GS Ngô Bảo Châu nhận bằng giáo sư của VN

GS Ngô Bảo Châu nhận bằng giáo sư của VN

ICM 2010 sẽ trao tặng 4 Huy chương Fields. Ngô Bảo Châu là một ứng viên sáng giá. Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam “điện đàm” với tác giả…

 
Đại hội Hyderabad


Đại hội Quốc tế các nhà toán học (International Congress of Mathematicians viết tắt là ICM) họp từ ngày 19 đến 27-8-2010 tại Hyderabad, thành phố hơn 4 triệu dân, thủ phủ bang Andha Pradesh, nằm trên bán đảo Deccan bên vịnh Bengal, Ấn Độ - một đất nước có nền toán học cổ đại cũng như đương đại phát triển cao.


ICM họp 4 năm một lần, do Hiệp hội Toán học quốc tế (International Mathematical Union viết tắt là IMU) tổ chức. Số nhà toán học các nước đến dự vào khoảng 3.500 người. IMU có 71 quốc gia thành viên. Rất nhiều nước chưa phải là thành viên IMU, bởi vì chưa có đội ngũ nghiên cứu toán học. Chẳng hạn, trong khối ASEAN, thì Myanmar, Lào, Campuchia và Brunei chưa phải là thành viên IMU. Xa hơn, phía Đông-Bắc Á, thì CHDCND Triều Tiên vẫn chưa tham gia IMU, trong khi Hàn Quốc đã là thành viên từ nhiều năm rồi.



Việt Nam ta, nhờ có những nhà toán học tiên phong như Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm hết lòng chăm lo đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nghiên cứu toán học, mở các lớp trung học chuyên toán ngay từ những năm còn chiến tranh ác liệt, cử học sinh đi dự thi các olympic toán quốc tế, cho nên từ lâu nước ta đã là một thành viên tích cực của IMU. Tại nhiều kỳ Đại hội IMU, nhiều nhà toán học Việt Nam đã trình bày báo cáo ở các phân ban.

Huy chương Fields - Giải thưởng Nobel trong toán học

Như nhiều người đã biết, Giải thưởng Nobel (Nobel Prize) về khoa học tự nhiên chỉ trao cho các ngành vật lý, hoá học, sinh học. Không có Giải thường Nobel cho toán học. Điều đó được ghi trong di chúc của Alfred Nobel, và, theo đúng luật pháp, phải được thực hiện.

Toán học, “nữ hoàng của các khoa học”, lại không có Giải thưởng Nobel! Hiển nhiên đó là một điều không công bằng. Đại hội Quốc tế các nhà toán học năm 1924 ở Toronto (Canada) đã nêu lên ý tưởng tặng 2 huy chương vàng, vào mỗi kỳ đại hội, cho các nhà toán học có công trình xuất sắc nhất thế giới dưới 40 tuổi. Nguồn tài trợ đầu tiên là từ GS John Charles Fields, người Canada, Thư ký của Đại hội năm ấy. Về sau, huy chương này mang tên ông: Huy chương Fields (Fields Medal), chứ không gọi là Giải thưởng Fields. Trước sự phát triển ngày càng mạnh của toán học, từ năm 1966, IMU quy định mỗi kỳ đại hội có thể tặng 2 - 4 Huy chương Fields.


GS Ngô Bảo Châu và cô con gái nhỏ.

Đó là một tấm huy chương vàng do nhà điêu khắc R. T. McKenzie người Canada tạo tác. Mặt trước, chạm nổi chân dung Archimedes và dòng chữ Hy Lạp Transire suum pectus mundoque potiri (có nghĩa: Vượt qua hiểu biết của mình để làm chủ cả vũ trụ). Mặt sau, có dòng chữ Latin Congregati ex toto orbe mathematici ob scripta insignia tribuere (có nghĩa: Các nhà toán học khắp thế giới đồng tình trao tặng vì những công trình xuất sắc). Nền mặt sau là phần mộ Archimedes: một hình trụ nội tiếp hình cầu có cùng đường cao và đường kính.

Mỗi Huy chương Fields được kèm theo 15.000 USD. Số tiền không nhiều nhưng vinh dự rất lớn, được coi ngang Giải thưởng Nobel, nếu không muốn nói là có phần còn khó hơn, do hạn chế ngặt nghèo về độ tuổi. Trong tiếng Anh có từ Fields Medallist để chỉ người được tặng Huy chương Fields.

Ủy ban Huy chương Fields lựa chọn những người được tặng huy chương này. Uỷ ban đó được Ban Chấp hành IMU cử ra, và thường do Chủ tịch IMU chủ trì. GS Laszlo Lovasz, người Hungry hiện giữ chức vụ này. Vì vậy, ý kiến của ông rất có trọng lượng.

