Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH chữa cháy xảy ra tại tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình).
Cháy do chập điện chiếm 1/3 tổng số vụ cháy
Nhận được tin báo tại gia đình bà Nguyễn Thị Thiệp, xóm Ba Nội, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) xảy ra cháy, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy chuyên dụng đến hiện trường tổ chức ứng cứu. Với sự khẩn trương, chuyên nghiệp, chỉ sau thời gian ngắn đám cháy được khống chế và dập tắt. Qua điều tra, nguyên nhân dẫn đến vụ cháy là do chập điện trong nhà...
Ngoài vụ việc trên, tại nhà ông Phạm Thành Công, tổ 7, phường Đồng Tiến cũng xảy ra cháy gây thiệt hại lớn về tài sản. Nguyên nhân dẫn đến vụ cháy được xác định do chập điện trong khu vực bếp của gia đình, sau đó cháy lan ra các khu vực khác. Sau khi nhận tin báo về vụ việc, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH điều động 2 xe chữa cháy cùng 16 cán bộ, chiến sỹ (CBCS) đến hiện trường triển khai dập lửa.
Theo thống kê của lực lượng chức năng, từ tháng 1/2020 - 4/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 25 vụ cháy làm 3 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản khoảng 6 tỷ đồng và 2,6 ha rừng. Trong đó có 8 vụ do sự cố hệ thống và thiết bị điện, chiếm 32%. Các vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu do sự cố điện, sự cố kỹ thuật, sơ xuất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Theo Trung tá Đỗ Thành Đạt, Đội trưởng Đội công tác phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, hầu hết các vụ cháy tại nhà dân nguyên nhân do bất cẩn trong sử dụng điện, lửa trong sinh hoạt. Hiện nay người dân vẫn có thói quen sử dụng nguồn điện không đảm bảo như: sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn; không thường xuyên quan tâm kiểm tra, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống dây dẫn điện sinh hoạt; đấu nối dây điện tùy tiện, đi dây điện luồn qua mái lá, mái tôn, qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy... do vậy dễ gây ra chập cháy.
Từ bỏ thói quen xấu để phòng ngừa cháy nổ mùa nắng nóng
Theo Thượng tá Bùi Vĩnh Lộc, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, một trong những yếu tố dẫn đến nguy cơ cháy nổ còn cao là do nhận thức của một bộ phận người dân về công tác PCCC hạn chế, chưa nắm được những kiến thức cơ bản về PCCC, chủ quan trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị điện. Qua thực tế nắm bắt, một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ cháy, nổ là thói quen sử dụng điện bừa bãi của người dân.
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức PCCC cho người dân. Thượng tá Bùi Vĩnh Lộc cho biết: Đơn vị đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về PCCC, thực hành các tình huống giả định, xử lý các tình huống cháy, nổ cho lực lượng PCCC cơ sở cũng như người dân. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương thành lập, củng cố, kiện toàn đội dân phòng, PCCC cơ sở theo đúng quy định, đảm bảo về số lượng, chất lượng; xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ có trang bị dụng cụ, phương tiện PCCC phù hợp nhằm xử lý kịp thời các vụ cháy, nổ khi mới phát sinh.
Ngay khi bước vào năm 2023, Phòng Cảnh sát PCCC& CNCH đã phối hợp các địa phương chỉ đạo Công an các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về PCCC cho người dân; yêu cầu tổ chức cho các hộ ký cam kết "Bảo đảm an toàn về PCCC đối với hộ gia đình”. Theo đó, đến nay, 100% Công an xã, thị trấn trong toàn tỉnh tổ chức cho 100% hộ dân ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC. Ngoài ra, đơn vị phối hợp các nhà mạng gửi hàng chục nghìn tin nhắn SMS đến các thuê bao di động và tài khoản mạng xã hội zalo, facebook thông tin, cảnh báo cháy nổ, nhất là trong mùa nắng nóng khi mức tiêu thụ điện của người dân tăng cao; sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn như hệ thống quạt, điều hòa nhiệt độ...
Cũng theo Thượng tá Bùi Vĩnh Lộc, để đảm bảo an toàn phòng cháy nói chung và phòng cháy liên quan đến việc sử dụng điện nói riêng, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo người dân từ bỏ các thói quen xấu trong sử dụng điện để đảm bảo an toàn như: không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; không để hàng hóa, vật dụng dễ cháy gần các thiết bị điện sinh nhiệt; thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, thay thế thiết bị điện và mạng điện hư hỏng. Khi sử dụng các thiết bị điện sinh nhiệt như bàn là, bếp điện... phải có người trông coi. Ngắt nguồn và các thiết bị điện khi không sử dụng. Đặc biệt, "phải thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của thiết bị; kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn; không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Phân bổ các thiết bị tiêu thụ điện trên đường dây dẫn điện để đảm bảo công suất truyền tải của dây dẫn, tránh hiện tượng quá tải gây cháy; khi lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất lớn phải lựa chọn dây dẫn phù hợp; không tự ý câu, móc, đấu nối dây điện tùy tiện, tránh đi dây điện luồn qua mái lá, mái tôn, qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy; trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra, tắt các thiết bị điện không cần thiết...", Thượng tá Bùi Vĩnh Lộc nhấn mạnh.
Mạnh Hùng