(HBĐT) - Để thực hiện được mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, những năm qua tỉnh Hoà Bình đã thực hiện nhiều giải pháp thu hút vốn đầu tư. Đồng thời thực hiện Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước; đào tạo lao động và hỗ trợ doanh nghiệp; ứng dụng thông tin trong quản lý điều hành, nâng cao tính minh bạch, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong công tác gắn với trách nhiệm người đứng đầu; định kỳ gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đền thác Bờ - một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút nhiều khách thăm quan du lịch vào mùa lễ hội.
Hòa Bình đang tích cực thu hút đầu tư vào các loại hình du lịch. Minh chứng là tỉnh mới công bố Quy hoạch Phát triển du lịch giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.Trong đó, UBND tỉnh Hoà Bình xác định, phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh đến năm 2020. Song nguồn lực để phát triển lĩnh vực tiềm năng này không thể chỉ chờ vào ngân sách và vốn ODA, mà phải huy động các nguồn lực từ xã hội hóa, hợp tác công tư (PPP), FDI, tư nhân trong nước.
Thực trạng tình hình thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách vào lĩnh vực du lịch
Trong 5 năm từ 2011-2015 có 139 dự án đầu tư vào du lịch đăng ký đầu tư mới, với tổng số vốn đăng ký là 15.692 tỷ đồng.
Nếu xét theo số lượng dự án đầu tư vào ngành du lịch tỉnh Hòa Bình, thì số lượng dự án có xu hướng tăng lên qua các năm từ giai đoạn 2011 đến 2015, tốc độ phát triển bình quân đạt 113,62%, tức là bình quân mỗi năm số lượng tự án tăng lên 13,62% một con số rất đáng kể nếu đơn thuần dựa trên số lượng dự án.
Lượng vốn đầu tư vào các dự án cũng tăng nhanh trong giai đoạn từ năm 2011-2015, lượng vốn đăng ký tăng hơn 12 lần trong vòng 5 năm, từ mức 455 tỷ đồng năm 2011 lên 5.379 tỷ đồng năm 2015. Tuy nhiên, lượng vốn thực tế thực hiện thấp hơn rất nhiều so với mức vốn đăng ký, và tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký cũng giảm dần qua các năm, năm 2011 tỷ lệ này là 35,8%, đến năm 2015 tỷ lệ này chỉ đạt 12,47%. Tính bình quân giai đoạn 2011-2015 số vốn thực tế chỉ đạt 13,5% so với lượng vốn đăng ký. Điều này là do: dự án kéo dài, nhiều dự án chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng, nhưng cũng không ngoại trừ lý do nhiều dự án đăng ký nhằm chiếm dụng đất.
Giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách vào phát triển du lịch
Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính. Tiến hành sắp xếp lại bộ máy, chức năng nhiệm vụ của một số Sở, ngành và một số phòng, ban cấp huyện. Phân cấp ngân sách, phê duyệt dự án đầu tư về giao đất và cấp đất.. cần tạo cơ chế chủ động của các cấp, các ngành trong việc cụ thể hoá các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thực hiện tốt cải cách hành chính theo cơ chế "một cửa" điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức giải quyết nhanh chóng công việc. Các thủ tục hành chính, quy trình, thời gian giải quyết và lệ phí được công khai, hạn chế tối đa việc gây phiền hà cho nhân dân và các tổ chức khi có yêu cầu. Quy trình công tác được đổi mới, cải tiến sự phân công, phối hợp của các cấp, các ngành với các cơ quan chuyên môn.
Thứ hai, làm tốt công tác quy hoạch
Công tác quy hoạch đầu tư có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế sau này của một địa phương. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước để làm cơ sở xác định kế hoạch đầu tư phát triển cho từng thời kỳ và cho từng năm, tạo môi trường thu hút đầu tư nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển. Có làm tốt công tác quy hoạch vùng, lãnh thổ thì mới có thể xác định được ngành kinh tế trọng điểm của từng vùng và từ đó có hướng tập trung phát triển cho vùng đó. Tỉnh Hoà Bình đã làm tốt công tác quy hoạch vùng lãnh thổ nhưng công tác quy hoạch đầu tư thì lại chưa được chú trọng nhiều, vì thế cần phát triển đồng bộ các vùng kinh tế, các ngành kinh tế của ngành của tỉnh. Xây dựng và hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt. .
Thứ ba, công tác giải phóng mặt bằng
Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mức đền bù giá, thời gian giải toả đối với từng loại đất, lấy ý kiến của dân nơi bị thu hồi đât. Hội đồng nhân dân bàn và quyết định, điều này sẽ giúp cho công tác giải phóng mặt bằng được tiến hành thuận lợi, giúp việc giao đất cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp đúng thời gian quy định.
Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Đầu tư kết cấu hạ tầng như giao thông, điện nước, hệ thống thông tin liên lạc, nâng cấp các dịch vụ hiện có để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh.Tăng cường đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hôi, bao gồm: giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, xây dựng khu dân cư, nâng cấp hệ thống khách sạn, hạ tầng du lịch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp. Thực thi đầy đủ các chính sách và pháp luật do trung ương quy định, cần rà soát, xây dựng những quy định mang tính chính sách về khuyến khích và ưu đãi đầu tư cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Du lịch là một ngành kinh tế đòi hỏi có sự giao tiếp rộng và trực tiếp hơn đối với khách, đòi hỏi trình độ nghiệp vụ, phong cách và thái độ giao tiếp của cán bộ, nhân viên trong ngành, đặc biệt là hướng dẫn viên, lễ tân...hết sức cao. Để đáp ứng được yêu cầu trên, cần phải có một chương trình đào tạo toàn diện với những kế hoạch cụ thể về đào tạo mới và đào tạo bổ túc, nâng cao kiến thức và trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ nhân viên.
Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư
Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của tỉnh, xác định mũi nhọn thu hút đầu tư và xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư. Xác định lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Xác định địa bàn trọng điểm thu hút đầu tư gồm huyện Lương Sơn, thành phố Hoà Bình, huyện Kim Bôi và dọc đường Hồ Chí Minh.
Hàng năm tỉnh xây dựng và công bố các danh mục dự án gọi vốn đầu tư làm cơ sở cho việc vận động xúc tiến đầu tư. Hiện nay tỉnh công bố danh mục dự án thu hút vốn đầu tư đến năm 2020 gồm các dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần to lớn trong việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển du lịch Hòa Bình đến năm 2020, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Bên cạnh đó, với tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch sẽ là đầu tàu kéo theo các ngành kinh tế liên quan phát triển theo, do đó góp phần phát triển kinh tế xã hội ngày càng bền vững, giữ vững an ninh quốc phòng và an toàn xã hội ở địa phương.
Quách Sơn Lâm
(Phòng Xúc tiến Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình)
(HBĐT) - Năm 2016, kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước của tỉnh là 2.752.168 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh 755.188 triệu đồng; vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu 1.031.368 triệu đồng, trái phiếu Chính phủ 679.392 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia 286.220 triệu đồng.
(HBĐT) - Đoàn công tác của Sở NN&PTNT vừa đi kiểm tra tình hình thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM tại xã Yên Trị, Yên Thuỷ.
(HBĐT) - Ngày 20/12, đoàn công tác Sở Nông nghiệp & PTNT đã tổ chức đợt kiểm tra công tác phát triển chăn nuôi và phòng chống đói, rét cho đàn gia súc trên địa bàn.
(HBĐT) - Theo báo cáo của Sở Tài chính, năm 2016, thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.940 tỷ đồng, bằng 115% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 102% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh. Trong đó, thu cân đối ước đạt 2.790 tỷ đồng, bằng 111% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 100% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh; thu quản lý qua NSNN ước đạt 100 tỷ đồng, bằng 100% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh; thu xuất - nhập khẩu ước thực hiện đạt 50 tỷ đồng.
(HBĐT) - Hiền Lương (Đà Bắc) là xã vùng hồ, hàng chục năm trước, người dân nơi đây vén nhà theo con nước phục vụ đắp đập xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Vì vậy, địa hình của xã chia cắt và độ dốc lớn. Xã có tổng diện tích tự nhiên trên 4.045 ha, thế nhưng lại thiếu đất sản xuất bởi diện tích đất nông nghiệp chỉ có 360 ha, còn lại là diện tích đất lâm nghiệp nhưng chủ yếu là rừng phòng hộ.
(HBĐT) - Năm 2016, theo kế hoạch, Chương trình 135 được giao 142.298 triệu đồng đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất; duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Trong đó, toàn tỉnh đầu tư 105.120 triệu đồng xây dựng 232 công trình, bao gồm: 122 công trình giao thông; 1 công trình điện; 50 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 22 công trình trường học và hạng mục phụ trợ; 31 công trình thủy lợi; 3 công trình nước sinh hoạt; 3 công trình khác.