Đã gieo đủ 4 kg mạ giống nhị ưu 838 nhưng do mạ chết, chị Bùi Thị Tuất ( Vó Khang – Kim Tiến) phải tự bỏ tiền mua 4 kg giống gieo lại hoàn toàn.
(HBĐT) - Thời gian này, nông dân xã Kim Tiến (Kim Bôi) đang khẩn trương chuẩn bị cho vụ hè - thu. Theo báo cáo của UBND xã, các hộ đã làm xong 145 ha đất gieo cấy và đã chuẩn bị 5.984 kg lúa giống. Trong đó, giống lúa lai nhị ưu 838 là 2.387 kg, giống lúa thuần 3.168 kg, còn lại là giống nhị ưu 89, lúa nếp và các giống khác. Theo kế hoạch, xã sẽ hoàn thành gieo mạ ngày 20/6, tuy nhiên, cho đến thời điểm này nhiều hộ dân trong xã phải gieo lại mạ giống lúa nhị ưu 838 bởi giống do xã cung ứng không nảy mầm hoặc chất lượng nảy mầm thấp, không đảm bảo đủ lượng mạ gieo cấy.
Mạ giống chết hàng loạt
Vụ mùa năm nay, gia đình anh Bùi Văn Phạm, xóm Vó Khang, xã Kim Tiến gieo 6 kg mạ giống. Cũng như mọi năm, anh đóng tiền cho xóm để nhận cung ứng giống. Tuy nhiên, mới đây anh Phạm lại buộc phải ra ngoài mua thêm 2 kg giống để gieo thêm bởi số giống đã gieo trước đó tỷ lệ nảy mầm khá thấp, không đồng đều. Anh Phạm cho biết: Nhiều năm nay, gia đình tôi chỉ trồng giống lúa nhị ưu 838, năm nào cũng gieo khoảng 6 kg là đủ giống cho cả mùa nhưng năm nay mạ nảy mầm chậm, nhánh xấu và không đều nên gia đình tôi buộc phải mua thêm 2 kg nữa để gieo vì sợ sẽ không đủ mạ.
Không được “may mắn” như nhà anh Hiền, gia đình ông Bùi Văn Ia, xóm Gò Mu phải gieo lại hoàn toàn 3 kg mạ giống cho vụ hè – thu năm nay. Ông Nia bức xúc: Gia đình tôi đăng ký mua 3 kg giống nhị ưu 838 với mức giá 56 ngàn đồng/kg. Sau 2 ngày ngâm, ủ thấy mạ nảy mầm trắng đều đã mang ra ruộng gieo sạ nhưng theo dõi đến 4 ngày sau vẫn không thấy mọc, tôi kiểm tra thấy giống gieo tại ruộng đã chết đen, bốc mùi thối nên buộc phải cày lên làm lại đất toàn bộ và lại phải bỏ tiền mua giống ở đại lý ngoài về gieo lại. Mất tiền đã đành, lo nhất là chậm tiến độ thời vụ. Ngay cạnh nhà ông Ia, bà Bùi Thị Sựm, thuộc diện hộ nghèo cũng đang mất ăn, mất ngủ lo thiếu mạ. Bà Sựm tâm sự: Nhà thuộc diện hộ nghèo nên được hỗ trợ 2 kg thóc giống còn lại đăng ký với xóm 4 kg giống nhị ưu 838. Đến nay, giống nhị ưu 838 đã gieo bị chết nhưng vẫn chưa có tiền để mua giống gieo lại, năm nay chỉ sợ không đủ mạ cấy. Cũng giống gia đình ông Nia, bà Sựm, gia đình ông Bùi Khắc Toàn, xóm Vó Khang cũng phải bỏ ra hơn 300 ngàn đồng mua lại giống để gieo mới bởi toàn bộ 4 kg giống do xã cung ứng đã chết sạch.
Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng hiện nay nhiều hộ dân xã Kim Tiến vẫn đang tiếp tục gieo lại mạ hoặc gieo thêm mạ do chất lượng mạ gieo không đảm bảo. Nhà ít thì gieo thêm 2 – 3 kg, cá biệt có nhà phải gieo lại toàn bộ 7 kg lúa giống. Người dân cũng đã mang trả lại xã hơn 30 kg lúa giống nhị ưu 838 do xã cung ứng.
Có hay không việc cung ứng giống hết hạn sử dụng?
Không chỉ chất lượng kém, nhiều hộ dân ở đây còn nghi ngờ xã cung ứng cho giống lúa đã hết hạn sử dụng. Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Văn Ia, xóm Gò Mu cho biết: mọi năm chúng tôi được cung ứng giống nhị ưu 838 có bao bì màu vàng, hình bông lúa nhưng năm nay xã lại chuyển cho chúng tôi giống trong bao bì màu trắng có hình gấu trúc. Điều đáng nói là nhìn bao bì thì khá cũ nhưng tem nhập khẩu lại mới. Nghi ngờ, tôi đã xé tem nhập khầu thì phát hiện bên trong còn có một tem nhập khẩu dán chìm ghi rõ giống nhị ưu 838, ngày sản xuất: tháng 9/2013, hạn sử dụng: tháng 9/2014. Không chỉ gia đình ông Nia, qua tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ giống lúa nhị ưu 838 do xã Kim Tiến cung cấp cho nông dân đều có dán tem nhập khẩu, trên đó có ghi rõ: nhị ưu 838; đơn vị nhập khẩu Công ty TNHH Nông Nghiệp Á Thái, nơi sản xuất Tứ Xuyên, Trung Quốc, ngày sản xuất 30/9/2014; hạn sử dụng: 30/9/2015. Tuy nhiên, sau khi bóc tem nhập khẩu này, bên trong còn có một tem nhập khẩu có thông tin tương tự nhưng ngày sản xuất: tháng 9/2013, hạn sử dụng: tháng 9/2014.
Sau khi bóc tem nhập khẩu mới, lộ ra tem nhập khẩu bên trong có ghi hạn sử dụng giống lúa nhị ưu 838 là tháng 9/2014.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Quách Đình Vận, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Tiến cho biết: Giống lúa là do UBND xã Kim Tiến phối hợp với Trạm Khuyến nông – khuyến lâm huyện Kim Bôi cung ứng cho bà con do Công ty TNHH giống cây trồng và vật tự nông nghiệp Hòa Bình (thị trấn Bo, Kim Bôi) cung cấp. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, xã đã trực tiếp làm việc với Công ty. Phía công ty đã có cam kết đảm bảo cung ứng giống chất lượng cho bà con và giải thích việc bao bì dán 2 tem nhập khẩu có thể là do tận dụng lại vỏ bao bì cũ.
Giống là một yếu tố quan trọng bảo đảm năng suất cây trồng. Được biết, nhị ưu 838 là một trong những giống lúa lai khá phổ biến hiện nay. Ngoài Kim Tiến, Công ty TNHH giống cây trồng và vật tư nông nghiệp Hòa Bình cũng đang cung cấp giống này cho nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay việc nhiều hộ dân phải phá bỏ ruộng mạ giống do Công ty này cung cấp để gieo lại giống mới đang là một thực tế có thật tại xã Kim Tiến. Theo thông tin mới nhất, tình trạng này cũng đã xuất hiện tại xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi). Vì vậy, chất lượng giống nhị ưu 838 do Công ty cung cấp đang là một câu hỏi rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, việc tem nhập khẩu có vấn đề cũng rất cần được cơ quan chức năng vào cuộc xem xét, có hay không việc tận dụng lại vỏ bao cũ ?!. Người nông dân mong chờ một câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan chức năng.
Đinh Hòa
(HBĐT) - Liên Vũ là một trong những xã của huyện Lạc Sơn phấn đấu về đích NTM trong năm 2015. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng nhờ phát huy nội lực cũng như sự đồng lòng của nhân dân, đến nay Liên Vũ đã đạt 16 tiêu chí. Có 3 tiêu chí chưa đạt là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường. Đây là những tiêu chí đòi hỏi nguồn vốn lớn, do đó Đảng ủy, UBND xã Liên Vũ xác định lấy sức dân là chính, phần còn lại là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và ngân sách xã.
(HBĐT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 57/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152/2013/NĐ-CP ngày 4/11/2013 của Chính phủ quy định về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch.
(HBĐT) - Trong 3 ngày từ 18-20/6, Sở LĐ-TB&XH tổ chức tập huấn xây dựng hệ thống quản lý về an toàn, vệ sinh lao động (Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ năm 2015).
(HBĐT) - Dù thời tiết không diễn biến phức tạp thế nhưng năm 2014, ảnh hưởng của hoàn lưu bão trên địa bàn huyện Kim Bôi đã xảy ra mưa to, lốc xoáy cục bộ làm tốc mái 6 ngôi nhà ở Tú Sơn, Kim Bình và trạm y tế Kim Truy, làm đổ và giảm năng suất hơn 440 ha cây màu các loại, nhiều công trình mương bai bị hư hại, nhiều nơi sạt lở đất vùi lấp ruộng cấy ở Sơn Thủy, Kim Sơn, Mỵ Hòa, Kim Bôi…
(HBĐT) - Bước vào mùa mưa bão 2015, huyện Cao Phong đã rà soát, xác định những khu vực trọng điểm nguy cơ ẩn họa. Đó là sạt lở có thể xảy ra dọc dốc Cun, dốc Mái, đường Bình Thanh, Thung Nai; xóm Ong 1, xã Nam Phong; xóm Chầm, xã Yên Lập; xóm Bợ, Rớm, xã Yên Thượng. Lũ quét có thể xảy ra dọc theo các suối tại nhiều xã và thị trấn Cao Phong. Các công trình có thể xảy ra sự cố là hồ Bãi Bông, xã Đông Phong; hồ suối Lầy, xã Bắc Phong; hồ Múi, xã Xuân Phong; bai Lãi, bai Chiêm, xã Tây Phong...
(HBĐT) - Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến trung tuần tháng 6, mưa giông, lốc tố đã liên tiếp xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh làm hư hỏng hàng trăm nhà dân, thiệt hại hàng trăm ha lúa, hoa màu và nhiều công trình hạ tầng giao thông, thuỷ lợi. Với diễn biến tình hình mưa bão vẫn còn phức tạp, ngành Công Thương đã chủ động triển khai phương án phòng - chống và đối phó với các tình huống lụt bão.