Từ cuối năm 2012 đến nay, Công an huyện Đà Bắc đã thu giữ được 47 bộ kích điện đánh cá.
(HBĐT) - Cái chết của anh Bùi Văn Anh, sinh năm 1987, trú tại xóm Săng Trệch, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) vừa qua vì bị điện giật trong quá trình dùng xung kích điện đánh cá đã khiến hàng trăm hộ dân đang lén lút dùng xung kích điện đánh cá phải giật mình. Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, lúc cao điểm vào các dịp cuối năm, khu vực lòng hồ Hoà Bình có đến khoảng 200 bộ kích điện hoạt động đánh cá trái phép. Trước sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng huyện Đà Bắc, hiện nay, tình hình này đã phần nào lắng dịu; tuy nhiên, hàng trăm bộ kích điện vẫn còn được người dân cất giấu và lén lút sử dụng.
Đánh bắt kiểu huỷ diệt
Tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện tiềm ẩn nguy cơ gây chết người do điện giật, đặc biệt là làm cạn kiệt trữ lượng thuỷ sản cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi thuỷ sản của nhân dân.
“Những người đánh cá bằng kích điện thường dùng thuyền nhỏ, hoạt động lén lút. Họ thường kích lao đánh cá rất gần khu vực lồng nuôi cá, vì vậy, cá trong lồng nuôi cũng bị ảnh hưởng, chậm lớn, thậm chí có hộ gia đình đã bị chết trắng cả một lồng cá, ảnh hưởng lớn đến kinh tế của bà con. Người dân đã thực hiện nhiều biện pháp canh gác, bảo vệ nhưng vẫn không ngăn chặn được. Do đó, trước đây, riêng xóm Phủ, xã Toàn Sơn có khoảng 15 lồng nuôi cá nhưng nay chỉ còn 5 lồng nuôi cầm chừng và các hộ nuôi phải canh gác cẩn thận. Nhân dân xóm Phủ, xã Toàn Sơn, nhất là những hộ nuôi cá lồng rất bức xúc trước tình trạng này” - ông Đặng Thái Sơn, Chủ tịch UBND xã Toàn Sơn cho biết. ông Sơn cũng cho biết thêm, việc nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nếu tình trạng sử dụng xung kích điện đánh cá trên lòng hồ Hoà Bình được xử lý dứt điểm, nhiều hộ dân sẽ quay trở lại nghề nuôi cá.
Bắt đầu xuất hiện trên lòng hồ Hoà Bình từ năm 2005, kích điện đã dần thay thế cho chài, lưới, đó tôm... trong việc đánh bắt thuỷ sản vì hiệu quả vượt trội. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc dùng kích điện đánh cá gây khả năng huỷ diệt lớn. Loại kích điện được sử dụng phổ biến trên lòng hồ Hoà Bình là loại kích lao có công suất trung bình và công suất lớn. Với mức đầu tư trên dưới 10 triệu đồng là đã có thể sắm được một bộ kích điện đánh cá có công suất trung bình. Kích nhỏ công suất cũng lên đến 400 vol, loại kích lớn phải dùng đến máy nổ cấp điện công suất lên tới 3.200 vol. Luồng điện cực mạnh phóng ra từ đầu kích lao có thể làm chết từ cá to hàng chục kg đến cả trứng, ấu trùng hay vi khuẩn có lợi trong nước trong phạm vi từ 8 - 10m. Cá, tôm bị dính điện, chết lịm, lúc này chỉ cần dùng vợt là có thể vớt được.
Đáng lưu ý, ngoài việc huỷ diệt cá tự nhiên, sử dụng kích điện đánh cá cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Hoà Bình. Xung quanh các lồng cá nuôi là khu vực thường có nhiều cá tự nhiên nên đây là vị trí “béo bở” để kích lao đánh cá. Vì sức huỷ diệt kinh khủng của các loại kích lao có công suất lớn nên không chỉ cá tự nhiên chết mà cá trong lồng cũng ngắc ngoải theo. Cá nuôi chậm lớn, thậm chí chết, gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế cho các hộ dân nuôi cá lồng trên lòng hồ Hoà Bình. Tuy nhiên, việc dùng kích điện đánh cá thường diễn ra lén lút vào ban đêm nên các hộ dân nuôi cá lồng rất khó phát hiện, canh gác; càng không thể bắt quả tang, xử lý. Với trữ lượng thuỷ sản phong phú của lòng hồ Hoà Bình, một đêm đi xung điện kích lao đánh được hàng tạ cá là chuyện bình thường. Hiệu quả kinh tế cao nên bất chấp sự nguy hiểm tính mạng của chính bản thân người dùng, bất chấp sự cạn kiệt nguồn thuỷ sản thì người dân ven hồ Hoà Bình vẫn đua nhau sắm xung điện và lén lút đánh cá.
Cần sự vào cuộc quyết liệt, toàn diện
Theo số liệu khảo sát của Công an huyện Đà Bắc, chỉ riêng trên địa bàn 3 xã Hiền Lương, Tiền Phong, Vầy Nưa đã có khoảng 120 bộ kích điện các loại. Ngoài ra còn có ngư dân của xã Thái Thịnh (TPHB) và các tỉnh lân cận cũng tham gia đánh bắt cá bằng xung điện tại khu vực này.
Trao đổi với chúng tôi, đại tá Xa Kỳ Mai, Trưởng Công an huyện Đà Bắc cho biết: Trước tình hình đánh bắt cá bằng xung điện diễn ra như vậy, Công an huyện Đà Bắc đã quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp vận động, thu hồi máy xung điện trong nhân dân. Từ tháng 8/2012 đến nay, trong quá trình vận động, nhân dân tại 2 xã là Tiền Phong và Vầy Nưa đã tự giác giao nộp được 33 bộ máy xung điện các loại. Tiếp tục nắm tình hình phát hiện vẫn còn đối tượng lén lút sử dụng xung điện để đánh bắt cá nên lực lượng công an huyện đã tiến hành kiểm tra, bắt quả tang và thu giữ thêm 14 bộ máy xung điện; trong đó có 2 bộ xung điện là loại kích lao có công suất lớn, tầm ảnh hưởng rộng. Kết quả này đã góp phần đáng kể vào việc giảm tình trạng dùng xung điện đánh cá trên hồ Hoà Bình.
Đồng chí Trưởng Công an huyện cũng đã cho biết thêm: Tiếp tục vận động, thu giữ máy xung điện, lực lượng công an đã tiến hành việc khảo sát kỹ lưỡng số máy xung điện còn trong dân. Đồng thời, tổ chức cho từng hộ gia đình ký cam kết không sử dụng kích điện để đánh cá. Ngoài ra, lực lượng công an các xã đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền giao cho các đảng viên nhiệm vụ tuyên truyền mạnh mẽ, thường xuyên đến nhân dân, người thân trong gia đình việc không được dùng kích điện đánh cá.
Theo khảo sát, hiện nay trong dân vẫn còn lén lút cất giấu khoảng gần 100 bộ kích điện. Thực tế đã cho thấy, tuy đã có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an Đà Bắc nhưng việc xử lý tình trạng dùng kích điện đánh cá trên lòng hồ Hoà Bình vẫn đang như “bắt cóc bỏ đĩa” và chưa được giải quyết triệt để bởi vì khi Công an Đà Bắc tiến hành phục bắt thì các đối tượng đánh bắt trái phép lại dạt sang hoạt động phía huyện khác hoặc nhiều đối tượng ở địa bàn khác đến đánh bắt tại khu vực ven hồ của huyện Đà Bắc dẫn đến công tác quản lý, nắm tình hình, vận động thu giữ rất khó khăn. Bên cạnh đó, trong khi tàu, thuyền của các đối tượng đánh bắt trái phép ngày càng hiện đại, có công suất lớn, lực lượng Công an Đà Bắc hiện đang không có phương tiện để phục vụ cho hoạt động trên đường thủy. Chế tài xử phạt đối với các hành vi này cũng mới chỉ dừng lại là xử phạt hành chính mức trên 2 triệu đồng nên tính răn đe chưa cao, chưa đủ sức nặng.
Do đó, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an Đà Bắc thì cần sự vào cuộc toàn diện, phối hợp chặt chẽ của các địa phương, cấp, ngành liên quan. Hiện nay, nhân dân các xã ven hồ có cuộc sống cơ bản dựa vào nguồn lợi thuỷ sản trên hồ và việc chăm sóc, bảo vệ rừng; ngoài ra không có nguồn thu nào khác. Vì vậy, tạo điều kiện về vốn, việc làm để người dân ven hồ có thu nhập, đảm bảo cuộc sống thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề.
Dương Liễu
(HBĐT) - Sáng 6/4, BCĐ phòng chống lụt bão T.Ư tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác PCLB&TKCN năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013; Sơ kết 5 năm thực hiện chiến lược Quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai năm 2020. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và Phó Tổng tham mưu Trưởng QĐND Việt Nam Trần Quang Khuê đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị, tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh.
(HBĐT) - Hai công trình nước sinh hoạt Đình - Rò - Sàm và Hạ - Tân - Phú Vượng (xã Phú Lai - Yên Thủy) hoàn thành và bàn giao cuối tháng 1/2009. Nhưng hơn 4 năm qua, trên 600 hộ dân ở 6 xóm cùng giáo viên, HS trường tiểu học, THCS Phú Lai chưa một lần được hưởng nguồn nước trong lành, mát mẻ như dự kiến ban đầu. Chính vì cả 2 công trình đều không phát huy hiệu quả nên chính quyền xã Phú Lai và các xóm lại phải chịu thêm một gánh nặng là bảo vệ các hạng mục, thiết bị của công trình còn người dân thì thất vọng và bức xúc.
(HBĐT) - Tình trạng hạn hán đang trong nguy cơ diễn biến trên diện rộng khiến sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong thời kỳ gặp khó khăn. Theo thống kê đến ngày 5/4, diện tích lúa bị hạn đã lên tới gần 3.000 ha. Riêng với cây màu, chưa có con số thống kê chính thức.
(HBĐT) - Vào khoảng 18 giờ ngày 5/4 đã xảy ra cháy tại gia đình ông Thu ở số nhà 113, đường Điện Biên Phủ, tổ 14, phường Phương Lâm, TP Hòa Bình.
(HBĐT) - Trong tuần 4 tháng thanh niên, hoạt động tình nguyện tiếp tục được các cấp bộ đoàn triển khai sôi nổi trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung vào chủ đề “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra.
(HBĐT) - UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 307/QĐ-UBND ngày 20/3/2013 về việc điều chỉnh và phân bổ kế hoạch vốn chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững năm 2013.