(HBĐT) - Vốn đầu tư công (ĐTC) có "sứ mệnh” rất to lớn và quý giá, đặc biệt với địa phương còn nghèo chưa tự cân đối được ngân sách chi thường xuyên như tỉnh Hoà Bình. 

Tuy vậy, việc quản lý, sử dụng vốn ĐTC bên cạnh những đơn vị, địa phương làm tốt, nhiều công trình, dự án phát huy hiệu quả, đóng góp to lớn vào tăng trưởng và phát triển của tỉnh thì cũng có địa phương, đơn vị có những công trình, dự án để lại không ít điều tiếng về hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và tính minh bạch trong thủ tục đầu tư…


 "Bệnh” cũ trong quản lý, sử dụng vốn ĐTC chưa chữa dứt điểm thì hiện nay lại xuất hiện "bệnh” mới xem ra cũng rất nan giải và không kém phần trớ trêu, đó là giải ngân vốn ĐTC. Trong khi nền kinh tế "khát” công trình, công trình "khát” vốn thì tiền vay về phân bổ cho các địa phương, các chủ đầu tư dự án đầu tư công lại vẫn nằm im thin thít trong Kho bạc Nhà nước và hàng ngày, ngân sách vẫn phải trả lãi cho khoản vốn đang nằm "chết” đó.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC 6 tháng đầu năm mới đạt khoảng 25,69% kế hoạch vốn giao của năm 2021. Nhiều cuộc họp đã được Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức để bàn làm sao "tiêu” cho hết tiền theo tối hậu thư hối thúc của tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, là đến hết quý III phải tiêu được ít nhất 60% kế hoạch vốn của năm để đảm bảo hết năm đạt 100% kế hoạch. Tuy vậy, như để biện hộ cho tình trạng không tiêu được tiền, nhiều lý do đã được đưa ra như: Thủ tục đầu tư phức tạp, vướng mắc mặt bằng thi công, thậm chí là ảnh hưởng của dịch Covid-19… Các lý do xem ra rất thuyết phục và cũng rất "khách quan”, có vẻ như "bệnh” không tiêu được tiền ngoài sức dự liệu của các nhà quản lý, chủ đầu tư và cả nhà thầu. Chuyện ngược đời ở đây là ngân sách khó khăn, Chính phủ, Quốc hội phải đi vay tiền để bố trí vốn cho các công trình, dự án mang tính quốc kế, dân sinh vô cùng cấp bách mà chính các địa phương đã đề xuất từ những năm trước, khi lập kế hoạch ĐTC trung hạn, ấy vậy mà tiền vay về lại được địa phương, chủ đầu tư "chất đống” trong kho bạc. Bên cạnh đó lại còn một nghịch lý khác, đó là nhiều công trình, dự án có khối lượng hoàn thành, tiến độ giải ngân tốt lại không được giao đủ vốn hoặc giao nhỏ giọt…, hệ lụy là nhà thầu các công trình, dự án này chiếm dụng vốn lẫn nhau, trốn tránh nghĩa vụ thuế với Nhà nước và trách nhiệm với người lao động, công trình chậm được bàn giao đưa vào sử dụng gây lãng phí lớn cho nền kinh tế.

Với tiến độ giải ngân chậm, vai trò dẫn dắt, vốn mồi, đặc biệt là vai trò tạo tổng cầu cho nền kinh tế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của vốn ĐTC không còn mấy ý nghĩa và đương nhiên, nền kinh tế cũng mất đi động lực của sự phát triển, đây chính là tác động dây chuyền ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu "kép” mà chúng ta đang kiên trì và nỗ lực thực hiện.

Soi xét các nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ĐTC của các nhà quản lý đưa ra không phải là không có cơ sở, xét trên bình diện chung cả nước thì tỉnh ta cũng không phải là địa phương cá biệt. Nhưng có một thực tế, đó là cùng một thể chế, pháp luật, cùng chịu tác động tiêu cực của kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19, song nhiều địa phương lại có tỷ lệ giải ngân ĐTC rất cao, hiệu quả đầu tư rất rõ nét, trở thành điểm sáng trong bối cảnh chung của nền kinh tế của cả nước, điều này làm cho chúng ta thực sự phải xem xét lại cách tiếp cận của mình. Điều gì xảy ra nếu kế hoạch ĐTC, các dự án được chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu đề xuất, thẩm định, phê duyệt, giao vốn? Câu trả lời đó chính là bí quyết của những địa phương đã thành công trong huy động, quản lý và sử dụng vốn ĐTC.

Với tinh thần chỉ đạo của tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là: "Nghĩ thật, nói thật, làm thật…”. Sổ tay người giám sát cũng xin nói thật, nguồn gốc sâu xa của những hạn chế trong ĐTC là yếu tố con người. Trong bộ máy của chúng ta còn tồn tại nhiều người "Nói không, nói khó, nói có mà không làm”, điều mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan hành chính và cán bộ, công chức trong hệ thống nên tránh. Đội ngũ cán bộ, công chức này vừa hạn chế về năng lực chuyên môn, vừa yếu về trách nhiệm, thiếu sự sáng tạo nhưng thừa sự trì trệ, nhũng nhiễu, bảo thủ, đùn đẩy trách nhiệm và lo thu vén cá nhân.

Đã đến lúc các cấp uỷ, tổ chức Đảng cần chủ động vào cuộc quyết liệt hơn để tạo được chuyến biến căn bản trong lãnh đạo giải ngân vốn ĐTC nói riêng và thực thi các chính sách quản lý KT-XH hiệu quả hơn. Trước mắt, cần tập trung thúc đẩy giải ngân ĐTC theo "đơn thuốc”: Xem xét, rà soát trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình ĐTC, nhất là các dự án "có vấn đề” chậm tiến độ; điều chuyển vốn đầu tư của các dự án đã giao nhưng chậm giải ngân theo kế hoạch; đánh giá "hạnh kiểm”, năng lực các chủ đầu tư, nhà thầu có dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân để "hạn chế giao việc” cho năm sau; thực hiện "điểm dừng kỹ thuật” đối với các dự án chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, không thực sự cấp bách để dồn vốn cho các công trình trọng điểm trong đề án của BTV Tỉnh uỷ "về hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH cơ bản, đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2026”; triển khai thực hiện kết luận của Tỉnh uỷ về các giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26- NQ/TW, ngày 19/5/2018 của BCH T.Ư khoá XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Và điều quan trọng để "đơn thuốc” này hiệu nghiệm chính là sự quyết tâm, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người lãnh đạo, quản lý các cấp.

                                              
N.T.S

Các tin khác


Ra sức học tập, nỗ lực phấn đấu và rèn luyện, không ngừng làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 12/6, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhắc nhở, phê bình là cần thiết để những bài học đau lòng không lặp lại

Khen thưởng động viên những người làm tốt; nhắc nhở, phê bình những người lơ là, chủ quan, chưa làm tròn trách nhiệm, gây hậu quả trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 là việc làm cần thiết và nhân văn. Đó không chỉ là nguyên tắc vận hành của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chúng ta đang xây dựng mà còn là đạo lý dân tộc, mong ước của nhân dân.

Một chuyến đi lịch sử

(HBĐT) - Ngày 5/6/1911, Anh thanh niên Nguyễn Tất Thành giã từ mái trường Dục Thanh (Phan Thiết) vào Sài Gòn. Mới 21 tuổi, Nguyễn Tất Thành đến Cảng Nhà Rồng với cái tên Văn Ba, lên làm đầu bếp trên chiếc tàu đô đốc Amiral Latouche Tréville của Pháp.

Thống nhất nhận thức, chia sẻ trách nhiệm, chung tay ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu xanh toàn cầu

Ngày 31-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị cấp cao Ðối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu đến năm 2030, được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng:

Sổ tay người giám sát: “Tự soi, tự sửa”

(HBĐT) - Trong thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng đề cập đến những sai phạm trong quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, bảo vệ rừng, vi phạm trật tự xây dựng, quản lý đô thị… ở một vài địa phương gây ít nhiều sự quan tâm của Nhân dân. Điều khá lạ lùng như báo chí nêu là các sai phạm cứ lặp đi lặp lại với những thủ đoạn không có gì mới, cũng là lấn chiếm, cũng là không phép, sai phép, cũng là kiểm tra, thanh tra xử phạt yêu cầu chấm dứt, đình chỉ… Tuy nhiên, nhiều sai phạm của tổ chức, cá nhân cứ thế ngang nhiên tồn tại kéo dài từ năm này qua tháng khác, thách thức dư luận và Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục