Các đại biểu QH làm việc tại hội trường.

Các đại biểu QH làm việc tại hội trường.

Ngày 25-10, ngày làm việc thứ năm, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII. Buổi sáng, tại hội trường, các đại biểu QH nghe trình các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu QH và Luật Bầu cử đại biểu HÐND; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Khiếu nại và dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu QH và Luật Bầu cử đại biểu HÐND.

 

Trình ba dự án luật

Vào đầu phiên họp buổi sáng, QH nghe Trưởng ban công tác đại biểu của QH Phạm Minh Tuyên trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu QH và Luật Bầu cử đại biểu HÐND. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thụ các ý kiến đóng góp của nhiều đại biểu, các chuyên gia, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật  này trình QH. Qua đó, góp phần khắc phục được những hạn chế, bất cập trong những quy định của luật, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam. Dự thảo luật có cấu trúc nội dung của một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật với bốn điều, bao gồm: Ðiều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu QH; Ðiều 2 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu HÐND; Ðiều 3 quy định về việc đổi tên gọi các tổ chức phụ trách bầu cử; Ðiều 4 quy định về hiệu lực thi hành. Dự thảo Luật đã sửa đổi 17 điều của Luật Bầu cử đại biểu QH và sửa đổi 13 điều, bổ sung một điều của Luật Bầu cử đại biểu HÐND.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu QH và Luật Bầu cử đại biểu HÐND. Ủy ban này đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để có thể sửa đổi, bổ sung thêm một số vấn đề về:  Xác định cụ thể tỷ lệ số đại biểu QH, đại biểu HÐND các cấp là phụ nữ ngay trong luật; Quy định cụ thể hơn nữa về các tiêu chuẩn đại biểu QH, đại biểu HÐND; Quy định việc công khai tài sản, sự tín nhiệm của cử tri ở nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HÐND...

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tờ trình nêu rõ, việc ban hành Nghị quyết của QH về việc tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm quán triệt chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Ðảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống cho nông dân; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, trong mười năm tới, đời sống người nông dân sẽ được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn so với mặt bằng chung của xã hội, việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các đối tượng sản xuất nông nghiệp là cần thiết và phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết nói trên. Báo cáo cho biết, về thời hạn miễn, giảm thuế,  đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành quy định thời hạn miễn, giảm là mười năm để tạo căn cứ pháp lý ổn định cho chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp trong nhiều năm tiếp theo và động viên nông dân yên tâm sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách 'tam nông'.

Tiếp đó, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống mua bán người. Dự thảo luật là văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, quy định một cách tập trung, thống nhất những vấn đề có tính nguyên tắc, làm định hướng cho công tác phòng, chống mua bán người. Dự thảo luật có phạm vi điều chỉnh tương đối toàn diện, trong đó tập trung vào bảy nhóm vấn đề chủ yếu trong phòng, chống mua bán người. Trên cơ sở phạm vi được xác định như trên, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người được thiết kế gồm có tám chương, 51 điều.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật nói trên, nêu rõ: Dự án Luật trình QH tại kỳ họp này đã được Chính phủ chuẩn bị công phu trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người và việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Dự án luật này đã đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để QH cho ý kiến tại kỳ họp này.

Cũng trong buổi sáng, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Khiếu nại. Về sự cần thiết xây dựng luật, tờ trình cho biết, Luật Khiếu nại, tố cáo (KNTC) ban hành năm 1998 và được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Thực hiện các quy định của Luật KNTC, các vụ việc khiếu nại đã được xem xét, giải quyết kịp thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và TTATXH. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật KNTC cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Việc xây dựng Luật Khiếu nại (riêng) và Luật Tố cáo (riêng) là một yêu cầu khách quan và cần thiết. Bố cục của dự án Luật Khiếu nại gồm tám chương, 75 điều.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật nói trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận cho rằng: Dự án Luật Khiếu nại được tổ chức nghiên cứu, xây dựng căn cứ vào Nghị quyết của QH về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010. Theo đó, từ nội dung của Luật KNTC hiện hành, cùng với việc tổng kết thực tiễn thi hành Luật KNTC và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, Chính phủ tổ chức xây dựng thành hai đạo luật: Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Về cơ bản ủy ban tán thành các quan điểm, nguyên tắc xây dựng luật được nêu trong tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, qua thảo luận, một số ý kiến cho rằng, việc xây dựng luật này là nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, vì vậy cần coi đây là một nguyên tắc quan trọng và cần được nhấn mạnh trong quan điểm, nguyên tắc xây dựng luật.

Bảo đảm công bằng, dân chủ trong bầu cử

Thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu QH và Luật Bầu cử đại biểu HÐND, phần lớn đại biểu nhất trí với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật này; đồng thời tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật, theo đó chỉ tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cấp bách nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện bầu cử chung đại biểu QH và đại biểu HÐND trong cùng một ngày. Việc sửa đổi toàn diện hai luật nói trên cần có thời gian nghiên cứu, xem xét, vì vậy để QH khóa sau tiến hành thực hiện nhằm bảo đảm đúng quy định  pháp luật và phù hợp với tình hình phát triển của đất nước. 

Một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để có thể sửa đổi, bổ sung thêm một số vấn đề khác, cụ thể là: Xác định cụ thể tỷ lệ số đại biểu QH, đại biểu HÐND các cấp là phụ nữ ngay trong luật;  quy định cụ thể hơn nữa về các tiêu chuẩn đại biểu QH, đại biểu HÐND; quy định việc công khai tài sản, sự tín nhiệm của cử tri ở nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HÐND.

Một số đại biểu thuộc Ðoàn đại biểu Hà Nội đề nghị tăng số lượng đại biểu HÐND cho thành phố Hà Nội do mở rộng địa giới hành chính. Không nhất thiết phải làm phép cộng số lượng đại biểu HÐND của Hà Nội và Hà Tây nhưng cần nghiên cứu số lượng đại biểu

HÐND cho phù hợp với đặc điểm của Hà Nội.

Về bầu cử đại biểu HÐND tại các địa phương thí điểm không tổ chức HÐND huyện, quận, phường, một số đại biểu cho rằng, hiện nay chúng ta đang thực hiện thí điểm không tổ chức HÐND huyện, quận, phường tại mười tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vấn đề này đang được Chính phủ tổ chức sơ kết bước đầu để báo cáo QH xem xét, quyết định tại kỳ họp này. Vì vậy, không nên đưa vào luật vấn đề này và nếu đến khi bầu cử đại biểu HÐND các cấp mà vẫn tiếp tục thực hiện thí điểm thì tại các địa phương thực hiện thí điểm sẽ không tổ chức bầu đại biểu HÐND huyện, quận, phường. Ðề nghị QH có Nghị quyết để bảo đảm tính pháp lý cho vấn đề nói trên.

Có đại biểu đề nghị, cần xem xét việc ứng cử viên đại biểu HÐND đồng thời được phân công phụ trách công tác bầu cử tại địa phương. Ðiều này dễ dẫn đến việc không công bằng trong việc bầu cử và tổ chức bầu cử.

Một số đại biểu nêu ý kiến, việc bầu cử đại biểu QH và đại biểu HÐND các cấp được tiến hành trong cùng một ngày nhưng lại áp dụng hai đạo luật khác nhau, cho nên ngoài các vấn đề được kiến nghị sửa đổi, bổ sung nêu trên, cũng còn những vấn đề chưa thống nhất giữa hai luật như: Thời hạn chậm nhất công bố danh sách các đơn vị bầu cử; thời hạn chậm nhất tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai,... hoặc có những vấn đề được Luật Bầu cử đại biểu QH quy định nhưng không được quy định trong Luật Bầu cử đại biểu HÐND và ngược lại. Chẳng hạn như việc in tài liệu và phiếu bầu cử đại biểu QH; thời điểm kết thúc việc vận động bầu cử; việc lập biên bản xác định kết quả bầu cử; việc công bố kết quả bầu cử đại biểu QH... Vì vậy, đề nghị trong quá trình tổ chức công tác bầu cử cần có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể để công tác bầu cử được tiến hành thông suốt; đồng thời đây cũng là những vấn đề cần được nghiên cứu để quy định cho thống nhất khi sửa đổi cơ bản các luật về bầu cử. 

Quan tâm, chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn

Góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, đa số đại biểu QH  khẳng định, việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách đúng đắn của Ðảng và Nhà nước trong việc tạo động lực tích lũy vốn, tăng đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn là cần thiết. Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích đầu tư, giảm nhẹ khó khăn, nâng cao đời sống nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền.

Tuy nhiên, có đại biểu băn khoăn về việc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội cũng có quyền sử dụng đất nông nghiệp và được giảm thuế 50% và cho rằng, việc sử dụng đất nông nghiệp tràn lan dễ dẫn đến hiện tượng tìm cách chuyển đổi mục đích sử dụng để kiếm lợi nhuận bất chính. Không đồng tình với ý kiến này, một số đại biểu cho rằng, bất cứ đối tượng nào sử dụng đất để sản xuất và phát triển nông nghiệp đều được miễn, giảm thuế.

Tại Ðiều 1 của Dự thảo Nghị quyết quy định, diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm được miễn thuế. Về điều này, có đại biểu đề nghị cần miễn thuế toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp, kể cả đất trồng lúa, rau và các loại cây trồng khác.

Hầu hết các đại biểu nhất trí với Dự thảo Nghị quyết về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian mười năm. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nên quy định miễn giảm trong 5 năm, sau đó tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng cụ thể trong những năm tiếp theo.

Một số đại biểu cho rằng, trên thực tế, việc quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất nông nghiệp những năm qua còn nhiều hạn chế. Nhiều diện tích đất nông nghiệp được sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, tình trạng hoang hóa, lãng phí tài nguyên đất đai diễn ra ở một số địa phương. Ðặc biệt, việc sử dụng đất ở một số nông, lâm trường đang là vấn đề bức xúc trong dư luận do không kiểm soát được quỹ đất, buông lỏng quản lý dẫn đến trục lợi từ đất đai, thất thoát nguồn thu cho NSNN. Vì vậy, để bảo đảm hiệu quả thực tế của chính sách miễn, giảm thuế, đề nghị, đi đôi với việc ban hành chính sách, cần rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất nông trường, lâm trường. Ðồng thời quy định rõ việc kiên quyết thu hồi và áp dụng các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật đối với diện tích đất bỏ hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí.

 

                                                                             Theo Báo Nhandan

 

 

Các tin khác

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Y-U-Ki-Ô Ha-Tô-Y-A-Ma.
Công dân đến làm thủ tục cấp hộ chiếu tại phòng Xuất - Nhập cảnh, Công an tỉnh.
Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận

CĐ cơ sở thành viên chi nhánh xăng dầu Hòa Bình: Đại hội công đoàn lần thứ VIII

(HBĐT) - Công đoàn cơ sở thành viên chi nhánh xăng dầu Hòa Bình vừa tổ chức Đại hội Công đoàn lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2010 - 2013), nhằm tổng kết đánh giá tình hình CNVC- LĐ và hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2008 – 2010, đề ra mục tiêu nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, tiếp tục xây dựng đội ngũ CNVC- LĐ và tổ chức công đoàn đạt được bước phát triển, đáp ứng nhiệm vụ của chi nhánh trong giai đoạn mới.

Chính sách mới, quyết định mới

Chính phủ vừa ra Nghị định số 96/2010/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/ 2005/NÐ-CP ngày 5-9-2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định số 80/2007/NÐ-CP ngày 19-5-2007 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Quốc hội thảo luận Dự án Luật Tố tụng hành chính

Sáng 23/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố tụng hành chính và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.

Giao lưu “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Hòa Bình” năm 2010

(HBĐT) - Tối ngày 23/10, Trung tâm hoạt động TTN tỉnh đã tổ chức chương trình giao lưu “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Hòa Bình” năm 2010. Tham gia đêm giao lưu có 110 em thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn đến từ các xã, phường trên địa bàn TPHB.

HĐND tỉnh thông báo nội dung kỳ họp thứ 20, khóa XIV

(HBĐT) - Thực hiện kế hoạch công tác của HĐND tỉnh năm 2010, Thường trực HĐND tỉnh thông báo nội dung kỳ họp thứ 20 (chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2004-2011 như sau:

Thực hiện Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn - động lực cho quá trình phát triển KT-XH-ANQP

(HBĐT) - Sau 3 năm triển khai, thực hiện Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh gắn với thực hiện “năm dân vận chính quyền” và “đẩy mạnh cải cách hành chính” mà trọng tâm là thực hiện cải cách thủ tục hành chính thông qua thực hiện cơ chế “một cửa”, đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Kết quả đó đã góp phần phát huy nội lực động viên sự đóng góp của nhân dân trong phát triển KT-XH, giữ vững ANQP.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục