kéo dài từ 10 - 17 giờ. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng ở cấp 1. Dự báo từ ngày 23 - 25/6 tiếp tục có nắng nóng; từ ngày 26 - 29/6 nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng gia tăng ở tỉnh.
 

Hàng ngày, mới 8h sáng nhưng mặt trời đã chói chang, nhiệt độ tăng nhanh, cảm giác nóng bức rõ ràng. Từ 9 - 17h là khoảng thời gian nắng cháy da cháy thịt khiến đường phố, hàng quán ven đường vắng vẻ. Tuy vậy, vì cuộc sống cho nên dù nhiệt độ ngoài trời có khi trên 400C nhưng vẫn có những người phải bươn chải mưu sinh, gồng mình làm việc.

Nhiều năm nay, mỗi ngày bà Hoa (phường Thống Nhất) dong ruổi trên chiếc xe đạp để bán rau dạo quanh các ngõ phố của phường Phương Lâm, Đồng Tiến. "Giờ có tuổi rồi, nắng nôi thế này mệt lắm. Vì chẳng có đồng lương nên phải cố. Những ngày này tôi cố bán cho nhanh để về sớm, chứ giữa trưa mà đạp xe trên đường nóng hầm hập như cái lò thì chịu sao được", vừa bướt bả lau mồ hôi bà Hoa vừa chuyện trò.

Cũng như bà Hoa, anh Sơn (phường Đồng Tiến) làm nghề giao hàng nên thường xuyên phải chạy xe trên đường. Anh chia sẻ: "Vì đặc thù công việc nên tôi phải đi suốt. Ra đường hơi nóng phả vào mặt cũng lo bị say nắng. Để bảo vệ sức khỏe, tôi phải mặc áo chống nắng và lúc nào cũng có chai nước uống. Nếu đơn hàng chưa thật cần thì bố trí giao cho khách vào buổi tối, về muộn một tý nhưng đỡ mệt”.

Tuy không phải thường xuyên đi trên đường nhưng những người thợ xây dựng lại đối mặt với nắng nóng nhiều nhất khi phải làm việc ngoài trời. Anh Mạnh quê ở Lạc Sơn ra TP Hòa Bình làm nghề thợ xây chia sẻ: Nghề này vốn nặng nhọc, vất vả, trong những ngày thời tiết khắc nghiệt lại càng tăng lên. Nhiều lúc tôi cũng hoa mắt vì nắng và đổ nhiều mồ hôi. Những ngày nắng nóng quá, anh em phải tranh thủ làm từ 5, 6 giờ sáng để nghỉ sớm. Chiều có hôm 15, 16 giờ mới lên giàn giáo và kéo thời gian làm việc đến tối muộn để đảm bảo sức khỏe. 

Tình trạng nắng nóng và nắng nóng gay gắt những ngày này được xem là đợt cao điểm kéo dài nhất từ đầu mùa hè đến nay. Chỉ số tia cực tím (UV) tại hầu hết các địa phương ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Vì vậy, ngành chức năng khuyến cáo, người dân hạn chế ra đường khi không có việc cần thiết. Nếu phải ra ngoài khi trời nắng nóng cần che kín bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng. Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức; nên nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục dưới trời nắng nóng. Uống đầy đủ nước khi trời nắng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Có thể uống nước pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, không uống nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.

Người dân nên trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm... khi lao động, làm việc dưới trời nắng. Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò... Khi vừa đi nắng về không được tắm ngay, vì đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt độ cơ thể cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ. Đặc biệt, trong mùa nắng nóng cần uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: Rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua...

Bình Giang

Các tin khác


Huyện Đà Bắc: Đầu tư hạ tầng thiết yếu phát triển kinh tế, ổn định dân cư vùng lòng hồ

(HBĐT) - Từ khi tuyến đường từ thị trấn Đà Bắc kết nối với các xã: Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong (Đà Bắc) hoàn thành, hầu như tuần nào chị Bùi Thị Nhềm ở xóm Đức Phong (xã Tiền Phong) cũng gửi hàng hóa là các sản vật địa phương như khoai tầng, tôm, cá, thịt lợn bản... về xuôi theo tuyến xe khách cố định. Cũng từ khi có đường giao thông thuận tiện, sản vật tôm, cá, cá lồng của gia đình ông Đinh Công Út, xóm Săng Bờ (xã Vầy Nưa) được nâng cao giá trị, có tư thương vào tận nhà thu mua, không phải vất vả như trước. Nhờ thế, không chỉ gia đình ông mà nhiều gia đình làm nghề nuôi cá lồng, đánh bắt thủy sản vùng lòng hồ có đời sống ngày càng khấm khá hơn.

Báo Hòa Bình chủ động chuyển đổi số trong thời kỳ cách mạng khoa học công nghệ 4.0

(HBĐT) - Báo Hòa Bình là cơ quan của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình; tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hòa Bình; hoạt động báo chí theo chủ trương, đường lối, định hướng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sau 60 năm xây dựng và phát triển (2/9/1962 - 2/9/2022), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh; sự đồng hành của các cấp, ngành, địa phương, tổ chức chính trị trong tỉnh và sự ủng hộ, đón nhận của đông đảo bạn đọc, Báo Hòa Bình đã có sự trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, từng bước trở thành cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện của tỉnh.

Chấn chỉnh tình trạng chủ quan trong mùa mưa lũ

(HBĐT) - Lần đầu tiên trong lịch sử, mới giữa tháng 6, Nhà máy thủy điện Hòa Bình phải mở tới 5 cửa xả đáy để đảm bảo an toàn công trình và dành dung tích phòng chống lũ. Điều này một lần nữa cho thấy tình hình thiên tai năm 2022 có những diễn biến khác thường. Mùa mưa đến sớm với nhiều đợt mưa lớn đã trút xuống các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, trong đó có những trận mưa lớn nhất so với cùng thời kỳ tính trong vài chục năm qua.

Báo chí thông tin kịp thời đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Tối 19/6, tại Hà Nội, Tổng cục phòng, chống thiên tai tổ chức chương trình toạ đàm "Báo chí phòng chống thiên tai-Báo chí vì cộng đồng".

Đóng toàn bộ 5 cửa xả đáy hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Để đảm bảo an toàn công trình và chủ động trong công tác phòng chống thiên tai (PCTT) trong mùa mưa lũ năm 2022, thực hiện các công điện của Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT, từ ngày 12 - 16/6, đập Thủy điện Hòa Bình lần lượt mở từ 1 - 5 cửa xả đáy, đây là lần đầu tiên phải mở nhiều cửa xả trước mùa mưa lũ.

21h tối nay, đóng cửa xả đáy thứ 3 hồ Hoà Bình

(HBĐT) - Chiều tối ngày 18/6, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có văn bản số 78/BCH-VP về việc đóng cửa xả đáy thứ 3 hồ Hòa Bình, gửi các sở: Công Thương; Tài nguyên và Môi trường; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Công an tỉnh; UBND thành phố Hoà Bình; Công ty Cổ phần Quản lý bảo trì đường thuỷ nội địa số 9.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục