Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên địa bàn tỉnh đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, kinh doanh phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, các ngành nghề, dịch vụ nông thôn có lợi thế. Khoa học - công nghệ (KH-CN) đã khẳng định vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững sản phẩm OCOP.


Sản phẩm mật ong rừng Hợp Tiến, xã Hợp Tiến (Kim Bôi) được áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong sản xuất và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo nền tảng vững chắc cho sản phẩm trên thị trường. Ảnh: P.V

Nếu như trước đây sản xuất, chế biến các sản phẩm cao dược liệu theo phương thức thủ công, thu nhập của thành viên HTX nông nghiệp Yên Trị, xã Yên Trị (Yên Thủy) chỉ đạt từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng thì khi ứng dụng công nghệ cao đầu tư hệ thống tưới tự động cho vườn dược liệu, hệ thống chế biến, đóng gói sản phẩm hiện đại, khép kín... đã mang lại hiệu quả cao về năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó, góp phần tăng giá trị sản phẩm, nâng mức thu nhập cho thành viên gấp 1,5 - 2 lần so với trước. Ông Bùi Phi Nam, Giám đốc HTX nông nghiệp Yên Trị chia sẻ: Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không chỉ góp phần tăng giá trị sản phẩm mà còn giảm chi phí nhân công, nâng cao năng suất cây trồng. Đơn cử việc đưa công nghệ tưới tự động, tưới nhỏ giọt và bón phân tự động có kiểm soát đảm bảo cho cây dược liệu được cung cấp độ ẩm, chất dinh dưỡng để sinh trưởng, phát triển trong điều kiện lý tưởng khi thời tiết khô hạn, cho năng suất cao, thu nhập có thể đạt từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm.

Hòa Bình hiện có 5 nhóm sản phẩm chủ lực: Gạo chất lượng cao; cam, quýt, bưởi; trâu, bò, dê; cá nuôi lồng; gỗ rừng trồng có chu kỳ sản xuất trên 8 năm. Bên cạnh đó, 5 nhóm sản phẩm đặc thù, có lợi thế là: sản phẩm trồng trọt (mía, ngô, củ các loại); sản phẩm chăn nuôi (bò thịt, dê); sản phẩm thủy sản (cá tầm, lăng, trắm đen…); sản phẩm lâm sản ngoài gỗ (hạt dổi, măng các loại); các sản phẩm nông sản được cấp có thẩm quyền công nhận sản phẩm OCOP. Tính đến nay, toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 2 sản phẩm tiềm năng hạng 5 sao, 32 sản phẩm hạng 4 sao, 124 sản phẩm hạng 3 sao.

Theo khảo sát của các cơ quan chuyên môn, hầu hết các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đều chủ động thực hiện các giải pháp về KH-CN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sở KH&CN đã hỗ trợ nhiều đơn vị, doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ quản lý vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp. Khảo sát, đánh giá nhu cầu ứng dụng tiến bộ KH-CN chủ thể tham gia sản phẩm OCOP để tư vấn, hỗ trợ. Phối hợp các địa phương tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch… góp phần khẳng định tên tuổi, nhãn hiệu của sản phẩm trên thị trường.

Bên cạnh sự chủ động của các đơn vị, doanh nghiệp, tỉnh cũng quan tâm và dành nguồn lực lớn để hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CH với tổng kinh phí trên 124 tỷ đồng. Tỉnh đã triển khai 4 nhiệm vụ cấp quốc gia; 19 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng. Các dự án luôn bám sát nhu cầu của địa phương, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, gắn với phát triển các sản phẩm thế mạnh, nổi bật như: Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình tuyển chọn, nhân giống, trồng và chế biến chè Shan; Ứng dụng tiến bộ KH-CN phát triển nghề nuôi ong mật theo hướng sản xuất hàng hóa; Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp tại tỉnh Hòa Bình…

Đánh giá việc ứng dụng, chuyển giao KH-CN phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực, đặc thù, có lợi thế tại địa phương giai đoạn 2016- 2024, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Công Sứ khẳng định: Thành công rõ nhất của các dự án là tạo được liên kết 4 nhà: nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nhà nông cùng với tạo dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, các dự án góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học - kỹ thuật cho các cơ quan chủ trì, đơn vị thực hiện các dự án, từ đó khẳng định hiệu quả KT-XH thiết thực cho nhân dân và địa phương vùng dự án.

Các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP. Trong đó, Sở NN&PTNT đã tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản, OCOP thông qua các hội nghị, gian hàng trưng bày trực tuyến và hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm trên một số website, sàn thương mại điện tử… Qua đó, giúp các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, lợi thế của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng và tạo nền tảng vững chắc cho các sản phẩm trên thị trường.

Với kết quả đã đạt được, tin tưởng tỉnh sẽ hoàn thành mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh là 40%; phấn đấu mức đầu tư cho KH-CN tăng dần qua các năm và đạt ít nhất 1% tổng chi ngân sách địa phương vào năm 2025; toàn tỉnh có 300 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

 

Minh Vũ

Các tin khác


Ẩn họa từ sạt lở, đá lăn ở xã Yên Hòa

Trên địa bàn xã Yên Hòa (Đà Bắc) xuất hiện một số điểm nguy cơ cao về đá lăn, sạt lở đất, gây lo lắng, bất an cho người dân. Với địa hình đồi núi, dốc cao, hệ thống sông suối dày đặc, tình trạng đá lăn, sạt lở tại địa bàn có thể diễn biến xấu hơn, nhất là trong mùa mưa bão, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Huyện Lạc Thuỷ siết chặt phòng cháy, chữa cháy rừng

Nhằm tăng cường công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trong thời điểm nắng nóng, khô hạn, lực lượng kiểm lâm huyện Lạc Thuỷ và các xã, thị trấn đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng nhằm giảm nguy cơ và không để xảy ra cháy rừng.

Thời tiết ngày 26/5: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 26/5, khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm.

Thời tiết ngày 25/5: Mưa dông ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 25/5, khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40 mm, có nơi trên 80 mm.

Thời tiết ngày 24/5: Bắc Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa dông vào chiều tối

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 24/5, khu vực Bắc Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to, với lượng mưa 15-30 mm, có nơi trên 70 mm (mưa tập trung vào chiều và đêm).

Triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Sáng 23/5, Sở NN&PTNT phối hợp UBND huyện Đà Bắc tổ chức hội nghị với các huyện, thành phố về triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục