Ngày 1/8, Thủy điện Hòa Bình tiến hành xả lũ để cắt lũ trên hồ Hòa Bình.

Ngày 1/8, Thủy điện Hòa Bình tiến hành xả lũ để cắt lũ trên hồ Hòa Bình.

(HBĐT) - Hiện nay đã bước vào cao điểm mùa mưa lũ. Mới đây, lần đầu tiên sau ba năm liên tiếp, lũ hồ Hòa Bình đã xuất hiện trở lại. Lưu lượng lũ về hồ đạt trên 5.000 m3/s, cao trình mực nước có thời điểm đạt 105m, thủy điện Hòa Bình phải tiến hành xả lũ để đảm bảo cắt lũ. Thực tế đòi hỏi ngành chức năng cấp thiết chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ chứa, đê, đập xung yếu trên địa bàn, nhằm chủ động kiểm soát mức độ thiệt hại do mưa, lũ, bão gây ra.

 

Toàn tỉnh hiện có trên 1.700 công trình thủy lợi, gồm 521 công trình hồ chứa, 643 bai đập kiên cố, 51 trạm bơm tưới và 490 công trình tạm. Ngoài ra, có 3.076 km kênh mương tưới, hệ thống công trình đê bao chống lũ có 7 tuyến đê chính với tổng chiều dài 30,54 km. Xác định mùa mưa lũ năm nay diễn biến phức tạp khó lường, ngay từ trung tuần tháng 4, Sở NN&PTNT đã tổ chức đi kiểm tra tiến độ thi công của các công trình hồ chứa đang được sửa chữa, nâng cấp và một số công trình trọng điểm, kiểm tra việc lập phương án đảm bảo an toàn cho công trình đang thi công và các công trình có nguy cơ mất an toàn. Đối với các công trình hồ chứa bị hư hỏng đang được thi công sửa chữa, Sở NN&PTNT sau khi tiến hành kiểm tra đã đề nghị chủ đầu tư gấp rút xây dựng phương án thi công đảm bảo tiến độ, an toàn và có biện pháp quản lý tốt chất lượng thi công.

 

Mới đây, theo công văn của Bộ NN&PTNT về việc thông báo các vị trí đê, kè, cống trọng điểm xung yếu năm 2012, trên địa bàn tỉnh có đê Đà Giang và đê Quỳnh Lâm được xác định là khu vực trọng điểm xung yếu cần được bảo vệ trong cao điểm mùa mưa lũ. Với chủ trương sẵn sàng hộ đê, chống lụt, Sở NN&PTNT đã xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các vị trí đê, kè, cống trọng điểm xung yếu. Cụ thể là khu vực đoạn đê kết hợp làm đường giao thông từ K4+000 đến K4+427 đê Quỳnh Lâm và đoạn nối với đê Đà Giang tại vị trí cắt ngang quốc lộ 6; cống tiêu số 3, đê Quỳnh Lâm, vị trí tại K2+100 trên tuyến đê Quỳnh Lâm.  

 

Ông Trần Kim Phàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Mùa mưa lũ năm nay diễn biến gay gắt ngay từ đầu tháng 5, với sự xuất hiện của những cơn mưa to kéo dài gây lốc xoáy, lũ tiểu mãn và ngập úng cục bộ. Sau đó là sự xuất hiện của lũ trên hồ Hòa Bình sau ba năm liên tiếp không có lũ. Thực tế đang đòi hỏi ngành chức năng, các địa phương, đơn vị phải sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với mưa, lũ, bão.

 

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, lượng mưa đo được riêng trong tháng 5/2012 đã bằng xấp xỉ 30% tổng lượng mưa hàng năm. Lốc xoáy và mưa giông đã gây thiệt hại không nhỏ cho các huyện có địa hình cao như Đà Bắc, Mai Châu. Cụ thể, làm 1 nhà bị sập hoàn toàn, 134 nhà bị tốc mái, hơn 1.470 ha lúa và 3.610 ha hoa màu bị thiệt hại, diện tích rừng trồng và rừng khoanh nuôi bị ảnh hưởng là 30,5 ha. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ sạt lở đất, đá khối lượng lớn tại xã Đồng Bảng (Mai Châu) làm 2 người thiệt mạng. Trước mức độ gay gắt của mưa bão, ngành chức năng khuyến cáo các địa phương, đơn vị, người dân tuyệt đối không được chủ quan, khinh suất.

 

Ngay từ đầu tháng 4, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về công tác phòng chống lũ bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012. Theo đó, đôn đốc các địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện công tác trên với tư tưởng chỉ đạo: chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả. Đến nay, các địa phương, đơn vị đều đã kiện toàn Ban chỉ huy PCLB&TKCN, hoàn tất kế hoạch và sẵn sàng triển khai các phương án dự phòng./.

 

 

                                                                          Thu Trang

 

Các tin khác


Chủ động phòng tránh mưa dông, mưa lớn từ đêm 15/5 - 16/5

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình vừa ban hành công văn gửi các thành viên và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các huyện, thành phố về việc ứng phó với mưa lớn kèm dông, lốc, sét, mưa đá và gió mạnh.

Huyện Lạc Thủy thực hiện đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn huyện Lạc Thủy đạt kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin, cung cấp số liệu, dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức và người dân.

Huy động hơn 17 nghìn ngày công làm thủy lợi

Để tăng cường phòng, chống hạn và thực hiện chiến dịch toàn dân làm thuỷ lợi nội đồng đợt I/2024 trên địa bàn toàn huyện, UBND huyện Lạc Thủy đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức phát động chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đợt I/2024; triển khai đến thôn, xóm, khu dân cư; tổ chức phát dọn mái đập, huy động nhân dân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đắp bờ vùng, bờ thửa; duy tu, bảo dưỡng các công trình trạm bơm điện, trạm bơm dầu, phục vụ chống hạn và đảm bảo tưới vụ Đông Xuân 2024.

Nhiều khu vực xuất hiện mưa dông, có nơi mưa rất to

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều tối 15/5 đến ngày 16/5, khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 120mm.

Thúc đẩy số hóa ngành Nông nghiệp

Chiều 14/5, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề "Thúc đẩy số hóa ngành Nông nghiệp”. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và phát biểu chỉ đạo. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục