Trại lợn xả thải gây ô nhiễm môi trường tại xã Độc Lập (TP Hoà Bình).
Nâng cao giá trị ngành chăn nuôi
Theo Sở NN&PTNT, trong 5 năm (2019 - 2024), chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động do điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ không ổn định, một số dịch bệnh vẫn xảy ra như: Dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục. Song các ổ dịch đã được kiểm soát, khống chế và dập dịch kịp thời, không để lây lan rộng. Do đó, chăn nuôi phát triển khá ổn định, giá trị sản xuất theo giá so sánh cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng, tăng 1.333 tỷ đồng so với năm 2019. Năm 2023, tổng đàn trâu toàn tỉnh có 112.200 con, bằng 95,97% so với năm 2019; đàn bò 89.140 con, bằng 103,41%; đàn lợn gần 495.700 con, bằng 112,92% và đàn gia cầm trên 8,6 triệu con, bằng 113,29% so với năm 2019.
Hình thức chăn nuôi chuyển dần từ nhỏ lẻ sang tập trung sử dụng thức ăn công nghiệp, với trên 100 trang trại quy mô lớn và vừa đang hoạt động. Nhìn chung, các trang trại thực hiện tương đối tốt việc xử lý chất thải bảo vệ môi trường, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình quản lý vệ sinh thú y với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Một số cơ sở áp dụng xử lý chất thải bằng biogas, ủ compart kết hợp với phương pháp ủ sinh học và chăn nuôi bằng đệm lót sinh học.
Đối với chăn nuôi nông hộ, đến hết quý I/2024, trong tỉnh có trên 107 nghìn hộ chăn nuôi. Trong đó hơn 74% hộ đạt tiêu chí cơ sở chăn nuôi đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường xã nông thôn mới; có 40,12% hộ đạt tiêu chí cơ sở chăn nuôi đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường xã nông thôn mới nâng cao.
Mặc dù vấn đề đảm bảo môi trường trong chăn nuôi ở quy mô nông hộ đã có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Cùng với đó, thực trạng cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm gây ô nhiễm môi trường xung quanh còn xảy ra ở một số địa phương.
Bài toán môi trường và sinh kế
Nhìn lại 5 năm qua, có thể thấy chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do sự biến động của thị trường và dịch bệnh. Trong đó, chăn nuôi gia súc, đặc biệt là trâu, bò gặp nhiều khó khăn khi giá bán chạm đáy và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Trong khi đó, các vật nuôi chủ lực như: gà, lợn cũng chịu tác động lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều chuỗi liên kết bị đứt, gãy. Do đó không ít hộ đã bỏ chăn nuôi để làm công việc khác. Dù vậy, với trên 107 nghìn hộ còn chăn nuôi đã cho thấy, đây là ngành đem lại thu nhập chính, là sinh kế của nhiều gia đình.
Xã Nà Phòn (Mai Châu) được sáp nhập từ xã Nà Mèo và Nà Phòn cũ, vốn là vùng đất thuần nông, thu nhập chính của người dân đến từ trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, những năm gần đây, xã trên lộ trình xây dựng và phát triển du lịch. Đến Nà Phòn có thể thấy đường làng, ngõ xóm được vệ sinh sạch sẽ với những nếp nhà sàn truyền thống của bà con dân tộc Thái. Trong thời điểm được coi là "quá độ” từ thuần nông lên làm dịch vụ, du lịch, có thể thấy nhiều bà con vẫn khá tâm tư vì những chuồng trại chăn nuôi được đầu tư chắc chắn nhưng hiện không được phép chăn thả như trước đây.
Gia đình ông Hà Văn Thanh, xóm Nhót duy trì chăn nuôi bò sinh sản nhiều năm nay. Song gần đây gia đình ông chỉ nuôi 1 con bò sinh sản, bởi hiện phải chuyển sang nuôi nhốt hoàn toàn. Ông Thanh chia sẻ, với việc phát triển du lịch nên vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường được chính quyền siết chặt. Theo đó, các hộ không được chăn thả gia súc mà nuôi nhốt tại nhà và xử lý chất thải để không gây ô nhiễm môi trường. Ông Thanh cho hay, gia đình ông và bà con rất ủng hộ phát triển du lịch để nâng cao thu nhập nhưng bà con trăn trở, hiện còn nhiều hộ chưa có thu nhập từ du lịch, trong khi chăn nuôi bị hạn chế. Do đó, bà con mong muốn được đào tạo nghề và hỗ trợ phát triển các loại hình dịch vụ để có nguồn thu nhập ổn định.
Nếu như Nà Phòn đang trên lộ trình phát triển du lịch thì ở xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc), nhiều năm nay du lịch đã làm thay đổi đời sống của bà con dân tộc Dao nơi đây. Nhưng câu chuyện làm sao để giữ gìn cảnh quan, môi trường sạch sẽ khi những chuồng trại chăn nuôi còn tồn tại ở trong khu dân cư vẫn là nỗi trăn trở. So với 2 - 3 năm trước, hạ tầng, cảnh quan ở bản Dao này đã thay đổi nhiều, nhưng chuồng trại chăn nuôi vẫn còn đó. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan, mà chất thải chăn nuôi không được xử lý, xả ra môi trường thực sự là "điểm trừ” của xóm. Theo người dân xóm Sưng, hiện đã có một số hộ chuyển địa điểm chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Với người dân xóm Sưng, chăn nuôi có ý nghĩa quan trọng để phát triển du lịch, vì chủ động được nguồn thực phẩm sạch tại chỗ. Nếu thực hiện tốt việc quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung sẽ đem lại "lợi ích kép” cho người dân.
Xử lý chất thải chăn nuôi ở nông hộ
Cuối năm 2021, gia đình ông Bùi Văn Đượng, xóm Gia Phú, xã Gia Mô (Tân Lạc) đầu tư nuôi trâu vỗ béo và nuôi lợn thịt. Với 6 con trâu, khoảng trên 50 con lợn thịt/lứa, việc xử lý chất thải chăn nuôi là vấn đề đầu tiên được ông Đượng quan tâm. Ông Đượng cho biết, với 6 con trâu nuôi nhốt, mỗi ngày lượng phân bón, cỏ dư thừa không quá nhiều. Tuy nhiên, chất thải từ nuôi lợn thì nhiều hơn gây mùi khó chịu cho hàng xóm và các thành viên trong gia đình. Bởi lợn được nuôi hoàn toàn bằng cám công nghiệp, mỗi ngày đều phải dùng nước xịt rửa làm sạch nền chuồng trại. Để xử lý chất thải, gia đình ông Đượng đã nuôi giun quế, sử dụng phân để bón ruộng và cây trồng, trồng. "Ở khu vực nông thôn từ ngày xưa, hầu như hộ nào cũng chăn nuôi, chủ yếu tận dụng thức ăn có sẵn tại địa phương. Tuy nhiên, khi nuôi với số lượng lớn và sử dụng thức ăn công nghiệp thì rất khó để tránh được mùi khó chịu. Mặc dù gia đình có nuôi giun quế nhưng vẫn ảnh hưởng đến sức khoẻ. Do đó, cuối năm vừa rồi, gia đình quyết định dừng chăn nuôi”, ông Đượng cho biết.
Xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn ở khu vực dân cư là vấn đề không dễ, nhất là những địa bàn người dân sinh sống đông đúc. Gia đình ông Bùi Văn Nhọ, xóm Khoang, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) là hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn, với trên 50 lợn nái và khoảng 300 lợn thịt/lứa. Với số lợn như vậy, lượng chất thải mỗi ngày khá nhiều. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, gia ông Nhọ đầu tư xây dựng hầm biogas. Điều này vừa giúp xử lý chất thải, lại có thêm chất đốt. Tuy vậy, chi phí để đầu tư hầm biogas không nhỏ nên nhiều hộ vẫn đào những hố chứa chất thải không đảm bảo vệ sinh. Vào mùa mưa, tình trạng ô nhiễm môi trường từ những hố đựng chất thải khá phổ biến ở vùng nông thôn.
Đối với chăn nuôi lợn quy mô lớn, nhất là ở các trại, những năm gần đây vẫn thường xuyên xảy ra ô nhiễm môi trường và được phản ánh nhiều trên báo chí, như ở xã Độc Lập (TP Hoà Bình), xã Nam Thượng (Kim Bôi), xã Cao Sơn (Lương Sơn) mà chưa được xử lý dứt điểm, gây bức xúc và ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Quyết liệt di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư
Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi là tất yếu để đảm bảo môi trường, vệ sinh thực phẩm và hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững. Ngày 9/12/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 70/2021/NQ-HĐND về việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị quyết đến các hộ, cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi. Đồng thời vận động các hộ, cơ sở ký cam kết di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi theo đúng thời gian quy định, không cơi nới chuồng trại, tăng đàn, tái đàn.
Theo Sở NN&PTNT, đến năm 2023, tổng số cơ sở nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi của các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy và Mai Châu là 5.364 cơ sở. Còn các huyện: Lương Sơn, Lạc Thủy và thành phố Hòa Bình chưa tổng hợp được tổng số cơ sở chăn nuôi có diện tích dưới 50m2. Số cơ sở có diện tích trên 50m2 của các huyện, thành phố là 1.052 cơ sở. Trong năm 2023, các địa phương đã hỗ trợ tháo dỡ, di dời hoặc dừng hoạt động chăn nuôi gồm: TP Hòa Bình (5 cơ sở), huyện Kim Bôi (1 cơ sở), huyện Lương Sơn (12 cơ sở). Hiện nay, các địa phương tiếp tục triển khai Nghị quyết số 70//2021/NQ-HĐND, đây là nỗ lực quan trọng để phát triển chăn nuôi phù hợp với quy hoạch, cũng như bảo đảm môi trường trong hoạt động chăn nuôi.
Ngày 15/11/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 55-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 55-CT/TU, chăn nuôi của tỉnh đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phù hợp với quy hoạch chăn nuôi và quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đàn vật nuôi phát triển tương đối ổn định, đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi theo hướng hàng hóa, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Bên cạnh đó, các trang trại chăn nuôi đã tiếp cận và nhận thức đúng đắn các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Chủ động thực hiện xử lý chất thải giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường như: quy hoạch, xây dựng chuồng, trại; trồng cây xanh xung quanh khu vực chăn nuôi để tạo bóng mát và chắn được gió lạnh, gió nóng; xây dựng hệ thống hầm biogas; ủ phân bằng phương pháp sinh học cùng với việc che phủ kín; xử lý nước thải bằng cây thủy sinh; chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học. Thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn, giảm dần cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ gần khu dân cư gây ô nhiễm môi trường…
Tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi Hoàng Văn Son Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố thực hiện kiểm tra, đánh giá công tác phát triển chăn nuôi, xử lý chất thải trong chăn nuôi và bảo vệ môi trường tại các trang trại. Qua kiểm tra cho thấy, các chất thải lỏng được xử lý qua trạm xử lý nước thải đạt chuẩn; xác gia súc, gia cầm chết được xử lý bằng phương pháp chôn hủy đúng quy định. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất, định kỳ về công tác quản lý chất thải chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm khi có yêu cầu. Thời gian tới, đơn vị chú trọng tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản mới về lĩnh vực chăn nuôi và kiểm soát môi trường trong các trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Phối hợp tham gia Hội đồng đánh giá tác động môi trường của các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và phối hợp kiểm tra, thẩm định Đề án bảo vệ môi trường chi tiết cho các dự án chăn nuôi trên địa bàn. |
Chủ động giải pháp ngăn chặn dịch bệnh Lò Văn Tuất Xóm Khem, xã Đoàn Kết (Đà Bắc) Khi xác định đầu tư phát triển chăn nuôi, gia đình tôi có nhiều lo lắng. Đó là nỗi lo về biến động bất lợi của giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá tiêu thụ sản phẩm xuống thấp. Đặc biệt, dịch bệnh là mối lo lớn nhất, bởi khi xảy ra dịch bệnh sẽ gây thiệt hại rất lớn, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi. Do đó gia đình luôn xác định, để ngăn chặn dịch bệnh, việc đảm bảo vệ sinh chuồng trại là rất quan trọng. Hàng ngày phải dọn dẹp chất thải chăn nuôi, không để chất thải ứ đọng vì sẽ tạo điều kiện để các loại mầm bệnh phát triển gây hại cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, gia đình thực hiện phun tiêu độc, khử trùng định kỳ chuồng trại để tiêu diệt các mầm bệnh. Việc đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi cũng để bảo vệ môi trường xung quanh, bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và xã hội, phòng ngừa các loại dịch bệnh phát sinh, lây lan. Từ đó tránh được những rủi ro do dịch bệnh có thể gây ra cho người chăn nuôi. |
Viết Đào