Do ảnh hưởng của bão số 2 và mưa lớn, đường xóm Hò, xã Vân Sơn (Tân Lạc) đi xã Thành Sơn (Mai Châu) bị sạt lở. Ảnh chụp ngày 23/7/2024.
Cụ thể, về nhà ở có 6 hộ tại xã Vân Sơn bị ảnh hưởng sạt lở đất taluy dương tràn xuống sân; xã Suối Hoa có 8 hộ xóm Ngòi (1 nhà sàn bán kiên cố bị sụt lún nền nhà, 7 nhà xuất hiện nứt sụt lún đất ở phía trước sân nhà). Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp 46,8ha, chủ yếu diện tích lúa mới cấy bị ngập ở các xã: Vân Sơn, Tử Nê, Ngọc Mỹ. Một số tuyến đường giao thông ở các xã: Vân Sơn, Suối Hoa, Ngọc Mỹ bị sạt lở taluy, cản trở việc lưu thông của các phương tiện; ngầm Lồ - xã Phong Phú, ngầm Tân Tiến - xã Thanh Hối; ngầm Úi - xã Lỗ Sơn, ngầm Bin - xã Tử Nê... bị ngập nước.
Huyện Tân Lạc có 16 xã, thị trấn. Với vị trí địa lý đặc thù nhiều đồi, núi, địa hình phức tạp, hàng năm chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra. Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ sản xuất và tính mạng của người dân, ngay từ đầu năm 2024, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện; rà soát, xây dựng các phương án cụ thể, phân công trách nhiệm cho từng thành viên để chủ động triển khai phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai. Huyện xác định những khu vực trọng điểm cần đặc biệt quan tâm như: khu vực xảy ra lũ lớn, nước dâng cao ven suối: xóm Chiềng, xã Nhân Mỹ; xóm Thỏi Láo, xã Phú Vinh; các thung lũng xã Vân Sơn, Ngổ Luông; khu Tân Hợp, thị trấn Mãn Đức... Lũ ống, lũ quét tại khu vực xóm Lảng, xóm Quặng, xóm Phung - xã Ngọc Mỹ; xóm Thỏi, xóm Đung - xã Phú Vinh và dọc các suối lớn trên địa bàn. Sạt lở đất, đá thường xảy ra trên các tuyến đường giao thông như: dọc các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ 6; vùng có địa chất, địa hình không ổn định như các xã: Vân Sơn, Ngổ Luông, Quyết Chiến, Suối Hoa, Phú Cường, Ngọc Mỹ, Đông Lai... Dông lốc thường xảy ra tại các xã: Quyết Chiến, Phú Cường, Nhân Mỹ, Gia Mô, Lỗ Sơn, Ngọc Mỹ... Trên cơ sở đó huyện đề nghị các địa phương xây dựng phương án cụ thể, sát với tình hình thực tế để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PCTT, đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Đồng chí Đinh Duy Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết: Công tác PCTT của địa phương tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng phương án, chuẩn bị vật tư và thực hiện đúng phương châm "phòng là chính”. Trong đó, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để lập kế hoạch PCTT chi tiết, cụ thể cho từng vùng sản xuất, từng khu vực; phân công nhiệm vụ cụ thể và giám sát các thành viên phụ trách. Vật tư dự phòng phải đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, tập kết sẵn ở những vị trí cần thiết, gần điểm có nguy cơ xảy ra sự cố, khi cần là huy động được ngay. Trước mùa mưa lũ tiến hành sửa chữa những điểm có nguy cơ sạt, trượt; tổ chức phát quang mái đê; vận động nhân dân tham gia kiểm tra, phát hiện các hư hỏng của công trình chống lụt bão để có biện pháp gia cố. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh phương án bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai xảy ra.
Phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong tuyên truyền, vận động người dân vùng nguy cơ ý thức tự phòng tránh thiên tai. Huy động tổng lực các lực lượng phối hợp tham gia khi xảy ra các tình huống thiên tai, cứu nạn, sơ tán dân, khắc phục hậu quả do thiên tai. Bố trí lực lượng phối hợp các địa phương tổ chức chốt chặn những vị trí trên các tuyến giao thông huyết mạch, nguy cơ mất an toàn khi xảy ra thiên tai. Huyện đã có phương án chuẩn bị vật tư, phương tiện, lương thực, thực phẩm, thuốc để phục vụ công tác PCTT, tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, khuyến cáo bà con tăng cường cảnh giác, cập nhật thông tin về thời tiết, thực hiện nghiêm các quy định về PCTT để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, hạn chế thiệt hại khi bão lũ xảy ra.
Đinh Thắng