(HBĐT) - Ngày 9/1/2013, đồng chí Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Báo Hòa Bình xin trân trọng đăng tải toàn văn Chỉ thị.
Hiến pháp là văn bản chính trị - pháp lý, là đạo luật cơ bản, luật gốc của nhà nước. Hiến pháp phản ánh ý chí, lợi ích của toàn dân tộc. Thông qua Hiến pháp, tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân được khẳng định. Nhân dân trao quyền cho các cơ quan Nhà nước, bảo đảm tính hợp pháp cao nhất của việc thực hiện quyền lực nhà nước. Từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời đến nay đã có 4 bản Hiến pháp, Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992. Mỗi bản Hiến pháp đều ghi nhận những thành quả cách mạng to lớn mà nhân dân Việt
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được chỉnh lý đã được công bố để lấy ý kiến trên trang thông tin điện tử. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992, bao gồm: lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đạt được những yêu cầu theo tinh thần Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 28/12/2012 của Bộ Chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Nghị quyết số 38/2012/QH13, ngày 23/11/2012 của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp uỷ đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số yêu cầu, nhiệm vụ sau đây:
1. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 và Kết luận Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng cần đưa nội dung này vào sinh hoạt của Chi bộ, để quán triệt trong toàn thể đảng viên về mục đích, quan điểm, định hướng trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
2. Bám sát Nghị quyết số 38/2012/ QH13 của Quốc hội và Kế hoạch lấy ý kiến của nhân dân của Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ ở cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương.
Đôn đốc, kiểm tra và tạo điều kiện cần thiết để tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong quá trình tổ chức lấy ý kiến.
Chỉ đạo tổng hợp, xây dựng báo cáo đóng góp ý kiến của nhân dân đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, phản ánh đầy đủ, chính xác ý kiến của nhân dân.
3. Đảng uỷ Quân sự tỉnh, Đảng uỷ Công an tỉnh lãnh đạo, kiểm tra việc lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong lực lượng Quân sự tỉnh, Công an tỉnh. Chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
4. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích và yêu cầu của việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; về nội dung, hình thức và đối tượng lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu cơ quan tổ chức trong việc lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời phát huy cao nhất vai trò làm chủ của nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tham gia đóng góp ý kiến.
Đài PT-TH tỉnh, Báo Hoà Bình mở chuyên trang - chuyên mục hướng dẫn nhân dân góp ý, đăng tải các ý kiến của nhân dân, đồng thời giải đáp những thắc mắc mà nhân dân chưa rõ.
5. Đảng đoàn HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 38/2012/QH13, ngày 23/11/2012 của QH và Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP của ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992, xây dựng báo cáo tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân trên địa bàn báo cáo Chính phủ và ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992. Thành lập Ban Chỉ đạo giúp Thường trực HĐND tỉnh trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
6. Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các huyện uỷ, thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc và các cấp uỷ đảng tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Văn phòng Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Chỉ thị.
Chỉ thị này được phổ biến đến Chi bộ.
Ngày 28/12/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bắt đầu ngày 02-01-2013 và kết thúc vào ngày 31-3-2013. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.