Bà Bùi Thị Bình thường xuyên cập nhật thông tin thời sự trên báo chí.
(HBĐT) - Bà Bùi Thị Bình, nguyên là Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, nữ lãnh đạo uy tín, thành công ở nhiều cương vị công tác trong và ngoài tỉnh - nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (từ năm 2002 - 2012) - nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về vấn đề dân tộc, miền núi, đặc biệt là vấn đề về phụ nữ dân tộc... Hiện nay, bà đã nghỉ hưu và sinh sống tại Hà Nội nhưng bà vẫn luôn theo dõi thông tin, thời sự của tỉnh, tham gia CLB nữ lãnh đạo tỉnh và đặc biệt từ kinh nghiệm thực tế phong phú, bà đã có những ý kiến tâm huyết giúp cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh có kinh nghiệm, bài học quý trong bầu cử và các hoạt động công tác Hội.
Sau tái lập tỉnh bà Bình được giao làm Chủ tịch Hội LHPN tỉnh. Đến năm 1992, bà tham gia Quốc hội (khóa IX), năm 1996 được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nhận chức Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (năm 1997). Đến cuối năm 1998, bà chuyển sang làm Bí thư Thị ủy Hòa Bình; cuối năm 1999 làm Chủ tịch HĐND tỉnh (nhiệm kỳ 1999 - 2004). Năm 2002, bầu cử ĐBQH khóa XI, bà chuyển về Hà Nội công tác, giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XI cho đến năm 2012 (nghỉ hưu)...
Là một người con sinh ra, lớn lên trên quê hương Yên Trị (Yên Thủy), bà luôn tự hào, trân trọng truyền thống quê hương, dân tộc, từ đó cố gắng, nỗ lực học tập, làm việc không mệt mỏi để đạt hiệu quả công việc cao nhất. Bà Bình chia sẻ: “Trong quá trình học tập và công tác tại Hòa Bình, tôi đã nỗ lực vượt qua khó khăn, học tập, làm việc, tạo niềm tin, sự ủng hộ của gia đình, đồng nghiệp”. Khi là lãnh đạo, ĐBQH, bà luôn chuẩn bị chu đáo, cẩn thận kiến thức, thông tin, tài liệu, kỹ năng thuyết trình trong quá trình làm việc và tiếp xúc cử tri. Đặc biệt, bà luôn sâu sát cơ sở, thường xuyên đến những vùng đặc biệt khó khăn, tìm hiểu thông tin, kịp thời có ý kiến phản ánh lên tỉnh, lên Quốc hội... Ngoài công việc của một nữ lãnh đạo, nữ ĐBQH, bà còn là người vợ, người mẹ, người bà tận tụy chăm lo cho gia đình, con, cháu. Hai con gái của bà luôn đạt thành tích học tập tốt, được tuyển thẳng vào đại học và hiện nay thành đạt trong công việc, gia đình hạnh phúc.
Công tác, trưởng thành từ quê hương Hòa Bình, bà Bình thấu hiểu những thuận lợi, khó khăn của quê hương, đặc biệt là chia sẻ nhiều với chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc. Khi là Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bà đã tham gia nhiều đoàn giám sát, công tác về tỉnh. Bà lắng nghe tiếng nói từ cơ sở và thấy mình phải có trách nhiệm hơn.
Theo bà, để phụ nữ tham gia chính trị, nhất là phụ nữ là ĐBQH và HĐND tốt cần sự nỗ lực vượt bậc và phải hy sinh nhiều thứ riêng tư. Sự hy sinh là ý nghĩa khi điều đó có giá trị cho cộng đồng, dân tộc và quê hương. Cũng chính vì quan niệm đó mà khi đã nghỉ hưu, bà Bình vẫn sẵn lòng, tâm huyết, chia sẻ những kinh nghiệm mình có được cho cán bộ, hội viên của tỉnh.
Theo bà Bình, chúng ta cần quan tâm, ưu tiên và thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ nữ. Về phía chị em cần tự tin hơn, thường xuyên cập nhật thông tin, học hỏi, tích lũy kiến thức, trau dồi kỹ năng thuyết trình, thuyết phục; sắc bén trong tổng hợp nội dung, vấn đề; luôn bình tĩnh, kiên trì, biết lắng nghe, không được nóng nảy trong xử lý tình huống khi tiếp xúc cử tri... Đặc biệt, bà đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cho chị em trong vận động bầu cử như: phải chú ý đến hình thức; chuẩn bị tốt kiến thức, tìm hiểu thông tin chính xác, thông tin “điểm nhấn” tại địa phương; cung cấp nhiều thông tin liên quan đến thời sự cho người nghe; tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và HĐND; tham khảo thông tin liên quan đến bầu cử... Đối với Hội LHPN, bà Bình cũng chia sẻ: Trong thời gian này, Hội LHPN các cấp cần mở các lớp tập huấn cho các nữ ứng cử viên về kỹ năng thuyết trình trước đám đông, kỹ năng vận động và kiến thức liên quan đến bầu cử; vận động chị em đi bầu đông đủ; tăng cường kiểm tra ở cơ sở để nắm bắt được tỷ lệ ứng cử viên được giới thiệu và ứng cử viên đó có khả năng trúng cử không; Hội Phụ nữ phải bám sát “mặt trận” để thực hiện hiệu quả công tác vận động bầu cử...
Hồng Duyên
(HBĐT) - Hội LHPN huyện Yên Thủy vừa phối hợp với Hội LHPN và MTTQ xã Đoàn Kết (huyện Yên Thủy) tổ chức Hội thi "Tìm hiểu Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân” các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
(HBĐT) - Hỏi: Những người tạm vắng khỏi nơi cư trú kể từ ngày niêm yết danh sách cử tri đến ngày bỏ phiếu thì ghi tên vào danh sách ở đâu để thực hiện quyền bầu cử?
(HBĐT) - Với đặc thù là một xã đông dân cư, địa bàn rộng, đa dân tộc và trình độ dân trí không đồng đều, Tú Sơn ( Kim Bôi) được xem là một trong những địa bàn tương đối nhạy cảm về các vấn đề an ninh trật tự. Xác định công tác bầu cử là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Tú Sơn đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức nhân dân để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 diễn ra thành công, thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân.
(HBĐT) - Hỏi: Hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND được tiến hành như thế nào?