(HBĐT) - Nông dân vùng Mường Vang (Lạc Sơn) đang bước vào vụ thu hoạch lúa mùa. Thay vì gặt, đập thủ công, trên cánh đồng các xã: Thượng Cốc, Yên Phú, Vũ Bình... reo vang tiếng máy gặt, tuốt liên hợp. Bà Bùi Thị Hảo, xóm Át, xã Vũ Bình phấn khởi chia sẻ: Từ khi thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), đồng ruộng thẳng băng, máy móc thuận tiện vận hành. Thay vì phải tốn nhiều công, nhiều buổi, máy liên hợp gặt, tuốt trong chốc lát đã xong cả thửa ruộng lớn.
Qua thống kê, diện tích gieo trồng hàng năm của huyện Lạc Sơn khoảng 21.000 ha. Trong đó, diện tích lúa khoảng 9.000 ha, ngô 5.200 ha, còn lại là cây trồng khác. Ở giai đoạn trước, sau khi có Chỉ thị số 35-CT/TU, ngày 22/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác DĐĐT, Huyện ủy Lạc Sơn đã chỉ đạo UBND huyện tham mưu các văn bản chỉ đạo, tổ chức các hội nghị bàn về công tác DĐĐT đất nông nghiệp trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền, hướng dẫn hội viên tham gia. Huyện cũng tổ chức các đợt học tập kinh nghiệm tại các địa phương làm tốt công tác DĐĐT như huyện Yên Thủy.
Theo đồng chí Phan Thị Hạnh, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện, trước đây, công tác DĐĐT mới ở mức độ tự phát, nhỏ lẻ, người dân không thực hiện xin cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2019, công tác dồn điền thực hiện đầu tiên ở xã Yên Phú và nhân rộng ra các xã. Đến năm 2022, tổng diện tích DĐĐT toàn huyện đạt gần 516 ha, trong đó, diện tích dồn điền 285,73 ha, đổi thửa 230,249 ha. Diện tích dồn, đổi năm 2023 tăng thêm 30 ha ở các xã Định Cư, Thượng Cốc. Tại các diện tích đã dồn đổi, huyện dành nguồn kinh phí cho đầu tư kênh mương, cứng hóa giao thông nội đồng.
Hiệu quả sau DĐĐT ở các xã là diện tích 1 thửa tăng lên, không còn những mảnh ruộng manh mún. Việc đưa máy cày, máy bừa, máy gặt tuốt lúa, áp dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật thuận tiện hơn, chi phí đầu vào như: công đi lại trồng, chăm sóc, tiền gặt và tuốt lúa, thất thoát vật tư nông nghiệp... giảm đáng kể. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, tăng sản lượng, giá trị thu nhập cho nông dân. Cũng từ sau DĐĐT, nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất theo hướng cánh đồng mẫu lớn. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm xây dựng chuỗi hàng hóa quy mô diện tích khá lớn.
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn khẳng định: DĐĐT có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo ra thửa ruộng mẫu lớn, kết nối trực tiếp với giao thông, thủy lợi, giúp nông dân dễ dàng áp dụng kỹ thuật công nghệ. Ngày 7/4/2023, Huyện ủy Lạc Sơn ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU về DĐĐT và phát triển sản phẩm OCOP. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 dồn, đổi xong diện tích đất trồng lúa, trồng màu ở những nơi có điều kiện thuận lợi, đến năm 2027 hoàn thành việc DĐĐT trên địa bàn, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể về DĐĐT trong dài hạn và từng năm; tổ chức làm điểm có hiệu quả ở một số phố, xóm để rút kinh nghiệm, tạo sự lan tỏa, hiệu ứng tuyên truyền; huy động nguồn xã hội hóa, lồng ghép các nguồn vốn khác cho công tác DĐĐT; cấp huyện, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân về lợi ích DĐĐT đem lại; quá trình DĐĐT gắn với quy hoạch lại đồng ruộng theo hướng người dân dành đất cho kênh mương, đường nội đồng; hỗ trợ người dân đo đạc địa chính, thủ tục về đất đai, cấp sổ đỏ trước và sau khi DĐĐT.
Bùi Minh