Sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình "Cảnh sát biển (CSB) đồng hành với ngư dân” thực sự mang lại hiệu quả với nhiều cách làm sáng tạo. Ngoài hiệu quả trong công tác tuyên truyền, chương trình còn huy động được hơn 45 tỷ đồng thực hiện công tác an sinh xã hội, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển. Qua đó, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên biển vững mạnh, thực thi nghiêm pháp luật và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.


"Ngọn hải đăng trên biển”

Đã hơn 6 tháng trôi qua nhưng anh Mai Văn Lý, thuyền trưởng tàu QNg 96237 TS, ở xã An Hải (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn nhớ như in phút giây sinh tử của mình và 9 thuyền viên. Hôm đó, nếu Tàu CSB 4032 (Hải đội 212, Hải đoàn 21, Vùng CSB 2) không đến kịp thì có lẽ anh và các thuyền viên không về nhà được nữa. Vì vậy, anh Lý và ngư dân tỉnh Quảng Ngãi luôn xem lực lượng CSB là "điểm tựa” vững chắc để vươn khơi, bám biển. "Hôm đó là ngày 23-2, biển động cấp 6, cấp 7, sóng cao từ 4 đến 5m, tàu của tôi bị phá nước và chìm xuống biển. Tôi và các thuyền viên đang trong cơn nguy cấp thì được Tàu CSB 4032 đến cứu vớt. Các anh đã không quản ngại nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu chúng tôi. Đó là phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ CSB Việt Nam”, anh Mai Văn Lý xúc động nhớ lại.


Lực lượng Cảnh sát biển phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho ngư dân ven biển quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng). Ảnh: HUY HOÀNG
Trước chuyến đi biển đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Nguyễn Văn Ngành, chủ tàu cá BĐ 91453, ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) được lãnh đạo Vùng CSB 2 đến tận tàu tặng quà, thay cờ Tổ quốc, hướng dẫn chấp hành những quy định của pháp luật về đánh bắt, khai thác hải sản trên biển; phương pháp liên lạc với CSB và các lực lượng chức năng; hoạt động trong tổ tàu, thuyền đoàn kết; cách xử lý khi gặp sự cố trên biển... Anh Ngành cho hay, việc đánh bắt, khai thác hải sản xa bờ những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn nên sự động viên, đồng hành hỗ trợ kịp thời của Vùng CSB 2 giúp anh và các thuyền viên vững tin vươn khơi, bám biển, vừa tăng thu nhập, vừa khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.

Đại tá Phạm Tiến Đăng, Phó tư lệnh Pháp luật Vùng CSB 2 đúc kết: "Kiến thức pháp luật và kỹ năng liên lạc, xử lý các sự cố chính là "ngọn hải đăng trên biển”, bảo đảm cho ngư dân không vi phạm vùng biển nước bạn. Quán triệt, triển khai Chương trình "CSB đồng hành với ngư dân”, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho ngư dân, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Vùng CSB 2 còn thường xuyên làm tốt công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển; xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị và giúp ngư dân phát triển kinh tế biển nhằm tạo hậu phương vững chắc cho họ yên tâm trong mỗi chuyến ra khơi...".

Sau hơn 5 năm thực hiện, Chương trình "CSB đồng hành với ngư dân” đã tuyên truyền cho 118.000 lượt ngư dân; phát hơn 280.000 tờ rơi tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); 23.850 cuốn sách pháp luật; tặng 40.630 lá cờ Tổ quốc; 763 túi thuốc cứu thương, 4.400 áo phao, phao tròn... Huy động các nguồn lực từ CSB Việt Nam và tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ với tổng số tiền hơn 45 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển

"Bồi dưỡng sức dân” để bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc

Theo Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy CSB Việt Nam: Chương trình "CSB đồng hành với ngư dân” là một nội dung đột phá, thể hiện ý thức, trách nhiệm chính trị, sự sáng tạo của CSB Việt Nam trong thực hiện nghị quyết của Đảng về tăng cường, đổi mới công tác dân vận thời kỳ mới. Hiện Ban Thường vụ Đảng ủy CSB Việt Nam đã ký kết với ban thường vụ 13 tỉnh ủy, thành ủy gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa-Vùng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định. Chương trình đã mang lại những hiệu quả thiết thực, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên biển vững mạnh, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Dư luận trong nhân dân và cán bộ, đảng viên các địa phương cho thấy, sự đột phá, sáng tạo của Chương trình "CSB đồng hành với ngư dân” nằm ở nội dung hoạt động và mục tiêu hướng đến xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, tiềm lực kinh tế, thế trận quốc phòng, an ninh trên biển. Đồng chí Nguyễn Văn Trượng, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định khẳng định: "Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng địa bàn an toàn, hệ thống chính trị vững mạnh; giúp nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển; thực hiện nhiệm vụ huy động và giao nhận nhân lực, phương tiện, tàu, thuyền dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo... có ý nghĩa rất lớn trong phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh cho các địa phương ven biển và xã đảo của cả nước nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng". Ngư dân Nguyễn Văn Mạo, chủ tàu BĐ 91038 (phường Trần Phú, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cho rằng, mỗi tàu cá đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là một "cột mốc trên biển” và các tổ tàu, thuyền đoàn kết như một làng, xã chiến đấu. Chương trình "CSB đồng hành với ngư dân” đã góp phần xây dựng cột mốc và làng, xã chiến đấu trên biển vững mạnh.

Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định phấn khởi khi Ban Thường vụ Đảng ủy CSB Việt Nam và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận "CSB đồng hành với ngư dân”. Đồng chí Hồ Quốc Dũng cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh Bình Định đã có nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ ngư dân vừa vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Qua các lần huy động tàu, thuyền của ngư dân làm nhiệm vụ đã cho thấy trách nhiệm rất cao của người dân; nhân dân tỉnh Bình Định tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về biển, đảo và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi được huy động. Chương trình "CSB đồng hành với ngư dân” ký kết lần này tiếp tục giúp tỉnh Bình Định phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng với lực lượng CSB "bồi dưỡng sức dân”, xây dựng "thế trận lòng dân” trên biển để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh trật tự, an toàn biển, đảo của Tổ quốc.


                                  Theo QĐND

Các tin khác


Nghiên cứu, tuyên truyền về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Bên cạnh nhiệm vụ chính là đào tạo, bồi dưỡng chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tại miền Trung- Tây Nguyên, nhiều năm qua Học viện Chính trị khu vực III còn quan tâm nghiên cứu, tuyên truyền và tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Bình Thuận: Khảo sát xây dựng tour du lịch xanh Khu bảo tồn biển Hòn Cau

Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức chuyến khảo sát tour du lịch xanh tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau, huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận).

Quảng Bình: Đưa 8 thuyền viên trôi dạt trên biển vào bờ an toàn

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, khoảng 14 giờ 30 phút ngày 8/8, tàu cá QB-93206-TS với 8 thuyền viên do ông Nguyễn Thanh Phong (ở thôn Hải Đông, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) làm thuyền trưởng gặp nạn và chìm ở khu vực cách cửa Roòn về hướng Đông Bắc khoảng 11 hải lý.

Tăng cường giải quyết vướng mắc trong quản lý, bảo vệ môi trường biển và hải đảo

Triển khai công tác từ nay đến cuối năm 2022 của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân yêu cầu Tổng cục tăng cường hỗ trợ các địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Hướng tới phát triển nhanh, bền vững các cụm liên kết ngành kinh tế biển

Nhằm phát triển nhanh, bền vững các cụm liên kết ngành kinh tế biển tạo dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia đến năm 2030, Quy hoạch không gian biển quốc gia đang được xây dựng với quan điểm xuyên suốt là phân vùng không gian biển dựa vào hệ sinh thái, tạo cơ sở và không gian liên thông cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối đất liền với biển, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2030 hình thành 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 892/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục