Vòi đồng được lắp đặt ở các trụ nước đều đã bị tháo trộm.
(HBĐT) - Hai công trình nước sinh hoạt Đình - Rò - Sàm và Hạ - Tân - Phú Vượng (xã Phú Lai - Yên Thủy) hoàn thành và bàn giao cuối tháng 1/2009. Nhưng hơn 4 năm qua, trên 600 hộ dân ở 6 xóm cùng giáo viên, HS trường tiểu học, THCS Phú Lai chưa một lần được hưởng nguồn nước trong lành, mát mẻ như dự kiến ban đầu. Chính vì cả 2 công trình đều không phát huy hiệu quả nên chính quyền xã Phú Lai và các xóm lại phải chịu thêm một gánh nặng là bảo vệ các hạng mục, thiết bị của công trình còn người dân thì thất vọng và bức xúc.
Giờ đây, ngoài những thứ chôn chìm dưới đất vẫn khá nguyên vẹn, các thiết bị nổi trên mặt đất nếu “không cánh mà bay” cũng chỉ có 1 cách duy nhất là tháo dỡ đưa về kho của UBND xã mới đảm bảo an toàn. Đó là thực trạng của 2 công trình nước sinh hoạt ở Phú Lai được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn chính sách hỗ trợ nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (Chương trình 134) với tổng mức đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng/công trình.
Chủ tịch UBND xã Phú Lai Bùi Văn Tú cho biết: Khoảng tháng 10/2008, hai công trình được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, không hiểu tư duy thế nào mà chủ đầu tư lại xây dựng công trình theo kiểu cung cấp nước thời bao cấp. Nghĩa là xây dựng hàng chục trụ vòi để cung cấp nước cho các nhóm hộ. Để công trình hoạt động được phải bơm nước lên bể trung gian, bể lọc rồi mới cấp về các trụ vòi. Dù các trụ vòi đều được lắp đặt đồng hồ nhưng không thể biết khối lượng từng hộ sử dụng là bao nhiêu để tính tiền điện. Bên cạnh đó, quá trình khảo sát tính toán không chính xác nên mạch nguồn ở Hang Củng không đủ nước để hàng ngày bơm lên bể đầu nguồn công trình Đình - Rò - Sàm. Vì vậy, sau khi nhận bàn giao không có tổ chức hay cá nhân nào trong xã dám đảm nhận việc quản lý, vận hành công trình. Trước thực trạng đó, các xóm và UBND đã báo cáo bằng văn bản lên phòng Dân tộc và UBND huyện, kiến nghị HĐND các cấp qua các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời rõ ràng, dứt điểm.
Đưa chúng tôi xuống công trình cấp nước Hạ-Tân- Phú Vượng, Phó Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng CA xã Bùi Đình Cán cho biết: Sau khi nhận bàn giao, mặc dù các hộ dân chưa được sử dụng nước ở 2 công trình này lần nào nhưng chúng tôi vẫn có trách nhiệm bảo vệ. Tuy nhiên, từ hạng mục đầu mối đến xóm rất xa, công trình có nhiều loại thiết bị như van, máy bơm, vòi, đồng hồ, dây và công tơ điện, đường ống kẽm, nhựa... rất khó quản lý. Thời gian vừa qua, kẻ gian đã tháo trộm môtơ ở công trình Đình - Rò - Sàm và một số đoạn đường ống dẫn nước bằng kẽm cùng khoảng 10 m cáp điện. Tất cả vòi đồng ở các trụ nước cũng đã bị tháo hết. Không có tổ chức hay cá nhân nào quản lý, tuần tra thì không xuể. “Của đau, con xót”, chúng tôi đành đề xuất với UBND xã cho tháo dỡ hệ thống dây tải điện, môtơ, ống kẽm cất vào kho của UBND xã cho đảm bảo an toàn các thiết bị của công trình.
Trước thực trạng được đầu tư công trình nhưng không một ngày được hưởng lợi, vẫn phải sử dụng nước từ khe đồi, giếng khoan, giếng đào, ông Bùi Văn Quyết, Trưởng xóm Rò kiến nghị: Xóm có trên 80 hộ, hàng năm vào mùa khô đều thiếu nước nghiêm trọng. Lo ngại hơn là giếng nước ở các xóm Tân, Vượng bị nhiễm asen khá nặng. Người dân biết là ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng vẫn phải sử dụng. Hy vọng công trình mới sẽ cải thiện đời sống nhưng thật đáng buồn khi công trình được đầu tư tiền tỷ mà kết quả cuối cùng chỉ là con số không. Lãng phí tiền của Nhà nước nhưng không hiểu tại sao không có ai phải chịu trách nhiệm?...
Công trình đã hoàn thành và bàn giao, kinh phí đầu tư đã được quyết toán nhưng hàng trăm hộ dân ở Phú Lai vẫn khắc khoải trong cơ khát. Trách nhiệm này thuộc về ai? Xin nhường câu trả lời cho các ngành, cấp hữu quan.
Đức Phượng
(HBĐT) - Ngay từ đầu năm, Hội Nông dân huyện Lương Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình hành động và phát triển kinh tế đến cán bộ, hội viên nông dân trong toàn huyện. Hội cũng đã đề ra nhiều giải pháp tích cực nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích và tạo điều kiện để hội viên phát triển kinh tế theo hướng xây dựng mô hình trang trại, nhóm hộ.
(HBĐT) - Ngày 3/4, Huyện ủy Cao Phong đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 11 - CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (Khoá X) về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
(HBĐT) - Thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2013 và hưởng ứng Tết trồng cây xuân Quý Tỵ, trong 3 tháng đầu năm nay, các xã, thị trấn huyện Lương Sơn đã trồng được trên 29.700 cây phân tán các loại. Đồng thời, đã tiến hành gieo ươm 150 vạn cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng.
(HBĐT) - Từ đầu tháng 2 đến nay, hơn 100 hộ dân ở 2 xóm Sáng Mới và Đồi Mu, xã Đú Sáng (Kim Bôi) đã lâm vào tình cảnh khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt. Các bể chứa nước hầu như đã khô kiệt, các hộ gia đình chắt chiu từng xô, từng chậu nước cho việc ăn, uống, đánh răng, rửa mặt. Trong khi thu nhập bình quân mới chỉ đạt 8,5 triệu đồng/người/năm, để có tiền mua nước phục vụ ăn, uống, sinh hoạt hàng ngày với người dân ở đây quả là quá xa xỉ.
(HBĐT) - Xác định cơ giới hóa trong SXNN có ý nghĩa quyết định đến việc bảo đảm thời vụ và tăng hệ số sử dụng ruộng đất, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích đất canh tác, HND huyện Yên Thủy đã chỉ đạo HND các xã, thị trấn chủ động tham mưu cho các ban, ngành chức năng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ SX; quy hoạch vùng SX tập trung, hệ thống giao thông nội đồng...
(HBĐT) - Chiều 28/3, Sở VH–TT&DL đã phối hợp với trường Đại học PCCC – Bộ Công an, phòng Cảnh sát PCCC – Công an tỉnh tổ chức tập huấn an toàn phòng cháy chữa cháy cho toàn thể CBCC – VC trong đơn vị nhằm trang bị những kỹ năng cần thiết, đồng thời nâng cao ý thức đối với công tác PCCC.