(HBĐT) - Trang trại lợn xây dựng không phép trên đất lâm nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân trong khu vực mấy năm nay, song vẫn chưa được xử lý triệt để, tiếp tục gây bức xúc đối với người dân.
Nước từ trại lợn chảy ra gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhiều hộ dân khu vực Văn Đai, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc.
Thời gian qua, nhiều hộ dân khu Văn Đai, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc bức xúc phản ánh về tình trạng trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường mà chưa được cơ quan chức năng xử lý.
Khảo sát tình hình trại lợn theo phản ánh của người dân những ngày cuối tháng 5 vừa qua. Trời nắng nóng cao độ, đến khu vực trang trại chăn nuôi cảm nhận rõ mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Dưới chân cơ sở chăn nuôi là những ao cá nước đã ngả màu đen đặc. Đến gần khu vực chăn nuôi có thể thấy được nước thải đen ngòm, mỗi khi có trận gió là người dân hứng trọn mùi hôi từ trại lợn này.
Tìm hiểu được biết, trang trại chăn nuôi lợn này của ông Lê Văn Tập được xây dựng trên đất lâm nghiệp có diện tích vài nghìn m2. Hệ thống xử lý sơ sài, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Hệ thống xử lý nước thải không có nắp, không có lót đáy, ngang nhiên xả nước thải bốc mùi nồng nặc. Ông Đăng Duy Tâm, khu Văn Đai cho biết: Hầu hết các hộ dân phải hứng chịu ảnh hưởng xả thải từ trang trại chăn nuôi. Mùi hôi thối do nước thải đến nhức đầu, long óc, không thể chịu đựng nổi. Các hộ dân đều nuôi cá nhưng nước từ trang trại đổ ra, cá không sống được. Nhiều người câu cá lưỡi câu bị mòn có thể do axit. Đã xuất hiện các bệnh đường ruột, nhiều người phải đi khám ở Hà Nội.
Ông Hoàng Văn Dinh, cửa hàng xăng dầu Thái Dương, khu Văn Đai bức xúc: Trước đây, khu vực này rất hiếm nguồn nước, khoan giếng cũng không được, mỗi gia đình cải tạo khe lạch, đắp thành ao để lấy nước sinh hoạt. Từ khi trại lợn hoạt động, chất thải chảy xuống, thẩm thấu xuống đất thì nguồn nước rất bẩn, mất vệ sinh, không thể sử dụng được. Đặc biệt ruồi rất nhiều, ăn cơm phải mắc màn. Người dân kiến nghị sớm xử lý dứt điểm trang trại lợn để có nguồn nước sinh hoạt, sản xuất.
Chung nỗi bức xúc của các hộ dân, ông Bùi Văn Tâm, khu Văn Đai bày tỏ: Nguồn nước tại khu vực bị ô nhiễm nặng nề, không thể sử dụng, ao cá của gia đình cũng không thể nuôi cá. Có đợt nước thải từ trại lợn chảy xuống làm cá chết, thiệt hại gần trăm triệu đồng. Người dân khu vực Văn Đai nhiều lần đề xuất chính quyền cần vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng trại lợn gây ô nhiễm môi trường.
Liên quan đến vấn đề trại lợn xây dựng không phép trên đất lâm nghiệp, gây ô nhiễm nghiêm trọng, đồng chí Quách Văn Thạo, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mãn Đức cho biết: Trang trại lợn của ông Lê Văn Tập được xây dựng khoảng năm 2019, thời điểm đó trang trại nằm trên địa bàn xã Tuân Lộ, giáp với xã Quy Hậu, sau này sáp nhập về thị trấn, thuộc khu vực Văn Đai, thị trấn Mãn Đức. Cơ quan chức năng đã xác định đây là trang trại xây dựng không phép. Người dân đã phản ánh nhiều lần về tình trạng ô nhiễm của trang trại. Từ năm 2020 đến nay, chính quyền đã tiến hành kiểm tra cơ sở này, nhưng cả 4 lần không vào được vì chủ trang trại khóa cửa. Ông Lê Văn Tập, chủ trại chăn nuôi đã hứa sẽ giảm quy mô đàn lợn nhưng hiện vẫn còn.
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Tân Lạc về việc xử lý vi phạm sử dụng đất, xây dựng công trình trên đất tại khu Văn Đai, thị trấn Mãn Đức, tháng 11/2022, UBND thị trấn Mãn Đức đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 4 triệu đồng đối với trang trại chăn nuôi này, buộc khôi phục lại hiện trạng đất trước khi vi phạm sau 10 ngày nhận quyết định. Gia đình ông Lê Văn Tập đã nộp tiền vi phạm, tuy nhiên cơ sở vẫn đang chăn nuôi với quy mô 3 con lợn mẹ và 30 con lợn thịt. UBND thị trấn Mãn Đức đã báo cáo UBND huyện. Ngày 27/2/2023, UBND huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất phương án giải quyết, xử lý cơ sở chăn nuôi của hộ ông Lê Văn Tập. Theo đồng chí Quách Văn Thạo, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mãn Đức, để giải quyết tình trạng trại lợn gây ô nhiễm cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng.
Lê Chung
(HBĐT) - Mùa khô năm nay, các địa phương trong tỉnh trải qua đợt nắng hạn kéo dài khiến nhiều khu vực rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trong khi đó, nhiều công trình nước sạch đã đầu tư không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên hoạt động kém hiệu quả.
(HBĐT) - Là địa phương thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, gây thiệt hại về các công trình cũng như sản xuất, tài sản của nhân dân nên ngay từ đầu năm, UBND huyện Mai Châu đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học, doanh nghiệp và các xã, thị trấn xây dựng, triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Với phương châm "4 tại chỗ”, lấy phòng là chính, các xã, thị trấn tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra.
Các nhà lãnh đạo toàn cầu cần hợp tác để giảm thiểu 'nguy cơ tuyệt chủng' do công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra.
Nhiều cán bộ ở cơ sở chưa đảm bảo chuyên môn, nghiệp vụ; thiết bị phần mềm ứng dụng chuyển đổi số chưa kết nối đồng bộ, người dân chưa tin tưởng vào các dịch vụ trực tuyến… là những điểm nghẽn cản trở chuyển đổi số ở các cấp chính quyền, cơ quan cấp cơ sở của TPHCM.
(HBĐT) - Thời gian qua, nắng nóng gay gắt nên nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhưng hạn hán kéo dài khiến việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn. Ngành Điện đang triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện an toàn. Trong đó, kêu gọi khách hàng tiếp tục nêu cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm (SDĐTK).