(HBĐT) - Với quan điểm đảm bảo an toàn để sản xuất, sản xuất phải đảm bảo an toàn, những năm qua, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, vẫn có một số DN, người lao động (NLĐ) thực hiện chưa nghiêm túc các quy định về ATVSLĐ, còn để xảy ra tai nạn lao động. Do đó, ngoài việc các cấp, ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, các DN và NLĐ cần thực hiện tốt quy định về ATVSLĐ, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.


Công ty cổ phần Gốm Mỹ HB, xã Yên Bồng (Lạc Thuỷ) đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong các khâu sản xuất.

Khoảng 6h ngày 20/3/2023, tại khu vực máy xay nghiền đá của Công ty CP sản xuất vật liệu và xây dựng Hòa Bình, địa chỉ tại thôn Hoàng Đồng, xã Khoan Dụ (Lạc Thuỷ) xảy ra một vụ tai nạn lao động. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Hãn (sinh năm 1975), thường trú tại xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) là công nhân phụ trách máy xay nghiền đá của công ty, trong quá trình tra dầu mỡ vào băng chuyền máy xay nghiền không may bị ngã từ độ cao khoảng 4m, sau đó được đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam nhưng đã tử vong trên đường đi cấp cứu.

Theo báo cáo, trong 7 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn trong khu vực có quan hệ lao động làm chết 5 người, bị thương 1 người (2 vụ xảy ra trong ngành nghề khai thác khoáng sản; 1 vụ ngành nghề sản xuất, kinh doanh điện; 1 vụ ngành nghề sản xuất, chế biến chè). Riêng trong tháng 7 xảy ra 2 vụ tai nạn làm chết 3 người, bị thương 1 người tại Công ty TNHH hai thành viên Sông Bôi Thăng Long, Công ty TNHH MTV Phương Bắc, trong đó có 1 vụ đặc biệt nghiêm trọng làm chết 2 người, bị thương 1 người xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phương Bắc, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn).

Hàng năm, để kịp thời chấn chỉnh công tác ATVSLĐ, bảo đảm quyền được làm việc an toàn của NLĐ, sự phát triển ổn định của DN trong tình hình mới, UBND tỉnh đều kiện toàn Ban chỉ đạo Tháng hành động ATVSLĐ tỉnh. Đồng thời xây dựng, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án và các giải pháp hiệu quả, đẩy mạnh công tác ATVSLĐ. Để người sử dụng lao động và NLĐ nâng cao ý thức và thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, công tác tuyên truyền được các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức, như: trên các phương tiện thông tin đại chúng; treo băng rôn, khẩu hiệu; phát hành tờ rơi, tờ gấp... Các ngành chức năng, huyện, thành phố tăng cường phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các DN, cơ sở sản xuất thực hiện quy định của pháp luật về ATVSLĐ; tập huấn, huấn luyện cho NLĐ về công tác ATVSLĐ. Tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra tại các DN trọng điểm, có nhiều laođộng và tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSLĐ... Qua các cuộc kiểm tra, cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh, đôn đốc, nhắc nhở chủ DN củng cố, kiện toàn hội đồng bảo hộ lao động, mạng lưới an toàn viên, xây dựng, triển khai kế hoạch bảo hộ lao động, các biện pháp an toàn lao động, cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.

Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh và NLĐ về công tác ATVSLĐ, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, hướng dẫn DN thực hiện Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn về ATVSLĐ. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ, xử lý nghiêm DN vi phạm về ATVSLĐ. Yêu cầu các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là DN hoạt động khai thác khoáng sản, xây dựng, xây lắp, chế biến, chế tạo thực hiện nghiêm các nội dung như: xây dựng nội quy lao động, quy trình vận hành máy, thiết bị, biện pháp làm việc ATVSLĐ và niêm yết tại các vị trí làm việc của NLĐ. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn đối với NLĐ, nhất là những vị trí, công việc, thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, khám sức khỏe định kỳ, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ; kiểm định kỹ thuật an toàn, khai báo sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và thực hiện các quy định khác theo quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Đối với DN để xảy ra tai nạn lao động khắc phục hậu quả tai nạn lao động và thực hiện các chế độ cho thân nhân người bị nạn theo đúng quy định của pháp luật.



Đinh Thắng


Các tin khác


Tập huấn công tác quản lý, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

(HBĐT) - Tại huyện Lạc Sơn, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh vừa tổ chức hội nghị tập huấn công tác quản lý, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BNN). Gần 40 đại biểu là chủ sử dụng lao động, cán bộ quản lý, công đoàn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy tham dự chương trình.

Công ty TNHH Sankoh Việt Nam: Cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động

(HBĐT) - Là một trong những người lao động (NLĐ) làm việc lâu năm ở bộ phận sản xuất của Công ty TNHH Sankoh Việt Nam tại Khu công nghiệp Bờ trái sông Đà (TP Hoà Bình), chị Bùi Thị Ngân chia sẻ: Việc thực hiện các chế độ, chính sách quan tâm đến đời sống, sức khoẻ NLĐ và môi trường an toàn tại doanh nghiệp (DN) là yếu tố quan trọng, đảm bảo các quyền lợi, giúp chúng tôi yên tâm gắn bó với công ty.

Công ty TNHH Thiên Diệu: Tập trung đông người liên quan đến chế độ, quyền lợi người lao động

(HBĐT) - Ngày 21/7 vừa qua, khoảng 500 công nhân làm việc tại Công ty TNHH Thiên Diệu, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) tập trung trước cổng nhà máy yêu cầu lãnh đạo công ty giải quyết một số kiến nghị liên quan đến chế độ của người lao động. Trước đó, ngày 31/5, tại Công ty TNHH May xuất khẩu Lạc Sơn (xã Xuất Hoá) cũng xảy ra sự việc tương tự. Do nợ lương công nhân, trên 50 lao động đã nghỉ việc dẫn đến công ty phải tạm dừng hoạt động cho đến khi công nhân được thanh toán đủ lương.

 Liên đoàn Lao động huyện Cao Phong - điểm tựa của người lao động

(HBĐT) - Tháng 7 vừa qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Cao Phong đã phối hợp trao 5 suất quà cho đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Trước đó, chương trình thăm hỏi, tặng quà con em và bản thân người lao động (NLĐ), ĐVCĐ nghèo được thực hiện thường xuyên, là một trong những hoạt động thiết thực, chăm lo, động viên đoàn viên, NLĐ.

Chi nhánh Lạc Sơn - Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm: Cải thiện điều kiện làm việc an toàn

(HBĐT) - An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), sức khoẻ người lao động là những vấn đề cần quan tâm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiện nay, Chi nhánh Lạc Sơn - Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm, địa chỉ tại phố Lốc Mới, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) đang khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Công ty TNHH Long Bình Electronics: Quan tâm thực hiện chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

(HBĐT) - Bên cạnh việc tuân thủ các điều kiện về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), phòng chống cháy nổ, Công ty TNHH Long Bình Electronics, khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hoà Bình) quan tâm thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục