Công nhân khai thác đá không đeo dây an toàn tại khu vực khai thác đá xã Tân Vinh (Lương Sơn).
(HBĐT) - Năm 2009, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ tai nạn lao động làm 3 người chết, năm 2010 xảy ra 5 vụ làm 8 người chết. Số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đang có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và số người chết. Đâu là nguyên nhân và giải pháp cho thực tế đáng báo động này?
Nhìn lại những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong năm 2010
Ngày 22/7, vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đầu tiên của năm 2010 xảy ra tại Công ty TNHH Trung Dũng (Cao Phong) thuộc lĩnh vực khai thác khoáng sản làm 1 công nhân khai thác đá thiệt mạng. Chỉ hai ngày sau, ngày 24/7, tại Công ty khai thác đá và xây dựng Xuân Hoà (xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn) xảy ra một vụ lở đá làm chết 2 công nhân.
Tiếp đến, ngày 1/9, tại Công ty liên doanh chế biến nông - lâm sản xuất khẩu (phường Hữu Nghị, thành phố Hoà Bình), 1 công nhân bị ngã và thiệt mạng trong quá trình bốc dỡ sản phẩm. Nghiêm trọng hơn cả là vụ nổ khí mêtan tại Công ty cổ phần khoáng sản Kim Bôi (xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi) ngày 6/9 làm 2 người chết. Gần đây nhất, ngày 3/12/2010, tại Công ty CP Minh Hoàng (thị trấn Lương Sơn), 1 công nhân thiệt mạng đang khai thác đá.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lương Bá Khiêm, Chánh thanh tra Sở LĐ -TB&XH cho biết: Theo quy định, nếu người lao động thiệt mạng trong quá trình lao động do lỗi của người lao động, chủ doanh nghiệp trợ cấp 12 tháng lương (theo mức lương đang hưởng) và được hưởng chế độ tuất của BHXH (nếu tham gia BHXH). Nếu người lao động thiệt mạng do lỗi của người sử dụng lao động hoặc lỗi hỗn hợp, được chủ doanh nghiệp bồi thường tối thiểu 30 tháng lương (theo mức lương đang hưởng) và được hưởng chế độ tuất của BHXH (nếu tham gia BHXH). Với các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trong năm 2010 trên địa bàn tỉnh ta, các chủ doanh nghiệp đều đã tiến hành trợ cấp, bồi thường cho gia đình nạn nhân theo đúng quy định. Qua tìm hiểu được biết, 8 nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tai nạn lao động trong năm qua đều ở lứa tuổi từ 20-40, đã có 1-2 con. Vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên chấp nhận làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm để kiếm tiền nuôi vợ con. Họ là lao động chính, trụ cột của gia đình. Do đó, khi người lao động thiệt mạng, khoản tiền trợ cấp, bồi thường chỉ như muối bỏ bể, giải quyết tạm thời khó khăn về kinh tế. Mọi gánh nặng dồn lên đôi vai người vợ và đã có những đứa trẻ đứng trước nguy cơ thất học do mất cha. Thực tế trên cho thấy, hậu quả tai nạn lao động để lại cho xã hội là không hề nhỏ. Ngoài ra, với tình trạng tai nạn lao động nghiêm trọng gia tăng cả về số vụ, số người chết như hiện nay, đã đến lúc cần nghiêm túc chỉ ra nguyên nhân mỗi vụ việc, trách nhiệm những bên liên quan để từ đó kịp thời chấn chỉnh công tác an toàn lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề an toàn lao động
Điểm lại các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh trong năm qua có thể thấy, sai sót thuộc về cả người sử dụng lao động và người lao động. Vụ tai nạn lao động ở Công ty TNHH Trung Dũng và Công ty CP Minh Hoàng đều do lỗi người lao động khai thác đá nhưng không đeo dây an toàn, thiệt mạng do ngã từ trên vách núi cao xuống đất. Vụ tai nạn lao động nổ khí mêtan tại mỏ than xã Cuối Hạ (Kim Bôi) được xác định do chủ doanh nghiệp chưa đầu tư trang bị và bảo dưỡng các loại máy kiểm soát khí cháy nổ, khí ngạt trong hầm mỏ nên không phát hiện kịp thời việc rò rỉ khí mêtan. Thêm vào đó, tại khu vực mỏ than này còn phổ biến tình trạng người lao động hút thuốc lá, mang theo bật lửa trong khi làm việc cũng được xác định là nguyên nhân gây cháy, nổ. Vụ đá lở gây thiệt mạng 2 công nhân tại Công ty CP khai thác đá và xây dựng Xuân Hoà, nguyên nhân là do ảnh hưởng của quá trình khai thác đá. Ngoài ra, ở đây còn cần nói đến trình độ, trách nhiệm của giám đốc điều hành mỏ và chỉ huy nổ mìn khi chưa tính toán hết những tác động do các đợt nổ mìn khai thác đá gây ra để khoanh vùng khu vực nguy hiểm cảnh báo công nhân đề phòng.
Tuy nhiên, qua các kết luận của thanh tra Sở LĐ -TB&XH về những vụ việc này thấy nổi lên một nguyên nhân là tất cả các doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động đều không có cán bộ làm công tác an toàn lao động. Điều đáng nói, đây lại là tình trạng chung, phổ biến ở tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo quy định tại Bộ luật Lao động các doanh nghiệp có sử dụng từ 150 lao động trở lên phải có cán bộ làm công tác an toàn lao động riêng. Còn với các doanh nghiệp sử dụng dưới 150 lao động phải có cán bộ kiêm nhiệm làm công tác lao động, có trình độ chuyên môn về an toàn lao động.
Thêm vào đó, vấn đề trình độ chuyên môn của các giám đốc điều hành mỏ và chỉ huy nổ mìn trên địa bàn tỉnh ta cũng cần được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc. Để được cấp phép khai thác và hoạt động, tất cả các công ty khai thác khoáng sản đều phải bổ nhiệm 1 giám đốc điều hành mỏ, 1 chỉ huy nổ mìn. Đây là những người yêu cầu phải qua đào tạo về nghề mỏ, có trình độ chuyên môn để chỉ huy việc nổ mìn khai thác đá. Tuy nhiên, theo kết quả thanh tra, kiểm tra của Sở LĐ -TB&XH, thực tế là đa số giám đốc điều hành mỏ, chỉ huy nổ mìn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đều không có trình độ chuyên môn theo đúng yêu cầu.
Cũng về yếu tố con người có một vấn đề đặt ra là lực lượng thanh tra của Sở LĐ -TB&XH hiện nay quá mỏng so với khối lượng công việc. Đồng chí Lương Bá Khiêm trăn trở: Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 1.750 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 150 doanh nghiệp khai thác khoáng sản có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nhưng hiện nay, thanh tra Sở chỉ có 4 cán bộ nên mỗi năm chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra được khoảng 50 doanh nghiệp. Khi số doanh nghiệp gia tăng nhanh chóng qua các năm, việc tăng cường lực lượng thanh tra an toàn lao động là một đòi hỏi cần thiết.
Những vụ việc đau lòng xảy ra cho thấy đã đến lúc các cơ quan chức năng, ban, ngành liên quan cần siết chặt hơn quản lý, cấp phép cũng như thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, huấn luyện để nâng cao ý thức cho người lao động, chủ sử dụng lao động cũng cần được tăng cường hơn nữa.
Dương Liễu
Có quá nhiều hệ điều hành cho máy tính bảng làm cho người tiêu dùng khó lựa chọn sản phẩm ưng ý, bởi vậy chiếc Evolve III Maestro đã ra đời cho phép cài đặt 3 hệ điều hành trên một thiết bị.
(HBĐT) - Trong 3 năm (2007 - 2009), trên địa bàn huyện Tân Lạc đã xảy ra 5 vụ cháy rừng, chủ yếu là cháy rừng trồng do người dân đốt dọn nương để cháy lan. Khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ để dập tắt. Trước thực trạng công tác PCCCR còn hạn chế, ý thức về PCCCR của người dân chưa cao, lực lượng kiểm lâm địa bàn huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức nhân dân. Nhờ đó, góp phần khống chế nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Là một trong những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng do bão, những năm qua thành phố Hải Phòng luôn quan tâm đến công tác trồng rừng ngập mặn để giảm thiểu những tác hại do thiên tai gây ra. Việc trồng rừng ngập mặn ở Hải Phòng không chỉ góp phần tích cực phòng ngừa thảm họa mà còn có tác dụng trong việc cải thiện môi trường sinh thái và xóa đói giảm nghèo.
Viết dự án bằng tay dài 20 trang, ý tưởng về hệ thống quản lý tiết kiệm thông minh... là những bài thi đặc biệt mà "Ý tưởng xanh 2010" nhận được.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Miễn dịch Tự nhiên ngày 16/1 cho thấy các nhà khoa học vừa phát hiện một loại protein hoạt động như một “công tắc điều khiển,” quyết định liệu các tế bào bạch cầu sẽ làm tăng cường hay kiềm chế chứng viêm.
FileWing là công cụ hữu ích trong trường hợp cần khôi phục file bị xóa nhầm, hoặc để xóa file một cách triệt để mà không sợ người khác khôi phục và sử dụng về sau.