Về Vùng 2 hải quân tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào dịp cuối năm âm lịch nên không khí có phần rộn ràng, hối hả hơn. Bộ đội Vùng 2 tấp nập chuẩn bị hàng hóa, những phần quà, đón các đoàn công tác phục vụ cho chuyến tặng quà Tết các chiến sĩ Nhà giàn DK1, tàu trực và quân dân huyện Côn Đảo. Khuôn viên của Vùng rực rỡ sắc xuân cùng sự hồ hởi, tươi vui của các thành viên đoàn công tác và các chiến sĩ Hải quân Vùng 2…


Các chiến sĩ trẻ vận chuyển lá dong, quất, thiếp chúc mừng Tết lên tàu Trường Sa 16.

Nhà giàn DK1, cột mốc trên biển…

Và chuyện về Nhà dàn DK1 cứ tuôn trào như sóng biển trong câu chuyện của các thế hệ chiến sĩ Vùng 2… Khu vực biển DK1 nằm ở phía Đông Nam bờ biển Nam Bộ nước ta, trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam. Vùng biển này nằm án ngữ đường hàng hải quốc tế quan trọng từ Đông Bắc Á xuống Nam Á và tuyến đường hàng hải chính qua Biển Đông. Đây là khu vực biển có nguồn hải sản phong phú với trữ lượng lớn, trong đó nhiều loại thuộc dòng quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Đồng thời đây cũng là khu vực có nhiều mỏ dầu và khí tự nhiên với trữ lượng lớn, Việt Nam đã và đang khai thác phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.  

Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của khu vực biển DKI và tình hình phức tạp trên biển Đông, ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Chỉ thị số 180/CT về việc xây dựng cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ (KT-KH-DV) tại khu đá ngầm, thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)... Để xây dựng cụm KT-KH-DV được triển khai nhanh gọn, kết hợp yêu cầu phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, với sự phân công rõ ràng và phối hợp chặt chẽ. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã giao nhiệm vụ cho Uỷ ban khoa học và kinh tế Nhà nước, phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thuỷ sản, Tổng cục Khí tuợng thuỷ văn, Tổng Cục mỏ và Địa chất, Tổng cục Dầu khí, Tổng cục Kinh tế - Kỹ thuật, Tổng cục Bưu điện, Viện khoa học Việt Nam, Viện nghiên cứu Hải dương Việt Nam, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, UBND Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo triển khai nghiên cứu, thiết kế, thi công xây dựng các nhà giàn.

Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc xây dựng cụm KT-KH-DV, Ban chỉ đạo xây dựng nhà giàn được thành lập, gọi tắt là Ban DK1 trực thuộc Chính phủ. Đồng thời Quân chủng Hải quân quyết định thành lập Khung quản lý DK1 (nay là Tiểu đoàn DKI) quản lý, chốt giữ, bảo vệ trên 3 nhà giàn đầu tiên là: Nhà giàn Phúc Tần (DK1/3) xây dựng xong ngày 10/6/1989; Nhà giàn Ba kè A (DK1/4) xây dựng xong ngày 16/6/1989; Nhà giàn Tư chính A (DK1/1) xây dựng xong ngày 5/7/1989. Đây là lực lượng đầu tiên ra chốt giữ các Nhà giàn DKI... Qua nhiều giai đoạn gian khó khác nhau, Nhà giàn DK1 luôn được củng cố, nâng cấp, xây dựng mới. Đặc biệt giai đoạn từ năm 2010 - 2017, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân đã quyết định nâng cấp, đóng mới 14 nhà giàn, gồm: DK1/2, DK1/7, DK1/8, DK1/9, DK1/11, DK1/12, DK1/14, DK1/15, DK1/16, DK1/17, DK1/18, DK1/19, DK1/20, DK1/21. Hiện nay còn DK1/10 trên bãi cạn Cà Mau chưa được nâng cấp. Các nhà giàn được đóng mới hiện đại, chắc chắn, được trang bị đồng bộ, đầy đủ các trang thiết bị, bảo đảm đời sống, sinh hoạt, công tác cho cán bộ, chiến sĩ. 

Khát vọng biển xa…

Suốt 34 năm qua, biết bao đoàn công tác đã đến với Nhà giàn DK1. Chuẩn bị cho Tết Giáp Thìn 2024, cũng đã có nhiều đoàn ra khơi đem những món quà xuân cùng tình cảm của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ. Lần này, cùng với những món quà của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Vùng 2, Quỹ Hoàng Sa, Trường Sa, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, CLB Doanh nghiệp trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, CLB "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”… còn rất nhiều tập thể, cá nhân đã gửi gắm tình cảm, sự yêu thương, hơi ấm đất liền theo hành trình. Thật xúc động khi bắt gặp hình ảnh những bó lá dong, cây quất, gạo nếp, đỗ xanh, thùng thiếp chúc Tết được các chiến sĩ trân trọng chuyển lên tàu. Hay món quà của các đồng nghiệp Báo Đồng Nai là những lá cờ Tổ quốc đỏ thắm; của nhà báo Đặng Phương Hoa (Hà Giang, người từng đến nhà giàn năm 2018) là những túi măng khô, tai chua, đặc sản của miền quê cao nguyên đá…

Đồng chí Phạm Hồng Quân (Phó thuyền trưởng) xúc động chia sẻ: "Trong vòng 2 năm gần đây, tôi từng có 3 chuyến đi nhà giàn. Lần này trở lại nhà giàn nhưng cảm xúc vẫn vẹn nguyên. Vì thế, để chuẩn bị cho lần ra khơi này, chúng tôi nỗ lực vượt mọi khó khăn để làm sao có đầy đủ nhất lương thực, thực phẩm, các món quà xuân đến với cán bộ, chiến sĩ, để các đồng đội có một cái Tết ấm áp như quê nhà”.

Nhà báo Phan Đình Việt Anh công tác ở Ban truyền hình đối ngoại (VTV4) là người trẻ nhất trong đoàn công tác tâm sự: "Tự hào vô cùng khi được đến với Nhà giàn DK1. Lần đầu tiên hồi hộp, bỡ ngỡ nhưng vô cùng hồ hởi, hào hứng cho chuyến hành trình dài này. Mong rằng qua kênh VTV4, những thước phim, hình ảnh về cuộc sống, sinh hoạt và tinh thần, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn sẽ lan tỏa không chỉ tới đồng bào trong nước mà cả kiều bào ta đang sinh sống ở nước ngoài.

Nhiều thành viên nữ, dù biết đi biển thời điểm này sóng không thể hiền hòa, vỗ về nhưng vẫn xác định: Chỉ cần nghĩ được gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ nhà giàn là thấy thêm sức mạnh, cùng ý chí vượt qua sóng gió, khó khăn. Đấy là niềm tự hào, điều thiêng liêng của mỗi người khi đến với Nhà giàn DK1 anh hùng.

Bùi Huy

Các tin khác


Tàu 472, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân lai kéo tàu cá PY 96301 TS hỏng máy

Tàu 472, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại khu vực đảo Đá Nam, thuộc Quần đảo Trường Sa, lúc 19h30’ ngày 4/1 nhận lệnh của cấp trên, lai kéo tàu PY 96301 TS bị hỏng máy, thả trôi ở vị trí phía Đông đảo Song Tử Tây khoảng 8 Hải lý, sau khi nhận lệnh, mặc dù sóng gió to cấp 5 - 6 nhưng tàu 472 đã tác nghiệp, triển khai phương án cứu kéo và cơ động đi cứu kéo ngay sau đó.

Quân chủng Hải quân nắm chắc tình hình, xử trí các tình huống hiệu quả

Sáng 3/1, tại Hải Phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức Hội nghị Quân chính năm 2024. Phó Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân chủ trì hội nghị.

Chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến môi trường

Tỉnh Quảng Bình đang thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án nhằm góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách bền vững, nâng cao hiệu quả quản lý đội tàu cá, ổn định đời sống của ngư dân.

Vùng 3 Hải quân thăm, tặng quà ngư dân, con ngư dân được nhận đỡ đầu

Chiều 25/12, tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân tổ chức Chương trình thăm, tặng quà ngư dân, con ngư dân được nhận đỡ đầu năm 2023. Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng dự, chỉ đạo. Cùng dự có đại biểu lãnh đạo chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng của khẩu cảng Kỳ Hà cùng bà con ngư dân Nghiệp đoàn nghề cá của 2 xã Tam Giang và Tam Quang.

Đẩy mạnh tuyên truyền biển, đảo Tổ quốc

Công tác tuyên truyền biển, đảo năm 2023 đã đạt những kết quả tích cực. Trên cơ sở đó, Quân chủng Hải quân đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Phóng viên đã phỏng vấn Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân về vấn đề này.


Cách làm hay trong giáo dục chủ quyền biển, đảo cho học sinh

Thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh chú trọng trong công tác định hướng giáo dục đối với học sinh và triển khai nhiều chương trình giúp học sinh nâng cao kiến thức về chủ quyền biển, đảo. Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình) là một trong những đơn vị điển hình trong việc đưa kiến thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước đến học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục