1. Về giải thích từ ngữ
Luật năm 2020 đã sửa đổi phần giải thích từ ngữ đối với "tái phạm” theo hướng tách bạch giữa xử phạt VPHC và áp dụng biện pháp xử lý hành chính (XLHC), đồng thời bỏ quy định tính thời hạn tái phạm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp XLHC, cụ thể như sau:
Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt VPHC nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt VPHC mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt, cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp XLHC nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp XLHC mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp XLHC đó.
2. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
Một người thực hiện nhiều hành vi VPHC hoặc VPHC nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi VPHC nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.
3. Mức phạt tiền tối đa
Luật năm 2020 đã tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như phòng, chống tệ nạn xã hội; giao thông đường bộ; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; điện lực; kinh doanh bất động sản; báo chí...; bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực mới chưa được Luật Xử lý VPHC hiện hành quy định như đối ngoại; tín ngưỡng; an ninh mạng, an toàn thông tin mạng; kiểm toán Nhà nước...
4. Thẩm quyền xử phạt
Luật năm 2020 đã bổ sung hoặc giảm bớt một số chức danh có thẩm quyền xử phạt VPHC để phù hợp với sự thay đổi, điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước: Kiểm toán Nhà nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, ngành công an, kiểm ngư...; tăng thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC (không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện hoặc tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền) đối với một số chức danh: Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Chi cục trưởng Hải quan...
5. Về giao quyền xử phạt
Bên cạnh việc giao quyền xử phạt VPHC, Luật năm 2020 cũng quy định việc giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC.
6. Về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính
Luật năm 2020 quy định thêm một số lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện VPHC: Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia và lĩnh vực khác do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
(Còn nữa)
Minh Phượng (TH)
(Sở Tư pháp)