(HBĐT) - Đã gần 60 năm trôi qua kể từ ngày đường Hồ Chí Minh trên biển được thành lập (23/10/1961 - 23/10/2021). Từ tuyến đường huyền thoại này, vượt qua bão tố phong ba và sự phong tỏa gắt gao của kẻ thù, những con tàu "không số” đã âm thầm vận chuyển thành công hàng trăm nghìn tấn vũ khí, lương thực, thuốc men… chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.



Từ bến K15 ở Đồ Sơn (Hải Phòng), chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên của Đoàn 759 mang theo 30 tấn vũ khí rời bến, mở đầu cho những chuyến hành trình đầy bão táp của đoàn tàu "không số” trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại.


Ngày 23/10/1961, để tăng cường chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời của đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đêm 11/10/1962, từ bến K15 ở Đồ Sơn (Hải Phòng), một chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên của Đoàn 759, đóng giả tàu đánh cá chở theo 30 tấn vũ khí, rời bến lên đường vào Cà Mau, mở đầu cho những chuyến hành trình đầy bão táp của đoàn tàu "không số" trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Sau 10 ngày, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Sau chuyến đi thành công đó, các chiến sĩ Đoàn 759 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện thăm hỏi, động viên và căn dặn cần rút kinh nghiệm để tiếp tục vận chuyển nhiều vũ khí cho đồng bào miền Nam đánh giặc, cho Nam - Bắc sớm sum họp một nhà.

Từ đó về sau, để tránh tai mắt địch, hầu hết các con tàu chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam đều được ngụy trang thành tàu đánh cá, không mang số hiệu cố định và liên tục thay đổi lộ trình trên đường đi. Vì vậy, tên gọi tàu "không số" cũng bắt đầu ra đời từ đấy.

Sau sự kiện tàu C143 bị địch phát hiện tại Vũng Rô (Phú Yên) vào tháng 2/1965, địch tăng cường hoạt động tuần tiễu ráo riết. Vì vậy, Đoàn 759 phải chuyển hướng hoạt động, sử dụng các đội tàu đi theo nhiều tuyến đường khác nhau. Đặc biệt, từ cuối năm 1970, ngoài hướng đi men theo phía Đông các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Đoàn còn phải đi vòng qua nhiều vùng biển xa như phía Đông Bắc Malaysia, vịnh Thái Lan...

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã góp phần chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Lại Thị Huệ, nhân viên thuyết minh Bảo tàng Hải quân Hải Phòng nhấn mạnh: Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một huyền thoại có thật. Đó không chỉ là phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp cho các chiến trường ven biển miền Nam, mà còn là một sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh.

Độc đáo vì đây là con đường và phương pháp vận chuyển độc nhất vô nhị trong lịch sử chiến tranh thế giới. Nó làm cho đối phương kinh ngạc, bất ngờ và không thể tưởng tượng được về sự có mặt, quy mô, sự dũng cảm và tính sáng tạo vô song của con đường, những con tàu và những con người tham gia tuyến đường.

Sự sáng tạo thể hiện ở việc mở đường vận tải trên biển đúng thời cơ; sử dụng tàu giả dạng vận tải, tàu đánh cá; kết hợp hoạt động bí mật và công khai; tàu có thể xuất phát từ nhiều bến đi (kể cả ở nước ngoài) và cập nhiều bến đến.

Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh khẳng định: Đường Hồ Chí Minh trên biển để lại cho chúng ta nhiều bài học bổ ích, trước hết là phải nhận thức đúng đắn về vai trò của biển, đảo. Một bài học nữa là chúng ta phải tiếp tục quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân, tư tưởng chiến lược tiến công của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đương đầu với một kẻ thù xâm lược có tiềm lực quân sự, kinh tế mạnh hơn ta gấp nhiều lần, Đảng ta đã đề ra đường lối đúng đắn, sáng tạo, phát huy sức mạnh của toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Có lẽ, không có con đường nào có sức mạnh thần kỳ và thể hiện tính độc đáo, sáng tạo như đường Hồ Chí Minh trên biển. Thời gian có thể làm mục nát những cột buồm, han rỉ những vỏ tàu sắt, nhưng huyền thoại về con đường vận tải biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên với thời gian, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một thiên anh hùng ca bất tử.

Hải Yến

Các tin khác


Phát động các hoạt động phối hợp kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức Lễ phát động các hoạt động phối hợp kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021).

Cảnh sát biển Việt Nam- Hiệu quả từ sự hiện diện, thực thi pháp luật trên biển

Với bờ biển dài hơn 3.260 km, hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa rộng lớn, biển đảo đã mang lại nguồn lợi đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế nước ta.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục