(HBĐT) - Dù đã bước vào mùa khô, song nhiều khu vực, nhất là các tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh thi thoảng vẫn xảy ra hiện tượng đá lở, đá lăn tràn xuống đường giao thông, gây nguy hiểm cho người dân và mất an toàn giao thông.
Mới đây, chiều 28/8, một tảng đá to hàng chục m3 và nhiều tảng đá nhỏ bất ngờ trượt xuống tại khu vực từ trụ sở UBND xã Hiền Lương đi xóm Ké, lấp toàn bộ mặt đường từ Hiền Lương đi Vầy Nưa - Tiền Phong, huyện Đà Bắc. Đến chiều 29/8, lực lượng chức năng tập trung xử lý để bảo đảm thông tuyến.
Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương Nguyễn Đăng Giáp cho biết: Những ngày mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 2, đường giao thông trên địa bàn xã chỉ sạt lở những điểm nhỏ có thể xử lý nhanh. Việc xảy ra đá to sạt lở rất hiếm gặp vì thời tiết những ngày hôm trước không có mưa, may mắn lúc đá sạt không có người qua lại. Chính quyền đã khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông trên tuyến đề cao cảnh giác đề phòng đất, đá trượt sạt.
Những ngày vừa qua ghi nhận những điểm sạt lở tại các xã vùng cao trên địa bàn tỉnh. Như quốc lộ 6 đoạn dốc Cun có những khối đá lớn trượt xuống mặt đường rất nguy hiểm, đơn vị quản lý đã dựng biển cảnh báo nguy cơ trượt sạt để người tham gia giao thông cảnh giác. Trên tuyến đường tỉnh 433, 435 (Bình Thanh - Suối Hoa) và nhiều tuyến đường giao thông vùng cao tiềm ẩn nguy cơ trượt sạt. Hiện tượng lở núi, đất, đá trượt sạt đã gây ra những cái chết rất thương tâm ở nhiều địa phương trong tỉnh. Xã Nánh Nghê (Đà Bắc) nằm dọc đường 433 thường xuyên ghi nhận tình trạng đá trượt sạt, ngay cả vào mùa khô. Mấy năm trước, trên địa bàn xã đã xảy ra vụ việc đá lăn vào nhà dân, đè chết người ở xóm Duốc. Năm nay cũng đã xảy ra vụ đá lăn làm 1 người tại xóm Duốc tử vong. Hiện nay, khu vực dọc tuyến đường 433 vẫn còn những khối đá lớn sẵn sàng trượt sạt xuống đường, gây nguy hiểm cho người dân và phương tiện qua lại. Trung tuần tháng 10 năm ngoái, trên địa bàn xóm Tát, xã Tân Minh (Đà Bắc) đã xảy ra một vụ trượt sạt đất, đá vùi lấp nhà dân ở ven đường làm 1 người chết, 3 người bị thương trong cùng một gia đình, điều đáng nói là lượng mưa không lớn, theo người dân vụ việc xảy ra bất ngờ. Dọc tuyến đường 433 những ngày qua, dù thời tiết có nắng, song vẫn thi thoảng xảy ra đá lăn xuống đường, vệ đường, cây cối trượt sạt chắn đường giao thông.
Là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, độ dốc lớn, những năm gần đây, tình trạng trượt sạt, lở đá, lở đất diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Toàn tỉnh có hàng trăm điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao với hàng nghìn hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng. Trong đó phải kể đến huyện Mai Châu có nhiều khu vực nguy cơ tại các xã: Sơn Thủy, Thành Sơn, Nà Phòn, Bao La, Tân Thành. Các xã: Vân Sơn, Quyết Chiến, Ngổ Luông (Tân Lạc) thường xuyên xảy ra lở đất, đá bất thường. Huyện Lạc Sơn là các xã: Quý Hòa, Mỹ Thành, Tuân Đạo, Miền Đồi; dọc theo tuyến từ thị trấn Vụ Bản đi các xã vùng cao. Huyện Lương Sơn là khu vực xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn đã có hàng chục hộ phải di dời khẩn cấp khi mưa lớn những ngày vừa qua. Huyện Kim Bôi tại các xã: Đú Sáng, Hùng Sơn, Vĩnh Đồng, Kim Lập, Cuối Hạ…
Để giảm thiệt hại do trượt sạt, đá lở, đá lăn, các địa phương và ngành chức năng cần rà soát khu vực nguy cơ cao thiên tai, trượt sạt để triển khai kế hoạch bố trí, ổn định dân cư; đồng thời tăng cường tuyên truyền, cảnh báo cho người dân tự phòng tránh thiên tai, trượt sạt; kiên quyết không để hộ dân nào sống trong vùng nguy hiểm ven suối, sườn núi, đồi tiềm ẩn nguy cơ trượt sạt, lũ ống, lũ quét, hạn chế thiệt hại, nhất là về người.
Lê Chung