Xã Khoan Dụ (Lạc Thuỷ) tiếp xúc, nắm bắt các vấn đề Nhân dân quan tâm để kịp thời tham mưu cấp uỷ, chính quyền đối thoại.
Thực hiện Quy chế số 07-QC/TU, ngày 27/3/2019 của BTV Tỉnh ủy về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức CT-XH và Nhân dân, UBND huyện Lạc Thủy đã ban hành kế hoạch và công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quản lý Nhà nước thuộc chức năng, nhiệm vụ UBND huyện.
Với phương châm tập trung dân chủ, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn phối hợp rà soát những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, dư luận quan tâm để xem xét giải quyết và chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài. Để thực hiện đối thoại trực tiếp với Nhân dân, lãnh đạo UBND huyện đã trực tiếp xuống cơ sở gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân và yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị, đề xuất. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về thực thi công vụ, thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của cơ quan, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với nhiệm vụ tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Hàng tháng, báo cáo tình hình, kết quả tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về BTV Huyện ủy, Thanh tra tỉnh, Ban Tiếp công dân tỉnh.
Trong 3 năm triển khai Quy chế số 07, người đứng đầu chính quyền các cấp huyện Lạc Thủy đã tổ chức 34 cuộc đối thoại với 1.367 người tham dự; tiếp nhận 381 ý kiến (UBND huyện tiếp nhận 66 ý kiến; UBND các xã, thị trấn tiếp nhận 315 ý kiến), đã trả lời giải quyết trực tiếp tại hội nghị 246 ý kiến, 135 ý kiến trả lời sau bằng văn bản hoặc chuyển lên cấp trên...
Các ý kiến đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở trao đổi thẳng thắn và làm rõ, trả lời trực tiếp tại hội nghị, được Nhân dân chia sẻ, đồng thuận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, việc tổ chức hội nghị đối thoại trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế như: Một số kiến nghị, đề xuất của Nhân dân thông qua tiếp xúc, đối thoại chưa được giải quyết dứt điểm. Một số cơ sở thực hiện tiếp xúc, đối thoại còn hình thức, số lượng người dân tham gia chưa nhiều. Vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể CT-XH về thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau đối thoại chưa thường xuyên…
Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ cho biết: Cấp ủy, chính quyền huyện luôn mong muốn lắng nghe, tiếp thu những ý kiến chia sẻ của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, tôn trọng, hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ; luôn coi hiệu quả của việc giải quyết kết quả sau đối thoại là thước đo về năng lực, trình độ, thái độ, trách nhiệm, khả năng hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Để phát huy hiệu quả công tác đối thoại, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; trách nhiệm của chính quyền trong việc tập trung giải quyết các vấn đề ở cơ sở, chú trọng giải quyết những phản ánh, kiến nghị, yêu cầu chính đáng của người dân sau tiếp xúc, đối thoại. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu, thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường phối kết hợp giữa các cấp, ngành trong thực hiện nhiệm vụ được giao; chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện những vấn đề mới phát sinh. Tập trung công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở, các vụ việc tồn đọng kéo dài về đất đai, môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách an sinh xã hội… đảm bảo khách quan, chính xác, đúng thủ tục, trình tự, thời hạn.
Đinh Thắng