1. Chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ (Điều 6):
Từ ngày 1/1/2021, cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ (quy định mới);
- Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I, Luật Đầu tư năm 2020;
- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II, Luật Đầu tư năm 2020;
- Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III, Luật Đầu tư năm 2020;
- Kinh doanh mại dâm;
- Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người (bổ sung việc cấm mua, bán xác, bào thai người);
- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
- Kinh doanh pháo nổ.
2. Số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện giảm: Từ ngày 1/1/2021, số lượng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện giảm còn 227 (trước là 243 ngành, nghề).
3. Bổ sung nhiều ngành, nghề ưu đãi đầu tư (khoản 1, Điều 16):
Luật Đầu tư năm 2020 bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư so với hiện nay, gồm:
- Giáo dục đại học;
- Sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
- Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;
- Bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế;
- Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.
4. Điểm mới về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt (Điều 20):
Theo đó, việc áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển một số dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển KT-XH do Chính phủ quyết định và được áp dụng đối với các đối tượng sau:
- Dự án đầu tư thành lập mới các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT), hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
- Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp GCNĐKĐT hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt: Mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai. Hỗ trợ đầu tư đặc biệt được thực hiện theo các hình thức quy định tại khoản 1, Điều 18 của Luật Đầu tư năm 2020.
Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt trên không áp dụng đối với các trường hợp sau:
+ Dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, GCNĐKĐT hoặc quyết định chủ trương đầu tư trước ngày luật này có hiệu lực thi hành;
+ Dự án đầu tư quy định tại khoản 5, Điều 15 của Luật Đầu tư năm 2020.
Trong trường hợp cần khuyến khích phát triển một dự án đầu tư đặc biệt quan trọng hoặc đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Chính phủ trình Quốc hội quyết định áp dụng các ưu đãi đầu tư khác với ưu đãi đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 và các luật khác.
(Còn nữa)
Minh Phượng (TH)
(Sở Tư pháp)
(HBĐT) - Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 55/NQ-CP, ngày 2/6/2021 về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 3) do ảnh hưởng dịch Covid-19.