Trong nhiều bộ từ điển lớn ở trên thế giới, như Larousse (Pháp), ở mấy trang cuối, có in danh sách những người được tặng Giải thưởng Nobel cũng như Huy chương Fields.

Tính từ năm 1936 (năm đầu tiên tặng Huy chương Fields) đến nay, mới có 48 nhà toán học được tặng huy chương này, nhiều nhất là Mỹ, Pháp, Nga, rồi đến Nhật Bản, Anh, CHLB Đức, Italia, Thuỵ Điển, Na Uy, Bỉ, New Zealand. Ở châu Á mới có  3 nhà toán học Nhật Bản được tặng Huy chương Fields. Ngoài ra, có thể kể thêm 2 nhà toán học người Mỹ gốc Hoa cúng được tặng huy chương này là: Shing-Tung Yau (Khâu Thành Đồng) năm 1982, và Terence Chi-Shen Tao (Đào Triết Hiên) năm 2006. Còn các nhà toán học mang quốc tịch CHND Trung Hoa, thì chưa có ai nhận được vinh dự khoa học cao quý ấy; mặc dù có một số người rất nổi tiếng như Shiing-Shen Chern (Trần Tỉnh Thân) nhưng, đáng tiếc, khi đạt tới thành tựu đỉnh cao, thì tuổi đã quá 40!

Hàn Quốc, Singapore, khoa học và công nghệ phát triển hơn nước ta rất nhiều, nhưng vẫn chưa có ai được tặng Giải thưởng Nobel hay Huy chương Fields.

Những căn cứ để gửi gắm niềm tin

Vậy nên, nếu Ngô Bảo Châu được tặng Huy chương Fields vào giữa tháng 8-2010, thì đó sẽ là một sự kiện khoa học có ý nghĩa rất lớn. Sự kiện ấy càng thêm ý nghĩa vì diễn ra chỉ hơn một tháng trước đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.


Ngô Bảo Châu và TS Phan Thị Hà Dương.

Trong những năm 1960, R. Langlands, một nhà toán học Mỹ gốc Canada, và những người cộng tác tại Đại học Princeton (Mỹ) đưa ra một loạt giả thuyết về những mối liên hệ giữa nhiều ngành toán học vốn rất khác nhau, và kêu gọi giới toán học quốc tế hợp tác chứng minh những giả thuyết cấu thành Chương trình Langlands (Langlands Program).

Năm 1987, Langlands và cộng sự lại phỏng đoán về một tương tự tương ứng cho trường hàm trên trường phức, về sau, được gọi là tương ứng Langlands hình học. Để chứng minh được sự tồn tại của tương ứng đó, phải giải quyết một bài toán mà lúc đầu Langlands chưa thấy hết mức độ phức tạp của nó, nên mới gọi là Bổ đề cơ bản (Fundamental Lemma). Thuật ngữ bổ đề (lemma) thường dùng để chỉ một cái gì đó dễ chứng minh, thế nhưng, Bổ đề cơ bản lại gắn liền với một giả thuyết quyết định của Chương trình Langlands; nó khó chứng minh đến mức mấy chục năm qua nhiều nhà toán học hàng đầu lao vào giải quyết nhưng đều... thất bại!

Do đã có kinh nghiệm nghiên cứu thành công Bổ đề Jacquet, Ngô Bảo Châu mạnh dạn bắt tay nghiên cứu Bổ đề cơ bản của Langlands. Sau hai năm, anh đạt được một bước đột phá vào mùa hè 2003, khi trở về Hà Nội thăm nhà. Những tháng tiếp theo, kết hợp với một số kết quả mà G. Laumon đã đạt được trước đó, anh hoàn thành chứng minh Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita (the Fundamental Lemma for unitarian groups).

Chính A. Wiles, nhà toán học lừng danh đã chứng minh được định lý cuối cùng của Fermat, cùng một số nhà toán học hàng đầu khác đã đứng ra tiến cử Ngô Bảo Châu và G. Laumon nhận Giải thưởng Clay năm 2004.

Sau đó, anh còn được tặng Giải thưởng Oberwolfach (Oberwolfach Prize). Đây là giải thưởng toán học 3 năm mới tặng một lần, cho 1 hoặc 2 nhà toán học dưới 36 tuổi có công trình đặc biệt xuất sắc ở châu Âu. Giải thưởng Oberwolfach năm 2007 dành riêng cho một mình Ngô Bảo Châu, do công trình nổi bật dày 188 trang. Nếu năm 2004, cùng G. Laumon, anh mới đưa ra đáp án về Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita; thì giờ đây, anh chứng minh được bổ đề này trong trường hợp tổng quát.

Đọc diễn văn tại buổi lễ trao giải thưởng vào đầu năm 2008, GS Rapoport coi công trình mới của Ngô Bảo Châu là “một thành tựu sáng chói” (a brilliant achievement).

Mấy tháng sau, anh nhận được Giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.

Theo GS Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba, thì công trình của GS Ngô Bảo Châu được giới toán học quốc tế đánh giá thuộc loại công trình “bom tấn”!

Công trình hoàn chỉnh của Ngô Bảo Châu được các nhà toán học nhiều nước kiểm tra kỹ lưỡng và công nhận vào năm 2009. Chính vì vậy, tạp chí Time (Mỹ) mới xếp công trình của anh vào nhóm 10 khám phá khoa học nổi bật trên thế giới trong năm 2009, bên cạnh những khám phá lớn khác như: tìm thấy người Ardi, tổ tiên cổ nhất của loài người sống cách đây 4,4 triệu năm; lập bản đồ chi tiết về bộ gen người; phát hiện nước trên Mặt trăng; Máy gia tốc lớn hadron ở Geneva (Thuỵ Sĩ) tạo năng lượng kỷ luc; bước đầu thực hiện thành công viễn tải lượng tử (teleportation)...

TS Nguyễn Tiến Dũng, Giáo sư Đại học Toulouse (Pháp), một nhà toán học xuất sắc, thời trẻ từng tham gia đội tuyển Việt Nam dự Olympic Toán quốc tế ở Phần Lan và đoạt huy chương vàng khi mới 14 tuổi rưỡi, đã trân trọng viết về GS Ngô Bảo Châu và công trình toán học Bổ đề cơ bản:

Nếu chúng ta có thể tự hào về trống đồng, thì cũng có thể tự hào về một người Việt Nam đạt được thành tựu toán học nổi tiếng thế giới như GS  Ngô Bảo Châu.”

Tối thứ bảy 14/8/2010 vừa rồi, tác giả bài báo này đã có cuộc “điện đàm” với GS, TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, trước khi ông lên đường sang Ấn Độ dự Đại hội Quốc tế các nhà toán học. GS Hoa cho biết từ lâu GS Hoàng Tuỵ, GS Ngô Việt Trung cũng như ông đều đánh giá rất cao thành tựu nghiên cứu của GS Ngô Bảo Châu và dự đoán thế nào anh Châu cũng được tặng Huy chương Fields. Nhưng, dù sao, chúng ta cũng nên kiên nhẫn chờ đợi thêm vài ba ngày nữa. Chiều 19/8/2010, ngay trong phiên khai mạc Đại hội Quốc tế các nhà toán học, Ban Tổ chức sẽ chính thức công bố danh sách 4 nhà toán học tuổi dưới 40 được tặng Huy chương Fields năm nay. Hãy kiên nhẫn chờ đợi dù là hết sức nóng lòng!...

Tác giả bài báo cũng đã gọi điện đến nhà GS, TSKH Ngô Huy Cẩn và PGS, TS Trần Lưu Vân Hiền, cha và mẹ của nhà toán học Ngô Bảo Châu, để thăm dò thông tin mới nhất, thì được biết cả hai ông bà đều đang có mặt tại Ấn Độ cùng người con trai thân yêu duy nhất của mình…
 
 
                                                                                          Theo ND

Các tin khác


Đêm 19/5, Đông Bắc Bộ có mưa to đến rất to

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều và đêm 19/5, khu vực phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-70mm, có nơi trên 150mm.

Thời tiết ngày 18/5: Cả nước có mưa dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 18/5, ở Bắc Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 80mm.

Phát triển cây xanh đô thị, tạo không gian sống cho cư dân cho thành phố Hòa Bình

Dịp tháng 5, không chỉ cư dân thành phố Hòa Bình mà bất cứ du khách nào khi đến đây đều thấy sắc màu, vẻ đẹp lãng mạn của những cây bằng lăng, hoa phượng, hoa điệp vàng và nhiều loại hoa được trồng tại các tuyến phố, khu cân cư. Những con đường, tuyến phố đẹp, ngập tràn sắc hoa đem lại cảm giác bình yên, lắng đọng của một thành phố đang đổi mới, đáng sống.

Thời tiết ngày 17/5: Tây Nguyên, Nam Bộ mưa to, Bắc Bộ giảm mưa

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 17/5, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to, với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Thời tiết ngày 16/5: Mưa dông nhiều nơi trên cả nước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 16/5, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50 mm, có nơi trên 80 mm; ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm.

Chủ động phòng tránh mưa dông, mưa lớn từ đêm 15/5 - 16/5

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình vừa ban hành công văn gửi các thành viên và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các huyện, thành phố về việc ứng phó với mưa lớn kèm dông, lốc, sét, mưa đá và gió mạnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục