Các hộ dựng lại nhà ở khu tái định cư xã Bảo Hiệu huyện Yên Thủy.

Các hộ dựng lại nhà ở khu tái định cư xã Bảo Hiệu huyện Yên Thủy.

(HBĐT) - Đến nay, hầu hết các hộ tái định cư ở xã Tân Mai và Phúc Sạn, huyện Mai Châu đã dựng xong nhà ở nơi ở mới tại Nông trường 2/9 xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy và xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn. Mùa lũ bão năm nay bà con không phải nơm nớp lo sạt lở đồi vào nhà mình, họ bắt đầu một cuộc sống mới.

 

Thuận trăm bề

 

Khi chúng tôi đến thì ông Bùi Văn Tinh ở đội 2, Nông trường 2/9 xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy đang cưa mấy thanh gỗ để làm nốt gian bếp. Căn nhà gỗ 2 gian của gia đình ông vừa được dựng xong. Ông tâm sự: Cả nhà tôi chuyển về đây hôm 22/4. Căn nhà này được chuyển từ xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu về. Về đây được chính quyền xã, lực lượng quân đội giúp đỡ nên việc dựng lại nhà nhanh hơn. Vài hôm nữa khi ổn định cuộc sống nơi ở mới thì tôi nhận đất bắt đầu sản xuất.

 

“Từ bé sống ở vùng lòng hồ quen với những đồi luồng, con thuyền đánh cá. Giờ về đây cũng thấy nhớ nhưng lại thấy giấc ngủ của mình ngon hơn. Những đêm mưa ngủ không còn lo nơm nớp cảnh sạt lở nữa. Sống ở vùng hồ, mọi phương tiện bằng thuyền, mỗi tuần có 2 phiên chợ. Khách đến nhà không phải phiên chợ thì có gì dùng nấy. Về nơi ở mới đi chợ chỉ chừng một cây số, trường mầm non, cấp 1, cấp 2 ngay gần nhà, trẻ con không phải đi học xa nữa. Cái khó khăn nhất trong những ngày đầu với chúng tôi là ổn định chỗ ở. Từ khi dỡ chuyển nhà cả xóm chúng tôi được Ban chỉ huy quân sự huyện, Bộ chi huy quân sự tỉnh và bà con nơi ở mới đến giúp đỡ dựng lại nhà. Chính quyền xã luôn cắt cử người xuống động viên giúp đỡ những gia đình mới chuyển về đây" - Anh Lý Văn Dũng trước đây ở xóm Thầm Nhân, xã Tân Mai, huyện Mai Châu kể với tôi. Anh vừa kể vừa đi quanh xóm xem các hộ đang dựng nhà. Nhà đang đang lợp mái, nhà thì đang làm lại bức vách bằng gỗ. Ngôi trường mầm non và nhà văn hóa xóm đang hoàn thiện. Anh cho biết: Cả xóm có khoảng 80% số hộ đã dựng được nhà. Gia đình anh có 4 khẩu, hai vợ chồng và 2 đứa con. Cháu lớn đang học nghề sửa ô tô ở Hà Nội, cháu nhỏ đang học phổ thông ở trường huyện Mai Châu. Về Yên Thủy chỉ có vợ chồng anh. Về đây tính mạng được an toàn, không sợ mưa bão đường xá đi lại thuận lợi, chỉ vài trăm mét là ra đến đường Hồ Chí Minh. Gia đình được cấp 350 m2 đất vừa làm nhà và vườn trồng rau và 5000 m2 đất để trồng cây màu.  Do ở Mai Châu bị sạt lở, Nhà nước có chủ trương chuyển các hộ về đây. Nhiều nhà không muốn đi, tôi đích thân xuống tận nơi xem thấy đất bằng phẳng thuận lợi nên quyết định di chuyển.

 

Hơn 20 năm ở xóm Đoi, xã Tân Mai gia đình anh Phan Văn Quỳnh quen với cuộc sống vùng lòng hồ. Gia đình anh có 4 khẩu, cuộc sống phụ thuộc vào 3 ha luồng, 1000 m2 cấy lúa và gần 1 ha đất đối trồng màu. Tuy không giàu có gì nhưng cũng tạm đủ sống. Sau khi cơn bão số 5 xảy ra, lúc nào gia đình anh cũng nơm nớp lo bão lũ. Khi có chủ trương di dân về đây anh lo lắng cho cuộc sống của gia đình mình sau này. Anh cho biết: Khi chuyển về đây, chúng tôi được giúp đỡ chỗ ăn ở tạm thời, tôi thấy yên tâm. Được Nhà nước hỗ trợ tiền dựng nhà, tiền ăn, vận chuyển và lực lượng quân đội đã giúp gia đình tôi dựng lại nhà. Đến nay, căn nhà đã cơ bản dựng xong, ổn định được chỗ ăn ở. 

 

Anh Đinh Văn Trình, Ban chỉ huy quân sự huyện Yên Thủy cho biết: Khi các hộ ở hai xã Tân Mai, Phúc Sạn chuyển về đây thì lực lượng quân đội bao gồm Ban chỉ huy quân sự huyện và đơn vị đóng quân trên địa bàn đã dựng hơn 10 nhà bạt tạm và hơn 1000 ngày công lao động dựng nhà cho các hộ. Do vậy, các hộ nhanh chóng ổn định chỗ ăn,ở sau này yên tâm làm ăn.   

 

Khó trước mắt

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi được biết, nhiều hộ tâm lý vẫn còn dao động chưa thích nghi với cuộc sống mới. Trước mắt chưa có gì thu nhập để ổn định cuộc sống. Theo anh Dũng thì di dân về đây thì do chưa sản xuất được các hộ đều phải mua từ mớ rau, con cá. Hầu hết các hộ tái định cư đều có trình độ văn hóa, sản xuất thấp, không có nghề phụ thu nhập thêm. Trong khi đó, cách sản xuất nông nghiệp khác vùng lòng hồ. Tuy nhiên, đó là những khó khăn trước mắt khắc phục được vì khi ổn định được chỗ ở, được cấp đất sản xuất thì các hộ sẽ thích nghi với vùng đất mới. Các cấp chính quyền cần hướng dẫn người dân chọn cây, con phù hợp cho năng xuất cao. Đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. bản thân người dân cũng cần cố gắng để thích nghi  với cuộc sống và điều kiện sản xuất tại nơi ở mới. 

                                                                               Việt Lâm  

Các tin khác

Bộ phận
Các Đại biểu QH thảo luận tại hội trường
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan hội kiến với bà Trần Chí Lập, Chủ tịch Tổng hội Phụ nữ Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các
Đại biểu dự Hội nghị bộ trưởng lao động 
Asean lần thứ 21

Nâng cao nhận thức về chăm sóc và bảo vệ trẻ em

(HBĐT) - Năm 2004, thủ tướng chính phủ đã phê duyệt chương trình “ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm”. Sau 5 năm triển khai, chương trình đã dành được những kết quả quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Tuy nhiên, nhận thức về quyền trẻ em còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác này.

Xây mới 154 ngôi nhà tình nghĩa

(HBĐT) - Trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã xây mới 154 ngôi nhà, tu sửa và nâng cấp 359 nhà với tổng kinh phí 8.847 triệu đồng cho các gia đình chính sách.

Tuần làm việc thứ hai kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII - Xem xét, cho ý kiến 7 dự án luật

Hôm nay, 24-5, Quốc hội bước sang tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 7 với nhiệm vụ trọng tâm là công tác xây dựng pháp luật. Theo chương trình nghị sự, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về 7 dự án luật. Đó là các dự án luật: Thi hành án hình sự, Trọng tài thương mại, Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Thuế nhà đất, Nuôi con nuôi, Bưu chính, Người khuyết tật.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kết thúc tốt đẹp chuyến thăm ba nước Bê-la-rút, Thụy Sĩ và Phần Lan

Sáng 23-5, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức CH Bê-la-rút, LB Thụy Sĩ và thăm cấp Nhà nước CH Phần Lan từ ngày 13 đến 22-5 theo lời mời của Tổng thống CH Bê-la-rút A-lếch-xan-đơ Lu-ca-sen-cô, Tổng thống LB Thụy Sĩ Ðo-rít Loi-hát và Tổng thống CH Phần Lan Ta-ri-a Ha-lô-nen.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc: Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM đặt ra đúng thời điểm

Tuần qua, ngay sau phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) Hà Nội - TPHCM. Quốc hội cũng đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án này với rất nhiều ý kiến khác nhau. Phần đông đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tuy đồng tình về chủ trương đầu tư ĐSCT, vì đó là một giấc mơ đẹp của mọi người dân Việt Nam, tuy nhiên với số vốn đầu tư quá lớn, lại đầu tư trong một thời gian quá dài, đã khiến các ĐBQH thực sự lo lắng. Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc (ảnh) đã dành cho báo chí cuộc trao đổi xung quanh dự án này.

CCB huyện Lạc Thủy tham gia xây dựng Đảng, bảo vệ chính quyền

(HBĐT) - Hội CCB huyện Lạc Thủy hiện có 3.514 hội viên (trong đó có 1.057 hội viên là Đảng viên), sinh hoạt ở 26 chi hội cơ sở (15 khối xã, thị trấn; 11 hội khối cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước). Những năm qua, Hội luôn xác định, nhiệm vụ vận động CCB tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục