Gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt, tổ 20, phường Chăm Mát (TPHB) phải mua thêm bồn tích trữ mới có nước sử dụng trong giờ cao điểm.
(HBĐT) - Công ty CP Nước sạch Hòa Bình hiện cung cấp nước sinh hoạt cho trên 80% số hộ trên địa bàn TPHB và khu vực thị trấn cùng các xã lân cận tại các huyện (trừ huyện Đà Bắc). Mùa hè, nhu cầu dùng nước sinh hoạt tăng cao. Do đó, nhiều hộ dân ngay ở TPHB vẫn thiếu nước sinh hoạt. Trước nhu cầu bức thiết của nhân dân, Công ty CP Nước sạch Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp để nhân dân không bị “khát” trong mùa hè 2015.
Mỗi mùa hè đến, câu chuyện nước sinh hoạt lại trở thành vấn đề nan giải đối với gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt ở tổ 20, phường Chăm Mát (TPHB). Trước đây, gia đình bà đào giếng sâu hơn 10 m để dùng trong sinh hoạt nhưng những năm gần đây, nước giếng bị ô nhiễm nên lấp đi và tất cả đều trông cậy vào nước máy. Mùa hè năm 2014, mặc dù nằm trong khu vực đã có hệ thống đường ống nước từ khá lâu nhưng tình trạng mất nước sinh hoạt kéo dài trong những lúc nhiệt độ lên đến 38 - 40oC, gây khó khăn cho cuộc sống của gia đình. Thời điểm đó, bà từng phải hứng nước làm mát từ mái tôn của quán bán bia bên cạnh để sinh hoạt. Còn nước đi gánh về chỉ dám vo gạo, nấu cơm một cách tằn tiện. Vòi nước trong nhà mở cả ngày mà chẳng được giọt nào. Sau sự cố mất nước kéo dài đó, Công ty CP nước sạch Hòa Bình đã cải tạo đường ống, tình hình cấp nước năm nay được cải thiện hơn. Song do nhu cầu dùng nước mùa hè tăng vọt, nên thời điểm đầu tháng 5, các hộ trong khu vực vẫn không có nước dùng trong các giờ cao điểm khoảng từ 17 - 19h. Tình trạng mất nước cục bộ vẫn diễn ra. Vì vậy, gần như lúc nào gia đình bà cũng phải mở vòi nước và cử người trực chờ.
Ông Nguyễn Duy Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Nước sạch Hòa Bình cho biết: Địa bàn thị trấn và các xã lân cận tại các huyện, nhu cầu sử dụng nước không cao nên Công ty đảm bảo cung cấp nước đầy đủ. Vấn đề khó khăn là việc cấp nước tại TPHB cho 25.000 hộ dân. Tình trạng mất nước sinh hoạt mùa hè năm 2014 và diễn ra cục bộ năm 2015 có thể lý giải là do hệ thống đường ống nước tại một số khu vực đã cũ, đường kính ống nhỏ, gẫy vỡ nhiều, trong khi đó nhu cầu sử dụng nước tăng cao nên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở những khu vực có địa hình cao. Hệ thống đường ống được lắp đặt từ những năm 1980 của thế kỷ trước. Công ty phải chấp nhận phương án cấp nước theo giờ tại một số khu vực để tránh tình trạng lượng nước thất thoát nhiều hơn cả lượng nước sử dụng. Với nhiều nỗ lực, đến nay, Công ty thay mới và cải tạo được trên 60% hệ thống đường ống. Năm 2015, Công ty đã đầu tư trên 1,5 tỉ đồng để lắp mới và cải tạo đường ống tại khu vực các phường: Thịnh Lang, Đồng Tiến, Phương Lâm, Chăm Mát.
Một khó khăn nữa là do nguồn nước tại hồ Hòa Bình cạn, cốt nước vào đầu tháng 5 là 262,7 trong khi hệ thống nhận nước của Công ty lắp ở cốt 262. Bình thường, lượng nước về nhà máy xử lý khoảng 700 m3/h tại bờ phải và 380 m3/h tại bờ trái sông Đà. Tuy nhiên, vào mùa cạn, lượng nước về chỉ là 300 m3/h tại bờ phải và 120 - 150 m3/h tại bờ trái, cá biệt có năm mực nước xuống thấp không nhận được khối nào. Công ty không thể hạ cấp cốt nhận nước xuống được vì đập thủy điện Hòa Bình đã kiên cố. Do đó, Công ty có công văn đề nghị UBND tỉnh cho phép và đã được chấp thuận lắp đặt máy bơm dã chiến tại cao trình +13,5 m, nằm trong phạm vi bảo vệ đê của tuyến kè bờ phải sông Đà, tổ 8, phường Phương Lâm, công suất 200 m3/h, từ tháng 4 - 6 hàng năm để bổ sung lượng nước mặt về nhà máy xử lý. Đồng thời, bổ sung thêm 2 giếng khoan để tăng thêm nguồn cung cấp cho khu vực bờ trái.
Cùng với những giải pháp trên, Công ty tăng cường tần suất kiểm tra hệ thống đường ống nước để kịp thời phát hiện, xử lý những sự cố. Về chất lượng nước, tăng cường kiểm soát đầu ra và đã được Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm nghiệm đảm bảo hàm lượng theo quy định của Bộ Y tế. Công ty cũng đã xây dựng bảng giá bậc thang, sử dụng càng nhiều tính giá càng cao để khuyến khích tiết kiệm nước.
Theo Phó Giám đốc Nguyễn Duy Hùng, bảo vệ nguồn nước cả về số lượng và an toàn về chất lượng là trách nhiệm của tất cả mọi người để đảm bảo sức khỏe. Cần trồng cây, bảo vệ rừng đầu nguồn để tạo nguồn sinh thủy bền vững. Đối với những thời điểm cục bộ mà lượng đá vôi trong nước tăng, nhân dân nên đun và để tự lắng trước khi sử dụng.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy PCLB & TKCN 11 huyện, thành phố, trận mưa lớn xảy ra vào đêm 11, rạng sáng 12/5 đã cơ bản giảm bớt tình trạng hạn hán đối với diện tích lúa, cây hoa màu ở các địa phương.
(HBĐT) - Người dân xã Hưng Thi (Lạc Thủy) đang hưởng lợi ích thiết thực từ chủ trương đầu tư xây dựng cầu giao thông nông thôn của Bộ GT-VT. Cầu Gạo Bạc được khởi công từ cuối năm 2014 và hoàn thành vào đầu năm 2015 bằng nguồn vốn của Bộ GT-VT.
(HBĐT) - Đó là khuyến cáo của Sở NN&PTNT tại Công văn số 426, ngày 5/5/2015 gửi UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường các giải pháp phòng - chống hạn hán cuối vụ sản xuất đông - xuân 2014-2015.
(HBĐT) - Ngày 4/5, tại vị trí trạm BTS HBH 454 có địa chỉ số nhà 5, ngách 27/12, tổ 13B, phường Phương Lâm, TP Hoà Bình, Đoàn kiểm tra Sở TT-TT đã làm việc với Chi nhánh Viettel Hoà Bình xác minh thực trạng trạm BTS mang mã 454. Qua kiểm tra xác nhận, hiện trạng cột ăng ten trạm BTS HBH 454 của Chi nhánh Viettel Hoà Bình tại địa chỉ nêu trên đã tháo dỡ, các thiết bị bên trong trạm đã được di chuyển xong từ ngày 29/4.
(HBĐT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
(HBĐT) - Mạng lưới giao thông của tỉnh chủ yếu trên địa hình vùng núi cao, độ dốc lớn, mùa mưa lũ hàng năm thường xuyên xảy ra sạt lở gây ách tắc giao thông. Sở GT -VT đang khẩn trương triển khai phương án phòng - chống lũ bão (PCLB) sát với điều kiện thực tế, đặt mục tiêu chuẩn bị chu đáo, khắc phục kịp thời những sự cố, bảo đảm giao thông nhanh nhất trong mọi tình huống.