Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2024), Giáo sư, Tiến sỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết với tiêu đề: "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng".

Theo ý kiến của nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân, bài viết không chỉ truyền đi những thông điệp để tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân mà từ đó, mỗi người tự xác định rõ những mục tiêu, công việc cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ được giao, từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức quyết tâm xây dựng đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Như một Văn kiện của Đảng

Bài viết gồm 3 phần chính: Phần thứ nhất - Đảng ta ra đời, lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; phần thứ hai - Đảng lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; phần thứ ba - Phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước và cách mạng vẻ vang, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và năm 2030, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

Đảng viên Hà Ngọc Anh, nguyên Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xem như một Văn kiện của Đảng ở mức khái quát nhất có thể. Bài viết bao quát quá trình Đảng ta ra đời, lãnh đạo đấu tranh giành độc lập, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

"Nhìn lại chặng đường 94 năm vẻ vang qua từng phần của bài viết, dâng lên cảm xúc tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời đặt ra trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đoàn kết xây dựng đất nước giàu đẹp và phồn vinh, nhất là các thế hệ trẻ. Bài viết của người đứng đầu Đảng ta đã góp phần quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, rèn luyện ý chí tự lực tự cường, noi gương truyền thống anh hùng của cha ông ta để tiếp tục viết lên những trang sử vàng, góp sức xây dựng đất nước lên tầm cao mới, có vị trí xứng tầm trong khu vực và trường quốc tế", ông Hà Ngọc Anh nói.

Một trong những điều ấn tượng nhất của nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương về bài viết đó là Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh về vai trò và vị trí của nhân dân, mối quan hệ giữa Đảng với dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; dựa vào dân để xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò của nhân dân cũng như sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhấn mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, bài viết của Tổng Bí thư đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và yêu cầu "làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn". 

Có nhiều năm công tác trong ngành Dân vận của Đảng, ông Hà Ngọc Anh mong muốn Đảng ta tiếp tục làm tốt công tác đại đoàn kết dân tộc, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Toàn dân ta đồng lòng, triệu người như một, cùng Đảng tạo thành một khối thống nhất, "không có khe hở", không cho các thế lực thù địch lợi dụng chen vào phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bài viết Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc'", do đó, để làm tốt công tác dân vận và phát huy công tác đại đoàn kết toàn dân trong thời kỳ mới, ông Hà Ngọc Anh đề xuất tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; thường xuyên rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất; giải quyết dứt điểm khiếu kiện, bức xúc cũng như những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đẩy mạnh việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; phát huy quyền làm chủ của người dân, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác vận động, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân.

Nhân lên niềm tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, toàn Đảng, toàn dân ta đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm tới vùng sâu vùng xa; vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo và công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới.

Khơi dậy niềm tự hào về Đảng quang vinh

Nghiên cứu bài của Tổng Bí thư, Đại úy Đỗ Xuân Điềm, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Na Cô Sa (huyện Nậm Bồ, tỉnh Điện Biên) cho rằng, đây là bài viết rất quan trọng, có giá trị khoa học, lý luận và tổng kết thực tiễn sâu sắc, khơi dậy niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng.

Bài viết đã khái quát quá trình hình thành, phát triển của Đảng và thành tựu đạt được của đất nước ta trong 94 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng; đúc kết những bài học kinh nghiệm và chỉ ra một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đồng thời khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tổng Bí thư đã nêu rõ: "Luôn luôn phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; dựa vào dân, lấy "dân là gốc", khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng "thế trận lòng dân", lấy "yên dân" là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Là một đảng viên trẻ, Đại úy Đỗ Xuân Điềm cảm nhận rõ niềm vinh dự, tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng ta. Nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư, Đại úy Điềm xác định rõ hơn trách nhiệm, động lực và niềm tin của bản thân để nỗ lực cống hiến, đóng góp sức trẻ cùng toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Theo Đại úy Đỗ Xuân Điềm, bài viết của Tổng Bí thư nhấn mạnh nhiệm vụ "Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước”. Có thể nói, sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, được Đảng ta xác định là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa lâu dài đối với quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; do đó, rất cần có sự cống hiến và trách nhiệm của các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Là thế hệ trẻ trong thời đại Hồ Chí Minh, khát khao lớn nhất của bản thân Đại úy Điềm cũng như của tuổi trẻ Đồn Biên phòng Na Cô Sa nói chung, đó là được cống hiến hết mình cho Tổ quốc, phục vụ quân đội, phụng sự nhân dân bằng một niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng; được rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành để có thể đóng góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh hơn, hiện thực hóa mong ước "dân tộc Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu” mà Bác Hồ đã đặt niềm tin và giao phó cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Với vai trò là Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Na Cô Sa, Đại úy Điềm nêu rõ, thấm nhuần tư tưởng, nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”, tuổi trẻ Đồn Biên phòng Na Cô Sa quyết tâm học tập, nghiên cứu, sáng tạo để tìm ra nhiều mô hình, sáng kiến mang tính thực tiễn, phù hợp với điều kiện và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Đồng thời tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về chương trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới.

"Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là giúp cho nhân dân ổn định cuộc sống, thoát nghèo; đóng góp chung vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia", Đại úy Đỗ Xuân Điềm nói.


Theo TTXVN

Các tin khác


Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập của Việt Nam

Trong gần 40 năm đổi mới - xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển, chúng ta đã làm tốt việc xây dựng, hình thành nhiều thể chế, tuy nhiên, hiệu lực, hiệu quả của thể chế trong thúc đẩy văn minh xã hội chưa thể hiện rõ ràng. Thành tựu về kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững là không thể phủ nhận, song về cơ bản, nhiều khía cạnh của đời sống xã hội còn mang nặng dấu ấn của văn minh nông nghiệp.

Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”: Cán bộ Quân đội “7 dám” là phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn hiện nay

Phương châm xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ Quân đội "7 dám” theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương (QUTƯ) là sự tiếp nối và cụ thể hóa những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn hiện nay. Đây là sự phát triển tư duy lý luận với nội hàm mới, yêu cầu mới, đòi hỏi ngày càng cao đối với phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ Quân đội trong giai đoạn cách mạng mới. Vì thế, mọi sự rêu rao, xuyên tạc về vấn đề này cần kiên quyết vạch trần, bác bỏ.

Chú trọng thúc đẩy giao lưu văn hóa, công tác tư tưởng, lý luận giữa Việt Nam và Trung Quốc

Chiều 11/1, tại Phủ Chủ tịch, trong buổi tiếp đồng chí Lý Thư Lỗi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị trong thời gian tới, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tập trung phát huy tối đa truyền thống quan hệ rất đặc biệt, rất tốt đẹp giữa 2 Đảng, 2 nước; quán triệt sâu sắc nhận thức chung của 2 đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, để triển khai thực hiện thật tốt các nội dung công việc chung.

Tâm lý bất mãn - trạng thái nguy hiểm dễ bị kẻ xấu lợi dụng

Trong cơ quan, đơn vị, cũng như xã hội thường có những người bất đắc chí, không được toại nguyện theo nhu cầu bản thân, từ đó sinh ra trạng thái buồn chán, bất mãn, luôn nhìn đời bằng lăng kính xám màu.

Thanh niên Quân đội tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Kế thừa truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, những năm qua, thanh niên Quân đội đã ra sức rèn luyện, phấn đấu, giữ vững và phát huy phẩm chất chính trị; sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, vất vả, đầy gian khổ, hy sinh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời là lực lượng nòng cốt trong tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.

Bảo vệ di sản Hồ Chí Minh là góp phần bảo vệ "nền văn hóa tương lai"- Bài 2: Hồ Chí Minh khai sáng nhiều giá trị phù hợp với sứ mệnh của UNESCO

"Những giá trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo đuổi suốt cuộc đời mình cũng rất gần với những giá trị mà UNESCO đã và đang thúc đẩy kể từ khi thành lập năm 1945 đến nay. Nhiều triết lý, tư tưởng, phương châm sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có giá trị với chúng ta ngày nay. UNESCO vui mừng nhận thấy các giá trị Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục được thúc đẩy không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên toàn thế giới”. Đó là chia sẻ của ông Michael Croft, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) tại Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục