Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 là khởi đầu bản hùng ca oanh liệt của Hải quân nhân dân Việt Nam, của quân, dân miền Bắc trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; là chiến thắng của ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng; là biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. 59 năm sau, bài học về chiến thắng trận đầu vẫn còn hết sức tươi mới, soi rọi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Tàu Hải quân đánh trả máy bay Mỹ tại Hòn Gai, Quảng Ninh, trong trận ngày 5/8/1964. Ảnh: Tư liệu BTHQ/TTXVN phát
Do bị sa lầy và thất bại trong cuộc chiến tranh đặc biệt ở miền Nam, đế quốc Mỹ âm mưu mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam. Những ngày cuối tháng 7/1964, Mỹ đã cho các tàu thuộc Hạm đội 7 liên tục hoạt động trinh sát, khiêu khích vào sát bờ biển miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt, đêm 31/7/1964, tàu khu trục USS Maddox của Hải quân Mỹ đã đi dọc bờ biển từ tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đến Thanh Hóa để trinh sát, khiêu khích và uy hiếp các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, có lúc chỉ cách bờ biển 8 hải lý.
Quyết trừng trị hành vi xâm phạm vùng biển của Tổ quốc, ngày 2/8/1964, khi tàu khu trục USS Maddox tiến sâu vào vùng biển Việt Nam, chấp hành chỉ thị của cấp trên, Bộ Tư lệnh Hải quân đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 135 tổ chức biên đội 3 tàu phóng lôi là 333, 336, 339 của Phân đội 3, do tàu 333 chỉ huy, tiến công địch. Trận đánh diễn ra trên vùng biển khu vực đảo Hòn Mê (Thanh Hóa). Bằng tinh thần dũng cảm, dám đánh, quyết đánh và đánh thắng, biên đội tàu của Phân đội 3 đã đánh đuổi tàu khu trục Maddox ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đây là chiến công đầu tiên của Bộ đội Hải quân.
Sau khi tàu khu trục USS Maddox bị đánh đuổi, chính quyền Mỹ dựng lên cái gọi là "sự kiện Vịnh Bắc Bộ". Ngày 5/8/1964, Mỹ huy động tối đa lực lượng của Hạm độ 7 gồm hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, chia làm 3 đợt tấn công vào các mục tiêu kinh tế và hầu hết các căn cứ, khu trú đậu quan trọng của hải quân Việt Nam suốt dải ven biển từ sông Gianh (Quảng Bình) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh). Tuy nhiên, chúng đã bị Bộ đội Hải quân cùng quân và dân miền Bắc đánh trả quyết liệt. Ở trận chiến này, quân và dân Việt Nam đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống một giặc lái.
Cùng với chiến công ngày 2/8 đánh đuổi tàu khu trục Mỹ, chiến thắng ngày 5/8 đã mở đầu trang sử oanh liệt, hào hùng của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, góp phần cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam ở miền Bắc và đồng bào miền Nam thi đua đánh giặc lập công, quyết tâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Chiến thắng trận đầu của Bộ đội Hải quân và quân dân miền Bắc có tiếng vang lớn trên thế giới, khẳng định ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam: Không chịu khuất phục, dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Chiến thắng trận đầu được Bác Hồ khen ngợi: "Các chú đã lập được thành tích lớn trong các cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ vừa qua. Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ và bắn hỏng 3 chiếc. Các chú đã bắt sống phi công Mỹ, đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Như vậy là rất tốt”.
Hoạt động huấn luyện, bắn đạn thật trên biển của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Ảnh: TTXVN
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Hải quân nhân dân Việt Nam đã phối hợp với một bộ phận lực lượng vũ trang Quân khu 5 "Thần tốc, táo bạo, bí mật, bất ngờ” tiến công giải phóng các đảo thuộc Trường Sa, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc.
Sau năm 1975, khí phách anh hùng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc lại được cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam tô thắm. 64 liệt sỹ đã nằm lại rạn đá Gạc Ma trong sự kiện Trường Sa 1988. Các anh đã kê cao thêm nền Tổ quốc giữa đại dương bao la, để biển, đảo Việt Nam một màu xanh bất tử. Sự hy sinh cao cả vì Tổ quốc của cán bộ, chiến sỹ Hải quân đã tạo nên khí phách Trường Sa. Đó là lòng yêu nước, trí tuệ con người Việt Nam; truyền thống nhân nghĩa, hữu nghị; mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Các chiến sĩ tuần tra trên biển thuộc đảo Phan Vinh B. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Phát huy truyền thống và tinh thần mưu trí, sáng tạo trong đánh thắng trận đầu, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Hải quân nhân dân Việt Nam đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng Quân chủng Hải quân theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thực sự là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân trên biển. Quân chủng được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân quan tâm, đầu tư xây dựng nên phát triển nhanh về tổ chức biên chế, mạnh về vũ khí trang bị, tàu thuyền. Cùng với phát triển lực lượng, đóng quân trên các địa bàn trọng điểm, cửa ngõ của đất nước, Hải quân nhân dân Việt Nam được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, thế hệ mới.
Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay đang đặt ra nhiều thử thách, phức tạp và yêu cầu ngày càng cao. Nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân cũng vì vậy ngày càng nặng nề, khó khăn hơn. Với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, sự động viên to lớn của các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân; với bản lĩnh, kinh nghiệm, truyền thống anh hùng và đặc biệt là với bài học về chiến thắng trận đầu còn hết sức tươi mới, soi rọi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, từng cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển.
Theo Baotintuc.vn
Ngày 24/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 886/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Từ năm 2018 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai quyết liệt nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Ngày 20/7, Trung tướng Nguyễn Văn Bổng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân cùng đoàn công tác Quân chủng đến thăm và tặng quà gia đình Thiếu tướng Mai Năng tại phường Nghĩa Xã, quận Lê Chân, TP Hải Phòng nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2023).
Sáng 18/7, tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Vùng 5 Hải quân phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và Quỹ học bổng Vừ A Dính tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa tặng gia đình cựu chiến binh Phạm Hoàng Phương.
Ngày 10/7, tại đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang, Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4 đã bàn giao một đối tượng truy nã cho Công an tỉnh Bến Tre để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày 11/7, Đối thoại Biển lần thứ 11 với chủ đề "Hoạt động phức hợp: Thúc đẩy hay cản trở trật tự trên biển” do Học viện Ngoại giao, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam (KAS) đồng tổ chức đã diễn ra tại Hải Phòng.