Tránh chồng chéo, trùng
lặp với các luật có liên quan
Cho ý kiến về dự án Luật
An ninh mạng, các ĐBQH Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng), Bùi Đức Hạnh (Thừa
Thiên - Huế), Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Ngô Minh Châu (TP Hồ Chí Minh)… tán
thành với sự cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng. Theo ĐB Ngô Minh Châu,
trong bối cảnh nước ta phải đối mặt với sự đe dọa từ tội phạm sử dụng mạng gây
mất an toàn thông tin quốc gia, hay một số tổ chức, cá nhân bị rình rập bởi các
hình thức tấn công qua mạng như phần mềm gián điệp, phát mã độc để hủy hoại dữ
liệu, đánh cắp thông tin, phát tán tài liệu gây phương hại đến an ninh quốc
gia…thì dự án Luật phải góp sức phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu
quả của các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng.
|
Ảnh: Quang Khánh
|
Tuy nhiên, một số ĐBQH
lưu ý, các quy định trong dự thảo Luật An ninh mạng còn trùng lặp, chồng chéo
với Luật Cơ yếu, Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Quốc
phòng, thậm chí chồng chéo cả về chức năng quản lý nhà nước giữa Bộ Quốc phòng,
Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo ĐB Nghiêm Vũ Khải, an ninh
mạng là chiến lược lâu dài và là một phần của an toàn thông tin mạng, cho nên
cần xem xét, tính toán sự phù hợp, tương thích của dự án Luật với Luật An toàn
thông tin mạng. Nhất là phương pháp đấu tranh, dự án Luật An ninh mạng phải tập
trung điều chỉnh hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng, giữ
gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá
nhân trên không gian mạng. Các quy định trong dự án Luật cần bám sát mục tiêu
này.
Một số ĐBQH đề nghị, dự
thảo Luật bổ sung quy định về phát triển nhân lực an ninh mạng. Đây phải là lực
lượng tinh nhuệ, đặc biệt, kịp thời ứng phó với mọi nguy cơ khủng bố mạng. Bên
cạnh đó, có ý kiến ĐBQH đề nghị quy định cụ thể hơn các hành vi bị nghiêm cấm
theo hướng, cấm các hành vi xâm phạm, phá hoại, tấn công hệ thống thông tin
quan trọng về an ninh quốc gia; cấm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông,
phương tiện điện tử, không gian mạng để thực hiện các hành vi xâm phạm an ninh
quốc gia, trật tự an toàn xã hội; cấm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông,
phương tiện điện tử, không gian mạng để xâm phạm quyền con người, quyền và lợi
ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Không lạm dụng bí
mật để che giấu thông tin
Cho ý kiến về dự án Luật
Bảo vệ bí mật nhà nước, ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng,
từ khi Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2001 có hiệu lực đến nay, công tác
bảo vệ bí mật Nhà nước đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thời gian
qua còn xảy ra tình trạng lộ, lọt nhiều bí mật nhà nước, gây hậu quả nghiêm
trọng về KT - XH, quốc phòng - an ninh. Thậm chí, lộ, lọt bí mật nhà nước còn
ảnh hưởng đến việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và công tác khắc phục
gặp nhiều khó khăn, tốn kém. Chính vì vậy, ĐB Đinh Duy Vượt cho rằng, cần thiết
phải ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế
trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước thời gian vừa qua.
|
Ảnh: Quang Khánh
|
Liên quan đến danh mục bí
mật nhà nước, có ý kiến cho rằng, xác định danh mục bí mật nhà nước rất khó, vì
bao hàm trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, cần làm rõ hơn khái niệm thế nào là bí mật
nhà nước, tuyệt đối tránh lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước để bưng bít, che giấu
thông tin vì mục đích nhóm, vì lợi ích cá nhân. ĐB Nghiêm Vũ Khải cho biết
thêm, có trường hợp, các cơ quan cứ đóng dấu mật cho các văn bản, tài liệu, mặc
dù thông tin trong các văn bản, tài liệu đó không phải là mật. Vì vậy, cần cân
nhắc rất kỹ trường hợp nào văn bản đó là mật, trường hợp nào không phải là mật.
Một số ĐBQH khác cho
rằng, dự thảo Luật mới chỉ tập trung quy định các biện pháp bảo vệ nhằm phòng,
chống lộ, mất bí mật nhà nước. Trong khi đó, nhiều trường hợp bị lộ, bị mất bí
mật nhà nước, nhưng không được phát hiện, xử lý kịp thời, để các thế lực thù
địch khai thác, sử dụng bí mật nhà nước gây phương hại đến lợi ích quốc gia,
dân tộc. Vì vậy, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về hoạt động của các cơ quan
chức năng nhằm phát hiện việc lộ, mất bí mật nhà nước để kịp thời đưa ra biện
pháp khắc phục, hạn chế hậu quả. Quy định về các biện pháp hạn chế thiệt hại do
việc lộ, mất bí mật nhà nước gây ra (như hủy bỏ, điều chỉnh, đình chỉ việc sử
dụng bí mật nhà nước).