Văn học, nghệ thuật (VHNT) là lĩnh vực tinh thần đặc thù gắn liền với cái tôi chủ thể, sáng tạo bằng cái tôi cá nhân. Cái tôi phải hằn rõ mới có thể làm nên cái cá biệt, cái riêng, vốn là những tiền đề cơ bản để tạo ra cái bản sắc.

Với một tác phẩm nghệ thuật, nếu không có bản sắc thì thiếu sức sống, nhợt nhạt, ít giá trị. Một nền văn hóa lớn cố nhiên vừa là sự tổng cộng số học, vừa là sự tích hợp, tiếp biến của nhiều tác phẩm có bản sắc. Nói tổng cộng, số học là nói về hình thức, cái thấy được; nói sự tích hợp, tiếp biến là nói về giá trị nội dung (nhất là giá trị văn hóa). Các tác phẩm lớn luôn có sức ảnh hưởng, chi phối, thậm chí trở thành "mẫu gốc” vượt cả không gian và thời gian. Nhìn ở góc độ nào cũng thấy sự cần thiết của cá tính nghệ sĩ vì nếu thiếu thì không thể có tác phẩm giá trị. Những nghệ sĩ lớn trước hết là những cá tính độc đáo.

Nghệ sĩ vẫn là con người, phải sống với đời thực, phải sinh hoạt, học tập, quan hệ xã hội... nhưng thiên chức của anh ta là tạo ra "cuộc sống thứ hai”, tức tác phẩm. Anh ta phải sống, phải "đi, về” giữa hai thế giới, thế giới của đời thực và thế giới trong tưởng tượng với những nhân vật, hình tượng, chi tiết...

Người ta hay dùng các từ "phân thân”, "hóa thân”, "nhập thân”... khi nói về quá trình sáng tạo là vì vậy. Dựa vào đặc trưng này, tâm lý học nghệ thuật hiện đại cho rằng nghệ sĩ dễ sa vào tình trạng đa nhân cách, thất thường, dễ ảo tưởng, hay xúc động, cực đoan... Đây sẽ là điểm yếu khi có người thiếu bản lĩnh, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt... Nếu nghệ sĩ không tỉnh táo, nhà quản lý lại nhìn nhận đơn giản, một chiều sẽ dễ đẩy vấn đề càng đi về phía tiêu cực, có hại...



Ảnh minh họa /tuyengiao.vn  
Quy luật tồn tại và phát triển của VHNT là quy luật của cái riêng, cái đơn nhất với cơ sở gốc là cá tính sáng tạo mà sự hình thành của nó, ngoài năng khiếu chủ quan còn là sự may mắn hội tụ tinh hoa của thời đại, vùng văn hóa, cuộc sống, nghề nghiệp... Khi kết tinh thành tài năng, cá tính sáng tạo lại trở về hòa nhập với đời sống. Các tác phẩm của họ như những hạt lúa vào mẩy luôn có xu hướng níu mình về gốc. Những Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du... đều như thế. Không phải ngẫu nhiên, khi già dặn, họ lại thường viết về cái bình thường, nhỏ bé, như: Cây chuối, cây rau, hớp cháo...!

Cá tính sáng tạo không được điều chỉnh, như con ngựa hoang hiếu chiến, hiếu thắng-nếu gọi đích đáng thì đó là chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tự phụ, tự cao, nổi loạn, phá phách... Cũng là cây xanh nhưng chưa sâu rễ, nhất là chưa quang hợp nhiều ánh sáng lý tưởng, chưa trải qua bão tố, có thể kết trái nhưng chưa chuyển hóa đủ dinh dưỡng văn hóa... Muốn loại cây này có ích cho đời, chỉ có cách là trồng nó vào vùng đất mới hoặc có chế độ chăm sóc đặc biệt!

Một biểu hiện rõ nhất của chủ nghĩa cá nhân trong lĩnh vực văn nghệ ở mọi thời là thoát ly cuộc sống, xa lạ với tư tưởng, tâm hồn, cách nghĩ, cách cảm của người lao động. Cá biệt lại có những suy nghĩ viết để nổi danh, có tên tuổi, muốn thế phải "gây hấn”, phải viết ngược, phải tạo scandal để gây chú ý. Chả khác gì cô gái không đẹp phải tự "lộ hàng” quảng cáo, "đóng đinh” vào mắt người yếu bóng vía...!!! Cũng vì "ăn xổi” mà "tác phẩm” không chịu kế thừa tinh hoa truyền thống, không chịu tiếp thu giá trị văn hóa nhân loại nên thiếu chiều sâu, hàm lượng văn hóa thấp, nhạt nhẽo. Nhưng vì sao vẫn có người đọc?

Vì gợi vào tâm lý thích cái lạ, cái bản năng của số ít độc giả, hoặc thủ thuật câu khách, quảng bá giật gân... Cũng dễ hiểu, có nghệ sĩ tài năng trong quá khứ nhưng do bị chi phối của cái tôi cá nhân mà ngày một xa rời lợi ích nhân dân, khư khư tự ôm lấy cái quan niệm cực đoan, ích kỷ, độc đoán, không chịu mở lòng hòa vào thế giới anh em đồng chí, cùng lo, cùng vui với số phận đất nước, cứ tách ra, đi riêng, thậm chí đi ngược.

Nghệ sĩ luôn sống trong cái tôi cô đơn. Cô đơn để suy ngẫm, để tưởng tượng không chỉ về cái tốt, tích cực mà cả cái xấu, cái thấp hèn, tiêu cực. Vì sứ mệnh của nghệ thuật chân chính vẫn phải sáng tạo về cái xấu để người đọc hiểu mà tránh xa nó, tiêu diệt nó. Có khi vì sống quá sâu với nhân vật mà có nghệ sĩ phát ngôn không phải cho cá nhân mình mà nói thay cho nhân vật (xấu), nên dễ gây ngộ nhận. Trường hợp này rất cần sự thông cảm, thể tất với đặc thù sáng tạo. Nhưng khi cái tôi bị đẩy đến cực đoan, vượt ngưỡng, thì một hạn chế của số người này là quá đề cao cá nhân, chỉ mình là nhất, rồi coi thường, coi rẻ sản phẩm nghệ thuật cũng như nhân cách đồng nghiệp.

Thế là dẫn tới quan hệ "cánh hẩu”, khen vống những ai hợp mình, vùi xuống bùn kẻ khác mình, có khi "không được ăn thì đạp đổ”. Nguy hiểm hơn khi có người như vậy lại là thành viên trong hội đồng tuyển chọn, xét duyệt sẽ dẫn tới sự thiếu công bằng, gây ra dư luận không tốt... Với họ sự khen chê chẳng qua cũng vì thỏa mãn cá nhân mình, để làm nổi cá nhân mình. Nguyên nhân của trường hợp này, ngoài sự quá lớn của cái tôi thì còn là do ít hiểu biết về sự mênh mông vô tận của tri thức nhân loại. "Ếch ngồi đáy giếng” là thế, chỉ nhìn thấy bầu trời bằng cái miệng giếng mà thôi! 

Cần có những giải pháp khắc phục nào?

Tình trạng nhàn nhạt, quanh quẩn với những đề tài tình yêu, tình dục, tiêu cực xã hội, tha hóa tính người... không sâu sắc, thiếu tính tư tưởng... dẫn tới tình trạng bạn đọc xa dần VHNT. Tự thân nội dung vấn đề trình bày bên trên cũng đã cho thấy hướng khắc phục, để rõ hơn, xin lưu ý:

Một là, rất cần tôn trọng sự tự do sáng tạo, nhưng phải đặc biệt quan tâm việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị, quan điểm, lập trường cho văn nghệ sĩ. Văn học là vấn đề tư tưởng. Lịch sử nghệ thuật cho thấy, các nghệ sĩ lớn luôn tự do sáng tạo theo một xu hướng, trường phái nhất định. Sáng tạo theo học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là sáng tạo theo tinh thần nhân văn, tiến bộ, hoàn toàn hợp với quy luật tư tưởng và tình cảm của nghệ thuật.

Tư tưởng sẽ chuyển hóa để rồi trở thành máu thịt của tác phẩm. Để có tư tưởng phải là quá trình lâu dài, từ thấu hiểu (nhận thức) sâu sắc cuộc sống đến thấu cảm (đồng điệu, hòa nhập) vào hình tượng, cộng cảm (tiếp nhận, chia sẻ, lan tỏa) với cõi nhân sinh để có một mẫu số văn hóa chung mới có thể truyền cảm một cách sâu xa (nghệ thuật) tới đối tượng tiếp nhận. 

Hai là, nên tổ chức các chuyến đi sâu, dài ngày vào thực tế, người nghệ sĩ sẽ được hiểu kỹ hơn một mảng đời sống, sẽ có những vui buồn thật sự, cảm thông và chia sẻ với người lao động. Nghệ sĩ chỉ có thể kiến trúc mô hình và xây dựng tác phẩm từ mô hình và chất liệu ngoài cuộc sống. Vai trò lãnh đạo của hội chuyên ngành rất quan trọng, ngoài uy tín tài năng thì còn là tài tổ chức. Không chỉ là tổ chức trao đổi, gặp gỡ, thăm hỏi, cơ bản hơn là tổ chức ra các khuynh hướng, các trường phái sáng tạo phù hợp với sự phát triển, từ đó tạo ra các tranh luận học thuật để nảy ra các tư tưởng nghệ thuật mới.

Các nền văn học lớn đều có các trường phái vừa thống nhất, kế thừa, giao thoa, vừa tranh biện, bổ sung, loại trừ để cùng phát triển. Văn hay dở là do người viết. Hiện nay, các triết học trên thế giới đang rất đề cao chủ thể, vấn đề "mỹ học chủ thể” được nói đến nhiều. Nghĩa là coi tác giả mang tính quyết định chất lượng tác phẩm. Nghệ thuật là cái riêng, đơn nhất nên luôn cần đến tài năng. Vốn sống, vốn tri thức văn hóa của nhà văn luôn được coi là vấn đề gốc để "cây nhà văn" cường tráng, khỏe mạnh mà kết thành "quả tác phẩm" giàu chất bổ dưỡng. 

Ba là, luật hóa xuất bản, thể chế hóa dưới luật một cách cụ thể về trách nhiệm để tránh xuất bản, phát sóng những văn hóa phẩm kém chất lượng.

Bốn là, tăng cường hơn nữa sự định hướng của các cơ quan quản lý và tiếng nói chuyên môn, chuyên gia cao cấp. Những nơi đó đóng vai trò vừa là cánh tay nối dài của Đảng, vừa là ngôi nhà chung, là điểm tựa của văn nghệ sĩ về tư tưởng, tình cảm, nghiệp vụ, đồng thời là sự khẳng định có trọng lượng học thuật cao nhất về các hiện tượng. Như một lẽ tự nhiên, văn chương phải có người đọc nên nhiều nước phát triển có chiến lược bồi dưỡng các thế hệ độc giả, gọi chung là "mỹ học tiếp nhận”. Có tác phẩm hay nhưng bạn đọc thờ ơ vì không hiểu, không hợp thị hiếu thì thật phí. Nhiều nhà văn nổi tiếng thế giới đều có đối tượng độc giả riêng là vì thế. Có nhà văn ở ta chưa chú ý tới bạn đọc dẫn tới sách chủ yếu vẫn nằm trên giá thư viện. 

Năm là, bên cạnh việc tiếp thu lý luận văn nghệ nước ngoài, cơ bản hơn cần có chiến lược nghiên cứu tiếp thu, kế thừa, phát triển lý luận văn nghệ của cha ông. Xin nhắc lại lời Bác Hồ, sáng suốt, sâu sắc, tinh tế vô cùng: "Muốn thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta, thì phải đừng bị trói buộc bởi những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây... phải dựa trên tiêu chuẩn của ta. Tiêu chuẩn ấy là gì? Đó là nền mỹ học ẩn chứa trong thực tiễn truyền thống nghệ thuật dân gian, dân tộc” (1).

Chúng ta đang cố gắng làm giàu thêm lý luận VHNT bằng cách tiếp thu cái hợp lý của lý luận nước ngoài. Đấy là một hướng đi đúng. Nhưng thiết nghĩ, song hành với hướng đó và cơ bản hơn là phải đi sâu vào vốn cổ của ta để tìm tinh hoa lý luận truyền thống cha ông mà kế thừa, phát triển, nâng cao cho phù hợp với hôm nay. Bởi lý thuyết nước ngoài bao giờ cũng có độ vênh lệch, chưa nói đến có sự áp đặt, khiên cưỡng.

Mỹ học của cả một nền văn học dân gian rồi văn học trung đại là cả một kho vàng tư tưởng còn chìm trong các sáng tác văn chương. Chỉ có điều phải bỏ công tìm tòi, suy ngẫm bởi chúng ẩn sâu trong các hình tượng thẩm mỹ chứ không hiển hiện triết lý khô cứng ra bên ngoài. Chỉ xin đề cập tới một Nguyễn Trãi mà chúng tôi tìm hiểu đã thấy ở nhà tư tưởng lớn này cũng có hẳn một hệ mỹ học riêng với: Tư tưởng mỹ học về con người văn hóa, về thiên nhiên, về phạm trù cái đẹp; một quan niệm sứ mệnh nghệ thuật vì con người; quan niệm hiện đại về quy luật vận động đặc thù của nghệ thuật; một mỹ học chủ thể; một mỹ học tiếp nhận(2).

Không chỉ ở Nguyễn Trãi mà còn cả một kho tàng mỹ học mà cha ông đã học tập, tiếp thu, kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cao một cách tuyệt vời mỹ học truyền thống, thể hiện tinh tế trong trước tác. Đó là cả một mỏ vàng mà hậu thế chúng ta phải tìm tòi, khai thác, tinh luyện. Truyền thống lý luận của ta, ngoài những hiển ngôn trên văn bản còn thường thể hiện dưới dạng tác phẩm mà ngay ở thời hiện đại cũng có, ví như câu thơ hay của Phạm Tiến Duật: "Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay” phải chăng còn có ý về chủ thể sáng tạo: Nghệ sĩ phải quên mình, làm mới mình để sáng tạo. Tác phẩm nghệ thuật phải có chức năng làm đẹp và nuôi dưỡng sự sống!


                                                   Theo QĐND

Các tin khác


Đẩy lùi nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ: Bài 3 - Ngăn những “tổ mối” trong “con đê” phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn. Thế nhưng, trong quá trình đó cũng bộc lộ không ít khuyết điểm, hạn chế, nhất là nạn tham nhũng, tiêu cực có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Đây được ví như những "tổ mối” làm gia tăng nguy cơ, thách thức ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.

Đẩy lùi nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ: Bài 2 - Không ngủ quên trên "vòng nguyệt quế"

Nhìn lại chặng đường hơn 35 năm đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu đó là cả quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nhưng chúng ta cũng không ngủ quên trên "vòng nguyệt quế” bởi nguy cơ tụt hậu về kinh tế vẫn hiện hữu.

Đẩy lùi nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ: Bài 1 - Nguy cơ "chệch hướng” và "người thuyền trưởng” vững lái

Ngay từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (từ ngày 20 đến 25-1-1994), Đảng ta xác định 4 nguy cơ cản trở thực hiện mục tiêu chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta, đó là: Tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; chệch hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN); nạn tham nhũng và tệ quan liêu; "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Các nguy cơ đó có liên quan mật thiết, tác động lẫn nhau.

Sổ tay người giám sát: Liêm chính trong thực thi nhiệm vụ, công vụ

(HBĐT) - Có các giải pháp cụ thể, quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết trúng các điểm nghẽn đang gây cản trở. Cần thay đổi mạnh mẽ tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Đổi mới công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân

(HBĐT) - "Công tác tiếp xúc, đối thoại (TX, ĐT) của hệ thống chính trị và công tác dân vận chính quyền (DVCQ) nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác DVCQ, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, vấn đề thực tiễn đặt ra, xây dựng hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đưa nhanh nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp vào cuộc sống" - đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho biết.

Văn hóa trong Đảng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức

Đảng càng văn minh, nhân văn, càng phải lấy văn hóa làm nền tảng. Khi nói văn hóa làm nền tảng cho công việc xây dựng Đảng tức là chủ yếu nói đến văn hóa trong chính trị, trong nhân cách của cán bộ, đảng viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục