Khu vực hầm lò và nơi ở của người lao động làm việc cho Công ty CP Khoáng sản Kim Bôi tại xóm Vọ, xã Cuối Hạ (Kim Bôi) thô sơ, tạm bợ.
(HBĐT) - Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm đến hết tháng 10, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), trong đó, 8 vụ có người chết. Đó là chưa kể có thể có những vụ TNLĐ xảy ra mà cơ sở, không báo cáo cơ quan chức năng. Đây là năm mà số vụ TNLĐ có người chết nhiều nhất trong mấy năm lại đây.
Đáng chú ý và gần đây nhất là vụ nổ khí mê tan tại hầm lò khai thác than số 3, vỉa số 8 của Công ty CP Khoáng sản Kim Bôi ở xóm Vọ, xã Cuối Hạ (Kim Bôi) xảy ra vào ngày 29/10. Vụ nổ làm 6 người dân địa phương bị thương, trong đó, 4 người bị thương nặng. Đến ngày 8/11, có 3 người đã tử vong là Bùi Văn Quỳnh, Bùi Văn Hoài, Bùi Văn Nguyên. Tất cả số lao động này đều làm thời vụ, không có bảo hiểm. Nguyên nhân vụ nổ vẫn tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra. Tuy nhiên, chỉ cần quan sát đã có thể thấy việc chấp hành quy định về ATLĐ tại lò khai thác than chưa tốt. Người lao động làm việc trong điều kiện vất vả, nguy hiểm nhưng không trang bị bảo hộ lao động. Miệng giếng lò khai thác than chỉ lọt một người xuống, sâu khoảng 30 m, đi ngang đến hàng trăm mét và chiều ngang dưới lò chỉ chừng 1,5 - 1,6 m. Trước khi lao động xuống lò, việc đảm bảo an toàn duy nhất của chủ lò là đóng điện quạt thông gió, hút nước. Người lao động từ dưới lò lên, mặt mũi nhem nhuốc, phờ phạc, thở hổn hển. Người đứng trên miệng giếng lò kéo than lên cũng chỉ mặc quần đùi, đầu trần, mặt đen nhẻm vì bụi than. Được biết, trước đây, tại mỏ khai thác than của Công ty CP Khoáng sản Kim Bôi đã từng xảy ra vài vụ TNLĐ và có người chết. Song, công tác đảm bảo ATLĐ vẫn không có nhiều chuyển biến.
Đồng chí Lương Bá Khiêm, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cho biết: Công tác đảm bảo ATLĐ trong các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là lĩnh vực khai thác khoáng sản nói riêng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cắt giảm chi phí để tăng lợi nhuận, vấn đề ATLĐ càng trở nên lo ngại. Qua kiểm tra, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều có vi phạm, thậm chí vi phạm lớn. Trong khi đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động còn thấp; không nắm được các quy định để bảo vệ mình hoặc tự nguyện chấp nhận lao động trong điều kiện mất an toàn. Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở đã phối hợp kiểm tra 15 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ trong tuần lễ quốc gia về ATLĐ-PCCN như: khai thác khoáng sản, điện, cơ khí và kiểm tra pháp luật lao động tại 14 doanh nghiệp khác. Kết quả kiểm tra tại 14 doanh nghiệp với 1.866 lao động, đoàn đã kiến nghị 86 thiếu sót, phát hiện 75 hành vi vi phạm. Trong khi đó, sự phối hợp giữa cơ quan lao động và các cơ quan khác chưa nhịp nhàng, chồng chéo, thiếu đồng bộ. Đây cũng là sơ hở để các doanh nghiệp lách luật. Một số chính sách về lao động còn bất cập, chưa phù hợp với từng loại hình, lĩnh vực, ngành nghề SX-KD.
Để chủ động phòng ngừa và hạn chế các tai nạn, sự cố trong lao động sản xuất, ngày 30/10 vừa qua, Sở LĐ-TB&XH đã có Công văn số 820 gửi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về việc đảm bảo ATLĐ khi làm việc trong điều kiện thiếu dưỡng khí. Trong đó, yêu cầu giám đốc các doanh nghiệp, chủ cơ sở SX-KD rà soát, bổ sung và xây dựng các quy trình, biện pháp làm việc an toàn lao động; quy trình xử lý sự cố theo quy định. Thường xuyên tổ chức kiểm tra tại doanh nghiệp để phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ gây tai nạn lao động. Tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức cho người lao động về công tác đảm bảo ATLĐ. Từ tháng 11, Sở LĐ-TB&XH sẽ chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có sử dụng bồn, thùng kín và công trình ngầm; xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm; kiên quyết đình chỉ hoạt động những doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATLĐ. Tuy nhiên, để đảm bảo ATLĐ, theo đồng chí Ngô Ngọc Thu, Trưởng phòng Việc làm - ATLĐ (Sở LĐ-TB&XH) cần có sự vào cuộc tích cực từ cả 3 phía: cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người lao động trong thực hiện các quy định về đảm bảo ATLĐ.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Thời gian qua, đường dây nóng Báo Hòa Bình liên tục nhận được phản ánh của người dân xã Lâm Sơn và thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) về việc: đơn vị thi công đường rãnh thoát nước dọc trên tuyến QL 6 chỉ đào lên không lấp, ảnh hưởng đến môi trường, gây mất mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thương tích cho người già, trẻ nhỏ... Đầu tháng 11/2013, phóng viên Báo Hòa Bình đã trực tiếp đến cơ sở để tìm hiểu rõ hơn sự việc.
(HBĐT) - Dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” (TRNM - GTRRTH) là dự án phối hợp giữa Hội CTĐ Việt Nam, Hội CTĐ Nhật Bản và Hiệp Hội CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế triển khai từ đầu tháng 4/2011 tại 10 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hòa Bình và Vĩnh Phúc.
(HBĐT) - Ngày 19/11, Sở TT&TT đã tiến hành bàn giao Đài truyền thanh cho các xã Cao Dương (Lương Sơn), Lạc Long, Cố Nghĩa (Lạc Thuỷ). Đây là dự án nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở trên địa bàn tỉnh, năm 2013.
(HBĐT) - Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm tới trên 70% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, phân bố ở địa hình đồi núi cao. Đã chính thức bước vào mùa khô và dự báo thời tiến khô hanh sẽ kéo dài đến khoảng tháng 4 năm sau. Đây là thời gian mà người dân hay đối nương làm rẫy, khai thác lâm sản.
(HBĐT) - Ngày 14/11, đoàn công tác của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Hoàng Quang Minh, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát tình hình công tác QLNN về TN-MT năm 2013 tại Sở TN-MT. Tham gia đoàn giám sát có lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, một số sở, ngành của tỉnh.
(HBĐT) - Chi cục Kiểm lâm huyện Lạc Sơn vừa phối hợp với chi nhánh TGPL số 4 (Trung tâm TGPL tỉnh) triển khai đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR ở 12 xã gồm Miền Đồi, Mỹ Thành, Xuất Hóa, Phúc Tuy, Chí Thiện, Yên Phú, Bình Chân, Bình Cảng, Tân Mỹ, Hương Nhượng, Tân Lập, Định Cư.