(HBĐT) - Huyện Kim Bôi đã chú trọng xây dựng, triển khai các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) sát với tình hình thực tế địa phương. Trong đó, trọng tâm là thực hiện phương châm "4 tại chỗ” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.


Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, huyện Kim Bôi chỉ đạo các xã, thị trấn cử người canh gác và nghiêm cấm người dân qua ngầm tràn khi nước ngập sâu. (Ảnh chụp tại ngầm Đồi 2, xã Kim Bôi ngày 8/9/2022).

Xã Xuân Thuỷ có 2 ngầm tràn là ngầm Bai Mai và ngầm Bai Vọ thường xuyên bị ngập sâu vào mùa mưa lũ. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân tuyệt đối không vượt ngầm khi mưa bão, chủ động ứng phó với thiên tai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã đã thực hiện tốt phương châm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Là địa bàn có nhiều suối, người dân chủ yếu sinh sống trên các sườn đồi, xã Đú Sáng tiềm ẩn nguy cơ bị lốc xoáy, sạt lở trong mùa mưa bão. Tháng 3/2022, xã có 95 hộ dân bị tốc mái, đổ sập do ảnh hưởng thiên tai, mưa lũ. Đồng chí Đặng Thế Quang, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay sau khi bị ảnh hưởng mưa lũ, UBND xã đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể và Nhân dân khắc phục thiệt hại, giúp người dân ổn định đời sống. Thực hiện phương châm "4 tại chỗ", UBND xã hỗ trợ 100 kg gạo cho 10 hộ, vận động người dân đóng góp 40.000 đồng/ hộ để ủng hộ các hộ dân bị tốc mái. Nhờ đó, các hộ nhanh chóng ổn định lại cuộc sống.

Ngoài 2 xã Xuân Thủy, Đú Sáng, huyện Kim Bôi còn nhiều điểm nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão như khu vực xã Nuông Dăm, xã Tú Sơn. Tháng 5/2022, do ảnh hưởng của mưa lũ, tại xóm Nuông, xã Nuông Dăm có 4 hộ bị sạt lở đất ảnh hưởng đến nhà ở, trong đó, 3 hộ đã được hỗ trợ năm 2021 theo chương trình ổn định tại chỗ, 1 hộ chưa được hỗ trợ. Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã khẩn trương rà soát, di dời các hộ dân có nguy cơ sạt lở.

Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện: Trước mùa mưa bão năm nay, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện chỉ đạo các ngành tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng hệ thống công trình, khu vực trọng điểm, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương, nhất là các xã có nguy cơ sạt lở, các xã ven sông Bôi, có nhiều ngầm tràn. Qua kiểm tra, rà soát, huyện chỉ đạo các đơn vị bảo đảm chất lượng xây dựng, sửa chữa, gia cố các công trình trọng điểm, xung yếu trên địa bàn. Huyện cũng giao chỉ tiêu chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương, bảo đảm thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ” để hỗ trợ trực tiếp Nhân dân khi thiên tai xảy ra. Chỉ đạo các phòng, ban làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó với thiên tai đến các tầng lớp nhân dân.

Theo báo cáo, lũy kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 1 người chết do thiên tai; 75 con trâu, bò bị chết rét; hơn 6 ha lúa, khoảng 5,8 ha bí xanh, bí đỏ và gần 10 ha ngô, mía, khoai lang, cây ăn quả... bị thiệt hại do ngập úng. Tổng thiệt hại do thiên tai hơn 6 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Long cho biết thêm: Hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, hình thái thời tiết cực đoan như bão lũ, sương muối, rét đậm, rét hại có thể xảy ra. Vì vậy, huyện chỉ đạo sát sao các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình dự báo thời tiết, khẩn trương có các phương án phòng, chống thiên tai, kế hoạch gieo trồng vụ đông và tránh rét cho đàn gia súc, gia cầm trong những tháng mùa đông. Qua đó, nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần ổn định sản xuất, phát triển KT-XH trên địa bàn.


Đinh Hòa


Các tin khác


Thời đi chợ không cần mang theo tiền mặt

(HBĐT) - Chỉ cần có một chiếc điện thoại di động thông minh đã cài đặt tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử là dễ dàng đi mua sắm mà không cần mang theo tiền mặt. Một thói quen tiêu dùng mới đang hình thành, đem lại sự tiện lợi trong thời đại số.

Huyện Lương Sơn nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai cho cộng đồng

(HBĐT) - Mặc dù ngay từ đầu năm, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Lương Sơn đã xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai. Song trước diễn biến phức tạp, khó lường của các loại hình thiên tai, 9 tháng năm nay, Lương Sơn là một trong những địa phương chịu thiệt hại lớn nhất tỉnh do thiên tai gây ra với giá trị thiệt hại ước trên 181,7 tỷ đồng.

Thời tiết ngày 23/10: Áp thấp nhiệt đới gây biển động mạnh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 1 giờ ngày 23/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 118,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49 km/giờ), giật cấp 8, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15-20 km/giờ.

Thời tiết ngày 21/10: Bắc Bộ, Trung Trung Bộ có mưa rào và dông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 21/10, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to; riêng khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam từ chiều 21/10 đến hết ngày 22/10 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Áp thấp nhiệt đới suy yếu thành vùng áp thấp, nhiều nơi có mưa và nhiệt độ xuống thấp

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 20/10, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành vùng áp thấp trên vùng biển Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế.

Bão đang suy yếu dần, Thanh Hóa-Quảng Bình có mưa lớn

Bão số 6 đang tiếp tục xu thế giảm cường độ, sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, từ chiều và đêm 19/10 đến ngày 20/10 phía Đông Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Bình có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục